Thâm nhập đường dây gian lận chứng chỉ:

Một ngày "chạy sô" 2 kỳ thi tổ chức lén lút ở Thái Nguyên

Nhóm Phóng viên |

2 tháng trước, PV Lao Động nhận được tin nhắn của bạn đọc phản ánh về một đường dây gian lận thi chứng chỉ Ngoại ngữ có sự cấu kết của các trường Cao đẳng, Đại học, tại một số tỉnh thành phía Bắc. Chúng tôi bắt đầu xác minh đường dây này từ những kỳ thi được tổ chức lén lút ở Thái Nguyên.

Video điều tra độc quyền "Những kỳ thi gian lận chứng chỉ ở Thái Nguyên":

Tháng 5.2019, Lao Động đăng tải Phóng sự: Trải nghiệm hỗn loạn tại "chợ" chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ biên chế miêu tả thực trạng vô cùng bát nháo trong các kỳ thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học tại Hà Nội.

Sau phóng sự này, "thị trường chứng chỉ" yên ắng khoảng 1 tháng. Giữa tháng 6, chúng tôi lại nhận được nguồn tin của bạn đọc: "Giờ các đơn vị tổ chức thi gian lận tinh vi hơn rồi. Có xe đưa đón thí sinh về các tỉnh thành, tổ chức thi lén lút để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng và báo chí. Vẫn "bao đậu" nhưng giá cao hơn trước".

"Vươn vòi" về các tỉnh

Qua một vài đầu mối, chúng tôi có số của "cò" Mạnh (Hà Nội). Sau khi nói cần có chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học để đủ điều kiện cho kỳ thi công chức sắp cận kề, Mạnh nói luôn với tôi: "Em đăng ký thì nộp tiền cho anh cuối tuần này về Thái Nguyên thi luôn. Cả Tiếng Anh và Tin học là 2,1 triệu. Anh bao đỗ cho em 100%. Yên tâm không phải ôn gì đâu".

2 xe đón khoảng 100 thí sinh về Thái Nguyên thi chứng chỉ kiểu "chống trượt" ngày 14.7.

"Sao không thi ở Hà Nội luôn mà lại về Thái Nguyên anh ơi", tôi hỏi Mạnh.

"Đợt rồi báo chí phản ánh, giờ trường nào cũng "rụt" không dám tổ chức. Chịu khó lên Thái Nguyên nhưng được việc em ạ", Mạnh nói.

"Trường nào ở Thái Nguyên cấp chứng chỉ anh nhỉ", tôi hỏi tiếp.

"Em không cần quan tâm trường nào, quan trọng là có phôi của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trường nào cũng như nhau cả", Mạnh nói tiếp rồi dặn tôi chủ nhật 14.7 có mặt ở 91 Nguyễn Xiển (Thanh Xuân) lên xe theo đoàn về Thái Nguyên.

7h ngày 14.7, tại 91 Nguyễn Xiển, chúng tôi được "cò" Mạnh giới thiệu gặp "cò" Nam - người của "công ty" trực tiếp dẫn đoàn về Thái Nguyên thi. Thời điểm này đã có cả trăm thí sinh tập trung ở đây. Do lượng thí sinh quá đông nên đơn vị tổ chức thi phải thuê 2 xe khoảng 40 chỗ ngồi để di chuyển về Thái Nguyên.

Trên xe, nhiều thí sinh tâm sự với phóng viên, họ cũng đã đóng tiền "bao đậu" gần 2 triệu đồng cho 2 loại chứng chỉ Tiếng Anh và Tin học. Tuy vậy, tất cả đều không hề hay biết sẽ được dự kỳ thi do trường nào tổ chức và ở địa điểm nào.

“Cò” Nam (đứng) trao đổi với thí sinh trước khi đến điểm thi.
“Cò” Nam (đứng) trao đổi với thí sinh trước khi đến điểm thi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty mà "cò" Nam, "cò" Mạnh đầu quân có tên: Công ty cổ phần tư vấn và đào tạo giáo dục, đặt trụ sở tại tầng 6 toà nhà 91 Nguyễn Xiển. Công ty này là đối tác cung cấp một lượng thí sinh rất lớn và thường xuyên cho các kỳ thi cấp chứng chỉ của nhiều trường cao đẳng, đại học trên cả nước.

Kỳ thi lén lút

9h30 sáng 14.7, xe dừng lại trước cổng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên (số 478, đường Thống Nhất, TP. Thái Nguyên).

