Môi trường lý tưởng để rèn nghề

Nguyễn Tri Thức |

Chỉ là liều lĩnh xin ra học nghề trong kỳ thực tập tốt nghiệp đại học, nhưng tôi may mắn được nhận vào làm việc tại Báo Lao Động ngay sau khi ra trường. Trong suốt 12 năm 1 tháng gắn bó với “tờ báo có sao”, trải qua hầu hết các ban chuyên môn, nghiệp vụ, dù chuyển công tác cũng đã được gần 11 năm; nhưng Lao Động - nơi tôi bắt đầu nghề báo và may mắn được rèn nghề trong một môi trường lý tưởng - vẫn luôn đậm sâu lớp lang kỷ niệm trong trái tim…

1. Sắp kết thúc kỳ thực tập tốt nghiệp tại Ban Thời sự - Chính trị do bác Nguyễn Tiến Chước làm Trưởng ban vào cuối năm 1995, chú Trần Đức Chính - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động - có vô tình gặp tôi ở hành lang tầng 1 sâu hun hút của toà nhà 51 Hàng Bồ và bất ngờ hỏi: “Có thích về Báo Lao Động công tác không?”. Tôi ngỡ ngàng, phải mất cả phút mới hết “sốc”, và rụt rè hỏi lại: “Thế cháu có phải làm luận văn (không phải khoá luận như bây giờ), có phải tốt nghiệp bằng khá không ạ?”. Chú Chính trả lời ngay rằng, báo không cần bằng cấp, chỉ cần người làm được việc…

Vậy là tôi bỏ hết các dự định từ trước, bởi chỉ xác định đến Lao Động thực tập là để học nghề, chứ không có ý định tìm kiếm cơ hội việc làm, vì tôi cũng đã có 2 - 3 cơ quan báo chí sẵn sàng nhận về sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi về trường và xin thôi không làm luận văn nữa, dù đề cương đã được cô hướng dẫn đồng ý. Và rồi, việc thi tốt nghiệp khiến điểm trung bình 2 năm cuối chỉ đạt 6,97, thiếu 0,03 để đạt bằng khá, để được vinh dự kết nạp vào Đảng. Nhưng may mắn là vừa rời ghế giảng đường, tôi đã được ký hợp đồng thử việc 3 tháng tại Báo Lao Động, làm việc tại Ban Bạn đọc do anh Nguyễn Minh Quang phụ trách, với mức lương chính là 600.000 đồng/tháng. Đó là ngày 1.7.1996.

Và sau 3 tháng thử việc hoàn thành nhiệm vụ, định mức được giao, cũng có bài được thưởng chất lượng, tôi được ký hợp đồng không xác định thời hạn, chính thức trở thành thành viên của đại gia đình Lao Động - tờ báo có sao trên manchette mà nhiều người mơ ước được làm việc. Đúng như Điều 5 của Hợp đồng lao động ký ngày 1.7.1996 rằng: “Sau 03 tháng làm tốt sẽ được tuyển vào Báo Lao Động theo chế độ hợp đồng dài hạn”.

Sau thời gian công tác tại Ban Bạn đọc, tôi được chuyển công tác sang Ban Kinh tế - Xã hội do bác Nguyễn An Định làm Trưởng ban. Đó là ngày 1.11.1996. Và rồi là lần lượt các ban chuyên môn khác, như Công đoàn của bác Ứng Duy Ninh, Thư ký Toà soạn của anh Trần Duy Phương, Văn hoá - Thể thao của anh Đỗ Quang Hạnh. Mỗi ban một thời gian nhất định, nhưng gắn bó lâu nhất là Ban Thư ký toà soạn, làm nghề “gác cổng” quen dần với tình trạng “thối tai, chai đít, công ít, tội nhiều”...

