Di tích lịch sử trôi sông từng ngày
Soi Sính là một dải đất nằm giữa sông Lô có diện tích hơn 91 nghìn m2. Thời kỳ chống Pháp, nơi đây là địa bàn hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng. Với những giá trị lịch sử đó, năm 2006, Soi Sính được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, cần được bảo vệ giữ nguyên hiện trạng.
Nhiều đời nay, Soi Sính cũng là sinh kế của hàng trăm con người tại các thôn 9, 10 của xã Tân Long với những triền ngô, khoai xanh biêng biếc. Nhưng vài năm gần đây tình trạng sạt lở diễn ra phức tạp tại Soi Sính đã khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng.
Theo ông Phạm Văn Hảo, trưởng thôn 9 xã Tân Long, thôn có 24 hộ dân canh tác lâu đời trên Soi Sính thì đều bị ảnh hưởng bởi sạt lở, có những hộ gia đình đến nay đã không còn một mét đất nào. Bản thân nhà ông Hảo cũng bị sạt lở trôi sông mất gần 5 sào đất tại Soi Sính.
Có mặt tại Soi Sính vào những ngày đầu tháng 9.2021, PV ghi nhận sự lo lắng kèm những bức xúc của người dân trước việc Soi Sính bị sạt lở, ngày càng thu hẹp của người dân nơi đây. Hàng ngày họ vẫn phải chứng kiến từng mét đất bờ bãi đã gắn liền bao đời nay bị cuốn theo dòng nước.
Nhìn về phía đuôi Soi Sính xuôi theo hạ nguồn sông Lô, ông Cao Đức Nhâm (thôn 9, xã Tân Long) cho biết chỉ gần 2 năm trước bãi ngô nhà ông còn kéo dài cả trăm mét nhưng nay đã bị sạt lở gần như toàn bộ.
Còn ông Vũ Xuân Thắng nói về gần 2/3 số đất bãi của gia đình đã bị cuốn trôi sông: Rất chua xót khi "không thể giữ được đất bờ bãi sinh kế, trong khi đó đây lại là bãi soi có giá trị lịch sử".
Theo người dân, từ năm 2002 có Thuỷ điện Tuyên Quang thì không còn tình trạng lũ sông Lô càn quét, Soi Sính được bảo vệ. Nhưng vài năm trở lại đây khi Công ty CP Công nghiệp T.H bắt đầu hoạt động khai thác cát sỏi cách đuôi soi vài trăm mét thì tình trạng sạt lở bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
Chưa xác định được nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Bà Hoàng Thị Hằng, phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, tình trạng sạt lở Soi Sính thời gian qua khá nhiều. Theo thống kê năm 2020, diện tích sạt lở tại đây gần 26.000 m2 chiến gần 1/3 tổng diện tích Soi Sính.
Mức độ sạt lở tăng lên theo từng năm và xã cũng chỉ có thể gửi số liệu báo cáo tới các cơ quan chức năng. Để xác định chính xác nguyên nhân sạt lở thì xã không đủ chức năng và thẩm quyền.
Lãnh đạo xã Tân Long cũng cho rằng việc sạt lở có yếu tố tác động từ hoạt động khai thác cát gần đó, bởi khi lòng sông bị hút rỗng thì phía trên bãi soi đất cát sẽ theo dòng nước sạt xuống. Nếu tính trạng sạt lở kéo dài trong thời gian tới, nguy cơ di tích Soi Sính bị biến mất khỏi bản đồ là điều khó tránh khỏi.
Trao đổi với phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch tỉnh Tuyên Quang PV được biết, tháng 7.2016 đơn vị này có phát hiện tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở di tích Soi Sính và đã gửi văn bản kiến nghị tới các cơ quan chức năng xử lý.
Từ đó đến nay, qua một số lần tiếp xúc cử tri tại xã Tân Long cùng các ban ngành, Sở VHTTDL có ghi nhận ý kiến của người dân về tình trạng sạt lở di tích Soi Sính và khu vực lân cận. Tuy nhiên để xác định cụ thể nguyên nhân sạt lở thì không thuộc chức năng của ngành văn hoá.
Trước thực trạng sạt lở kéo dài và có diễn biến phức tạp, Sở VHTTDL đang lên kế hoạch đề xuất UBND tỉnh Tuyên Quang xây dựng kè bê tông để bảo vệ Soi Sính cũng như một số di tích gần đó.
Được biết, UBND tỉnh Tuyên Quang không cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực di tích Soi Sính. Tuy vậy, tại 2 đầu Soi Sính hiện nay đang có hoạt động khai thác cát sỏi của Công ty CP Công nghiệp T.H theo giấy phép số 51/GP-UBND cấp năm 2017. Vị trí khai thác cách chân bờ soi gần 300m.