"Cò" Nam hướng dẫn tất cả thí sinh lên tầng 2 toà nhà chính của trường. Thời điểm này, đã có 2 phòng thi chứng chỉ Ngoại ngữ đang diễn ra. Khoảng 50 thí sinh mới đến được đưa vào một căn phòng gần đó chuẩn bị thủ tục và chờ đợi.

Khoảng 30 phút sau, chúng tôi tiếp tục được dẫn sang một phòng khác tại tầng 2 để thi. Lúc đang đọc danh sách thí sinh dự thi, 2 giám thị hốt hoảng khi thấy một thanh niên lướt qua phòng, ngó nghiêng. Tất cả mọi hoạt động đều đột ngột bị dừng lại. Một nam giám thị trong nhóm trấn an: "Kiểm tra rồi, yên tâm không phải nhà báo đâu!", mọi việc sau đó được tiếp tục diễn ra.

“Cò” Nam (giữa ảnh 1) mang đáp án đã được in đậm, đánh dấu x vào phòng thi cho thí sinh chép trước mặt các giám thị.
“Cò” Nam (giữa ảnh 1) mang đáp án đã được in đậm, đánh dấu x vào phòng thi cho thí sinh chép trước mặt các giám thị.

Buổi thi diễn ra được khoảng 10 phút một số thí sinh tỏ ra lo lắng. Ngồi gần tôi anh L. (38 tuổi, Thái Nguyên) sốt ruột, than: "Hứa "bao đỗ" mà giờ chưa thấy hỗ trợ gì là thế nào nhỉ".

Đúng lúc này "cò" Nam bước từ ngoài vào trong phòng thi. Trước mặt 2 giám thị phòng thi, Nam bất ngờ đi đến từng bàn phát cho toàn bộ thí sinh thi tiếng Anh mỗi người một tờ giấy bên trong đã ghi sẵn đáp án phần thi viết. Nhiều người thở phào, yên lặng chép đáp án.

Có khoảng 10 thí sinh thi tiếng Trung thì được đích thân một nam giám thị chép đáp án lên bảng chỉ việc điền vào bài.

Kết thúc phần thi viết đến phần nghe mọi chuyện lại được lặp lại tương tự như vậy. Đáp án của phần thi Tiếng Anh được in ra giấy và giám thị đi phát cho thí sinh chép còn đáp án phần thi tiếng Trung tiếp tục được nam giám thị viết lên bảng cho thí sinh ở dưới tự điền vào bài thi.

Buổi thi diễn ra nhanh chóng, trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ tất cả thí sinh đều đã hoàn thiện bài thi. Khi tất cả đều sẵn sàng chuẩn bị cho phần thi nói thì bất ngờ giám thị thông báo: "Thi như vậy là xong rồi, không phải thi phần nói nữa!".

Giám thị chép luôn phần đáp án thi Ngoại ngữ Tiếng Trung lên bảng để thí sinh điền vào bài thi.

"Cò" Nam tiếp tục hướng dẫn tất cả thí sinh trở lại tầng 1 của trường, một nửa số thí sinh lên xe về Hà Nội trước. Khoảng 60 người còn lại tiếp tục lên ô tô di chuyển đến trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên để dự thi chứng chỉ Tin học.

Thời điểm này đã vào giữa trưa, một số thí sinh lớn tuổi than đói và mệt, muốn nghỉ ngơi rồi chiều hãy thi tiếp nhưng Nam nói ở Đại học Nông lâm Thái Nguyên cả hội đồng thi đang chờ thí sinh. Phải thi luôn trong trưa nay cho xong...

Gian lận tinh vi

Khoảng 12h, chúng tôi có mặt tại trụ sở trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (địa chỉ xã Quyết Thắng, TP.Thái Nguyên). Tại đây tất cả các thí sinh lại tiếp tục phải vạ vật chờ đợi ở sảnh.

15 phút sau, theo hướng dẫn của "cò" Nam, tất cả lại lên xe di chuyển đến 1 khu nhà nằm cách trụ sở chính của trường gần 1km. Chúng tôi được đưa lên tầng 2 và vào phòng chờ đợi đến lượt thi. Tại đây, chúng tôi được một nữ cán bộ được giới thiệu là của trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hướng dẫn một số "mẹo" trước khi vào phòng thi.

