Tối 25.7, UBND TPHCM cho biết, do số lượng người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất rất đông nên Thành phố quyết định giờ viếng đến 23h thay vì đến 22h như thông báo trước đó. Việc này nhằm tạo mọi điều kiện để người dân được đến viếng thuận lợi nhất. Giờ viếng ngày mai (26.7) bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 12h30.
20h: Dòng người lần lượt tiếp tục vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Tính đến 17h, đã có 539 đoàn và 19.748 người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất.
17h: Người dân xếp hàng vào Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng đông hơn.
Anh Nguyễn Văn Thanh (40 tuổi, huyện Củ Chi, TPHCM) là nhân viên lái xe buýt. Chiều 25.7, anh Thanh xin nghỉ làm, chạy xe máy đến Hội trường Thống Nhất, hòa vào dòng người dân từ khắp nơi đổ về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
15h30: Nhiều nghệ sĩ đã đến Hội trường Thống Nhất (TPHCM) viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như ca sĩ Đen Vâu, Hoa hậu Thùy Tiên, Hoa hậu H’Hen Niê…
14h45: Trời đổ mưa lớn nhưng dòng người vẫn di chuyển về Hội trường Thống Nhất (TPHCM) xếp hàng chờ tới lượt vào trong để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lê Ngọc Sang (19 tuổi) - sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM - cho biết, em cùng các bạn tới Hội trường Thống Nhất lúc 13h và thấy mọi người đã xếp hàng rất đông từ ngoài cổng để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Em thương quý bác quá không diễn tả được, chỉ mong một lần được cúi đầu trước di ảnh của bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng em sẽ phải cố gắng thật nhiều hơn nữa trong học tập và cuộc sống để làm sao xứng đáng được với những công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" - Sang nói.
14h15: Người dân tiếp tục di chuyển đến Hội trường Thống Nhất (TPHCM) viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dòng người lên tới hàng nghìn người, xếp hàng kéo dài ra tới cổng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tuy đông nhưng mọi người xếp hàng trật tự chờ đăng ký vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Anh Lê Bá Hưng - Bí thư đoàn Học viện Cán bộ TPHCM - chia sẻ: “Các đoàn viên, thanh niên chúng tôi rất nhớ và thấm nhuần lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “5 tiên phong” mà đồng chí đã truyền đạt tại Đại hội Đoàn toàn quốc vào năm 2022. Chúng tôi nguyện ra sức rèn luyện, học tập, trau dồi đạo đức, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tích trong học tập và công tác”.
12h: Nhiều nhân viên văn phòng tranh thủ giờ tan ca tới Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại TPHCM.
10h30: Người dân xếp hàng bên ngoài Hội trường Thống Nhất (TPHCM) bắt đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh (39 tuổi, quê Hóc Môn, TPHCM) cầm theo di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng chất liệu khảm ngọc trai do chính tay mình làm, chờ vào viếng. “Rất yêu quý Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên tôi đã làm bức hình trong vòng 2 tháng” – anh Huỳnh nói.
Chánh phối sư Hương Phương - Phó Ban Thường trực Hội thánh Cao đài Minh Chơn Đạo (tại Cà Mau) cho biết, đoàn bắt xe lên TPHCM từ 23h ngày 24.7 và sáng nay 5h tới Thành phố. “Đoàn muốn thắp nén nhang tiễn biệt với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đáng kính, người luôn hết lòng lo cho nhân dân, tận hiến với dân tộc đến giây phút cuối cùng” - Chánh phối sư Hương Phương nói.
Có mặt trong đoàn viếng gồm 51 người của Hội Cựu chiến binh Quận 12 (TPHCM), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trung Thành rất xúc động khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân tình cảm yêu mến, lưu luyến. Tổng Bí thư đã lãnh đạo toàn Đảng toàn quân, toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong công cuộc đổi mới, vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, nâng cao an sinh xã hội cho toàn dân. Đặc biệt trong công cuộc phòng chống tham nhũng với ý chí sắt đá là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thượng tôn pháp luật” – ông Thành nói.
7h: Từ sáng sớm, rất đông người dân bên ngoài Hội trường Thống Nhất để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Lê Thị Kim Liên (73 tuổi, quê Lâm Đồng) cho biết, bà bắt xe từ Lâm Đồng đến TPHCM và có mặt từ 5h sáng tại Hội trường Thống Nhất để chờ vào viếng, thắp nén nhang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Người dân chúng tôi rất yêu mến, kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người có công lao lớn trong xây dựng Đảng, xây dựng đất nước vững mạnh, để nhân dân chúng tôi được ấm no, hạnh phúc" - bà Liên xúc động.
Tại đầu cầu TPHCM, đoàn đại biểu gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, lực lượng vũ trang, đại diện các tôn giáo trên địa bàn TPHCM, do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các đoàn Đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng; Đoàn đại biểu Văn phòng Chính phủ; Đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân khu 5, 7, 9 và các binh chủng; Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM; Đoàn đại biểu Thành Đoàn (đại diện thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi tiêu biểu của Thành phố); Đoàn đại biểu các cơ quan ngoại giao… vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lễ viếng và Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại khu vực miền Nam diễn ra ở Hội trường Thống Nhất (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, TPHCM).
Lễ viếng diễn ra từ 7h đến 22h ngày 25.7 và từ 7h đến 12h30 ngày 26.7.
Lễ truy điệu diễn ra từ 13h ngày 26.7.
Theo đại diện Ban tổ chức, nhân dân và các đoàn đại biểu của cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, lực lượng vũ trang đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần phân công trưởng đoàn, trang phục trang trọng, sậm màu, nghiêm túc theo nghi thức Quốc tang.
Cá nhân mang theo căn cước công dân (hoặc giấy tờ tùy thân), không mang theo túi xách, chỉ mang theo dải băng viếng tang có dòng chữ ghi tên đơn vị để gắn vào vòng hoa luân chuyển do Ban tổ chức chuẩn bị. Các đoàn thu xếp đi xe chung để giảm áp lực giao thông.