Ở các ban chuyên môn, phóng viên trẻ vừa ra trường như tôi luôn được lãnh đạo các ban, những đồng nghiệp đi trước tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, trao truyền các kinh nghiệm liên quan đến công việc của một phóng viên. Đó là những bài học dạng “cầm tay chỉ việc” không có trên giảng đường. Những bài học thực tiễn trực diện, thẳng thắn, sâu sắc đầy tính chuyên môn, nghiệp vụ. Đó là những kinh nghiệm, kỹ năng từ việc đặt tiêu đề (tít), viết lời dẫn (chapeau), tách các hộp dữ liệu thông tin (box), tự biên tập đến phát hiện đề tài, khai thác thông tin, liên hệ làm việc, đi công tác…

Vậy nên, dù liên tục chuyển qua các ban chuyên môn khác nhau, nhưng với tinh thần, thái độ cầu thị, chịu khó học hỏi, nên những bỡ ngỡ cũng qua nhanh. Ban nào tôi cũng hoàn thành tốt công việc được giao, không ít lần được thưởng chất lượng cho các bài báo, nhất là phóng sự, tại những buổi giao ban toàn cơ quan vào sáng thứ hai hằng tuần.

2. Đang trẻ, “máu” đi, thích dịch chuyển để tìm tòi, khám phá, viết về những đề tài đa dạng ở các tỉnh khắp từ Quảng Bình trở ra, tôi bất ngờ được chuyển lên công tác tại Ban Thư ký Toà soạn, làm nhiệm vụ của một biên tập viên rồi từng bước được tín nhiệm giao phụ trách chuyên mục phóng sự - một “đặc sản” của Lao Động, rồi được đề bạt làm Phó Trưởng ban Thư ký Toà soạn (ngày 1.12.2001)...

Khi trở thành một “người gác cổng”, tôi lại bắt đầu làm quen với các ký hiệu biên tập, quy trình xuất bản, với việc “dọn cỗ, bày mâm” để góp phần nhỏ bé giúp mỗi số báo ra hằng ngày bảo đảm chất lượng cả về nội dung, hình thức cũng như tiến độ xuất bản. Đó là những tháng ngày tất bật, đầu tắt mặt tối với biên tập, đọc bản thảo, bản bông, bản can hằng giờ, hằng ngày. Là những bữa tối vội vã với mì tôm, bún, miến, phở ở phố Tây Sơn bên đường. Là những tháng ngày ký xong bản can chuyển đi nhà in, về đến nhà khi các con đã say giấc nồng...

Cũng trong thời gian ở Ban Thư ký Tòa soạn, ngoài nhiệm vụ biên tập, họp triển khai nội dung các số báo, ký bản can chuyển đi nhà in, tôi còn may mắn được tòa soạn giao trọng trách tổ chức chuyên mục phóng sự đăng ở nửa dưới trang 6 và thường ở vị trí cover của số báo… Trong thời gian này, tôi may mắn được tham gia tổ chức nhiều cuộc thi phóng sự trên báo, được góp phần làm những cuốn sách về phóng sự trên Báo Lao Động. Riêng cá nhân mình, trước khi thôi phụ trách chuyên mục “đặc sản” này, tôi đã tuyển chọn và xuất bản cuốn tuyển tập phóng sự - ghi chép chuyên về nhân vật đã đăng trên Báo Lao Động trong thời gian tôi phụ trách mục phóng sự, lấy tiêu đề là “Mỗi ngày một vạn bước” - tên một phóng sự nhân vật của nhà báo Nguyễn Quang Vinh. Cuốn sách sau này được tái bản. Đó là cuốn sách thứ 2 mà tôi tuyển chọn, sau cuốn “Trò chuyện trên mạng” hồi còn làm Bí thư Đoàn Thanh niên của báo…

Sau khi chia tay Ban Thư ký Tòa soạn, tôi có thời gian làm Phó Trưởng ban Văn hoá - Thể thao, chủ yếu là phụ trách trang Thể thao, với kỷ niệm đáng nhớ khác là việc “cầm” tờ Tin chiều - tin nhanh World Cup 2006 trong suốt hơn 40 ngày ăn, uống, ngủ, nghỉ tại cơ quan thường trú ở Thành phố Hồ Chí Minh quần quật guồng quay công việc tổ chức tin, bài cho trang Thể thao trên Lao Động, và nguyên cả tờ tin nhanh World Cup có số phận đặc biệt, nhiều kỷ niệm không thể mờ phai...

