Thục Trinh đạt 28,25 điểm (Lịch sử 9.75, Địa lý 9.75, GDCD 8.75), Quang Hoàng đạt 27,5 điểm (Lịch sử 9.5, Địa lý 9.5, GDCD 8.5). Trao đổi với PV báo Lao Động, Trinh và Hoàng đều cho rằng ôn tập kĩ kiến thức trong SGK là bí quyết rinh điểm cao.
“Ôn xong vài đề sẽ dành ra nửa tiếng để xem phim, đọc truyện, ăn uống”
Khi hỏi về bí quyết ôn tập những ngày cận thi, Thục Trinh cho biết: “Ngày sát thi, tôi đọc lại tất cả kiến thức đã học chứ không học thêm kiến thức mới. Kiến thức bài thi khối xã hội hầu như có tất cả trong SGK, việc đọc lại tốn không nhiều thời gian mà giúp ghi nhớ nhanh và hiệu quả”.
Cùng với đó, Trinh chia sẻ nên tích cực giải nhiều đề để nhớ bài thay vì học thuộc lòng. “Những ngày cận thi, tôi lên mạng tìm và giải rất nhiều đề thi thử, mỗi đề làm tầm 2-3 lần. Nếu đọc kĩ sách và biết liên hệ giữa các bài thì dù câu hỏi nhận biết hay nâng cao đều có thể làm được”.
Nhưng với Hoàng, nguồn tham khảo trên mạng không đáng tin tưởng, chỉ tin tưởng những kiến thức ôn tập từ thầy cô. “Đề trên mạng chưa được kiểm duyệt nên nhiều đề có câu hỏi và trả lời chưa thật sự phù hợp, dễ khiến học sinh nhầm lẫn. Vì thế, chỉ nên tin tưởng vào sự hướng dẫn ôn tập của thầy cô hoặc chọn các đề và sách hướng dẫn từ những nguồn uy tín” – Hoàng chia sẻ.
Tuy ôn tập khối lượng kiến thức khổng lồ như thế, nhưng Thục Trinh vẫn cho rằng, nên phân bổ thời gian học tập, thư giãn hợp lý sẽ giúp ôn tập hiệu quả hơn. “Ngày cận thi, tôi tập trung giải đề, làm xong vài đề sẽ dành ra nửa tiếng để xem phim, đọc truyện, ăn uống. Buồn ngủ sẽ đi ngủ, không thức khuya vì thời gian này ép bản thân học sẽ không hiệu quả” – Trinh nói
Cũng như Thục Trinh, Quang Hoàng dành thời gian những ngày cuối cho việc tóm lược kiến thức cũ và không “học tủ”. “Vì là thi trắc nghiệm, câu hỏi sẽ dàn trải nhiều nên học tủ vài phần sẽ dễ dẫn đến mất điểm đáng tiếc. Thay vì học tủ, nên tóm lược toàn bộ nội dung để có thể vận dụng và giải quyết câu hỏi phân hóa trong đề thi", Hoàng chia sẻ.
Tập trung phần lớn thời gian để làm những câu dễ trước
Vì điểm số là như nhau nên việc tập trung làm chắc những câu hỏi dễ và giữ vững tâm lý khi đi thi là “chiến lược” khôn ngoan mà Quang Hoàng, Thục Trinh áp dụng để đạt điểm cao.
Hoàng cho biết: “Trong 40 phút đầu phải làm những câu dễ thật nhanh và chừa lại tầm 10 phút để giải những câu khó hơn, nếu không biết hãy dùng kiến thức đã học để loại trừ và dành 10 phút cuối để điền vào phiếu trắc nghiệm”.
Đối với riêng từng môn học, nên tóm tắt các cột mốc bằng một thước đo lịch sử để khái quát các giai đoạn. Mỗi sự kiện lịch sử cần nắm được nguyên nhân, diễn biến chính, ý nghĩa. Môn địa lý phải nắm các đặc điểm chính và sử dụng atlat Địa lý để khái quát kiến thức, đồng thời phải chú ý đến những phép tính cơ bản để tránh mất điểm vận dụng. Với môn công dân, cần áp dụng kiến thức trong sách vào thực tiễn làm ví dụ minh họa.
Thục Trinh cho rằng, trong đề thi có thể gặp những câu hỏi khó nên phải giữ tâm lý bình tĩnh, đọc kĩ từng từ của câu hỏi và để ý thời gian để không bị rối. Trước khi đi thi nên kiểm tra những dụng cụ cần thiết mang vào phòng thi và trò chuyện với bạn bè để tạo tâm trạng tốt hơn.