Vòng kiểm tra an ninh gắt gao đảm bảo không có thiết bị ghi âm, ghi hình được mang vào.
Vòng kiểm tra an ninh gắt gao trước khi vào phòng thi.

Để vào phòng thi, chúng tôi còn phải trải qua một cửa kiểm soát an ninh vô cùng nghiêm ngặt để đảm bảo không có bất kỳ một thiết bị ghi âm, ghi hình nào được đem vào.

Sau khi kết thúc phần thi, tôi trò chuyện với các thí sinh vừa bước ra ngoài. Một số thí sinh cho biết được hỗ trợ bằng thủ thuật hết sức tinh vi. "Có nhiều câu phần thi trắc nghiệm, máy tính đã tự chọn đáp án đúng cho mình mà không phải làm gì cả", thí sinh tên M. (Hà Nội) nói.

Đang trò chuyện với chúng tôi ngoài hành lang, thí sinh tên T. (Bắc Ninh) được vị giám thi gọi lại vào phòng thi. Sau đó, T. kể với chúng tôi: "Mình tự làm không đủ qua nên giám thị gọi lại bảo mở lại bài để làm và bấm đáp án cho. Lúc bấm kết thúc bài thi chấm đủ điểm đậu rồi mới bảo ra ngoài".

Ngày 23.7, hơn 1 tuần sau kỳ thi, PV được hẹn đến trụ sở của Cty cổ phần tư vấn và đào tạo giáo dục để nhận chứng chỉ. Trên 2 chứng chỉ đều có dấu đỏ của các trường cùng chữ ký của Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Thương mại Du lịch.

Khi chúng tôi vờ hỏi lịch thi Chứng chỉ Tiếng Anh và Tin học cho một người bạn, nhân viên Cty cổ phần tư vấn và đào tạo giáo dục tiếp tục mời chào: Tuần tới lại có lịch thi chứng chỉ ở trường X, cũng được "bao đậu", giá vẫn thế.

Nhóm Phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Bát nháo "chợ" chứng chỉ ngoại ngữ: Thích là vào coi thi?

Nhóm PV Lao Động |

Không cần có tên trong danh sách cán bộ coi thi, không cần báo trước thời gian, nhân viên của Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển Nhân lực Doanh nghiệp (trực thuộc Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nhân lực Nhân tài Việt Nam) sẵn sàng vào phòng làm cán bộ coi thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, tin học.

“Chợ” chứng chỉ ngoại ngữ: Cán bộ phòng đào tạo "báo giá"

Nhóm PV Lao Động |

Thâm nhập hoạt động của giới "cò", chúng tôi tìm hiểu được vì sao giá một tấm chứng chỉ ngoại ngữ "cam kết bao đậu" luôn có giá "linh hoạt ở mức cao". Trong khi đó, nhà trường và hệ thống "cò" chứng chỉ có những cách thức ăn chia đa dạng trên đầu thí sinh...

Trải nghiệm hỗn loạn tại "chợ" chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ biên chế

Nhóm PV Lao Động |

Điều trái khoáy ở khu "chợ" chứng chỉ này là phần lớn đối tượng tham dự lại là giáo viên. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ cũng chẳng vui sướng gì và cho đây là chuyện cực chẳng đã.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Bát nháo "chợ" chứng chỉ ngoại ngữ: Thích là vào coi thi?

Nhóm PV Lao Động |

Không cần có tên trong danh sách cán bộ coi thi, không cần báo trước thời gian, nhân viên của Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển Nhân lực Doanh nghiệp (trực thuộc Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nhân lực Nhân tài Việt Nam) sẵn sàng vào phòng làm cán bộ coi thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, tin học.

“Chợ” chứng chỉ ngoại ngữ: Cán bộ phòng đào tạo "báo giá"

Nhóm PV Lao Động |

Thâm nhập hoạt động của giới "cò", chúng tôi tìm hiểu được vì sao giá một tấm chứng chỉ ngoại ngữ "cam kết bao đậu" luôn có giá "linh hoạt ở mức cao". Trong khi đó, nhà trường và hệ thống "cò" chứng chỉ có những cách thức ăn chia đa dạng trên đầu thí sinh...

Trải nghiệm hỗn loạn tại "chợ" chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ biên chế

Nhóm PV Lao Động |

Điều trái khoáy ở khu "chợ" chứng chỉ này là phần lớn đối tượng tham dự lại là giáo viên. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ cũng chẳng vui sướng gì và cho đây là chuyện cực chẳng đã.