3. Sau 12 năm 1 tháng gắn bó với Lao Động, chuyển qua hầu hết các ban (chỉ thiếu Ban Quốc tế, vì trình độ ngoại ngữ không cho phép), tôi chia tay tờ báo vào nghề với nhiều nuối tiếc, bâng khuâng. Đó là ngày cuối cùng của tháng 8.2008. Thật trùng hợp ngẫu nhiên, số năm tháng công tác tại Báo Lao Động cũng chính là ngày sinh nhật tôi, ngày 12 tháng 1. Nên càng không thể quên.

Bây giờ, đã gần 11 năm chia tay tờ báo có sao, đã thêm nhiều công việc liên quan đến nghề báo, như nghiên cứu, giảng dạy, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ; nhưng tình yêu dành cho Lao Động chưa bao giờ vợi đi. Trái lại, còn đau đáu với những câu chuyện, những chuyển mình, bước đi của Lao Động qua bất chợt những câu chuyện nghe được, xem được và thấy...

Và mỗi khi có dịp lên lớp giảng dạy, trao đổi nghiệp vụ, hướng dẫn sinh viên, học viên cao học, tôi vẫn thường kể về những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm với biết bao bài học quý báu, cả sự va vấp, trưởng thành ở Báo Lao Động - môi trường chuyên nghiệp, lý tưởng để học và làm nghề.

Nguyễn Tri Thức
TIN LIÊN QUAN

Khánh Hoà đón đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên năm Quý Mão

Thanh Hương |

Từ Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc), du khách Trung Quốc trên chuyến bay thẳng của Vietjet đã “xông đất” sân bay quốc tế Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hoà) rạng sáng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán.

Nguyễn Huy Hoàng: Gạt làn nước xanh vươn tới đỉnh cao

HOÀI VIỆT |

Năm 2022 đã khép lại và nam tuyển thủ bơi lội Nguyễn Huy Hoàng đã bước vào chu kỳ tập luyện mới của năm 2023. Không thể phủ nhận, Huy Hoàng là gương mặt thành công nhất của thể thao Việt Nam ở năm đã qua. Tuy nhiên, bản thân chàng vận động viên bơi của thể thao Quảng Bình và Đội tuyển bơi Việt Nam vẫn khá dè dặt, rằng mình vẫn phải tiếp tục nỗ lực hướng đến các đỉnh cao của năm 2023 đầy quan trọng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về ba bài học chính sách tiền tệ

Hương Nguyễn |

Năm mới 2023 với những mục tiêu, thách thức mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ những quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Những nhịp chèo đua thuyền dậy sóng sông Cà Ty, Phan Thiết mùng 2 Tết

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty là nét văn hóa riêng biệt của người dân TP. Phan Thiết vào chiều mùng 2 Tết hằng năm. Năm nay có 9 đội đến từ các xã, phường có ngư dân đi biển ở TP.Phan Thiết. Trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân, du khách đứng chật kín 2 bên bờ sông, các vận động viên ra sức chèo dậy sóng sông Cà Ty.

Gánh nặng vô hình của lì xì

ANH HUY |

Mỗi khi Tết đến, có lẽ không ít người cảm thấy lo lắng và đau đầu, phải tính toán liệu lương, thưởng có đủ trang trải cho lì xì. Từ đó, lì xì trở thành một gánh nặng vô hình tùy vào thu nhập từng người.

Khách du lịch ùn ùn đổ về các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình dịp Tết Quý Mão

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Trong 4 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023 (từ ngày 29 đến ngày mùng 2 Tết) các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đón hơn 8,5 vạn lượt khách du lịch, tăng gấp 7 lần so với dịp Tết Nguyên đán 2022.

An Giang: Giám sát 556 cơ sở kinh doanh xăng dầu

Thành Nhân |

Các Đội Quản lý thị trường của tỉnh An Giang đã tổ chức giám sát 556 cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Trong đó, có 555 cơ sở đang hoạt động, còn 1 cơ sở hết xăng, dầu nhưng vẫn mở cửa hoạt động.

Trực Tết tại bệnh viện: Niềm hạnh phúc không phải nghề nào cũng có

Thuỳ Linh - Đức Mạnh |

Với những y sĩ phải trực Tết, gia đình họ sẽ phải chịu thiệt thòi vì tình thương và trách nhiệm giờ đây phải sẻ nửa cho những bệnh nhân và xã hội ngoài kia.