Mẹ và những ngôi mộ gió

Trầm Hương |

Trong những chuyến đi thực tế đời viết văn, dù không chủ định, nhưng tôi được gặp nhiều số phận đặc biệt của những bà mẹ mất con, trên những nẻo đường đất nước. Điều ám ảnh tôi mãnh liệt là nỗi đau đáu, trông chờ, khắc khoải của những bà mẹ mong tìm được hài cốt con mình đưa về quê hương. Trên những nghĩa trang bạt ngàn, trùng điệp trải dài khắp miền đất nước, không thể đếm hết những ngôi mộ gió chờ một nắm tro cốt, hay chỉ một vết tích của người hy sinh để an ủi lòng người thân...

1.

Dưới những ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ, có biết bao những người lính nằm xuống với hình hài không nguyên vẹn. Người ngã xuống cho Tổ quốc không tìm được hài cốt, không được chôn cất tử tế luôn làm người thân day dứt, trăn trở.

Nỗi đau ấy đọng lại trong những rãnh thời gian khắc sâu trên gương mặt mẹ Trương Thị Ngưới - dân tộc Tày, tại bản Nhừng, bên bờ sông Kỳ Cùng, ven thành phố Lạng Sơn. Mẹ có người con trai duy nhất - anh Hoàng Văn Như, hy sinh ở chiến trường Quảng Ngãi năm 1971. Dù bị lãng tai nặng nhưng chương trình “Nhắn tìm đồng đội” nào, mẹ Trương Thị Ngưới cũng mở tivi, cố lắng nghe. “Mấy mươi năm, tôi cố nghe đài, tối nào cũng nghe, chẳng thấy thằng Như đâu!” - Mẹ Trương Thị Ngưới nghẹn ngào.

Như bao bà mẹ miền Tây Bắc, Đông Bắc chúng tôi đã gặp, mẹ Trương Thị Ngưới bộc bạch, niềm mơ ước lớn nhất của mẹ là tìm được hài cốt con trai, đưa về nghĩa trang Ca Lộc - quê hương của mẹ, để “con cháu còn được thấy bố nó”. Mẹ nói: “Nhà nước tìm được thằng Như thì cho tôi hay, thấy thằng Như ở đâu thì báo cho tôi biết để tôi đưa con về!”. Vì niềm mơ ước ấy mà mẹ Trương Thị Ngưới đã nỗ lực lao động, chắt chiu từng đồng, “để có dịp mẹ sẽ đi tìm con!”.

Tôi lặng nhìn những bà mẹ đã sống cuộc đời cao đẹp, với nỗi đau và sự hy sinh trong thầm lặng. Nơi xóm làng xa xôi ven bờ sông Kỳ Cùng, có một bà mẹ không nguôi nỗi nhớ thương con, không nguôi nỗi trăn trở mang được hài cốt con trai trở về bản làng. Nhưng tôi biết những người mẹ đau đớn vì mất con đã đứng lên với sức mạnh phi thường, như bà mẹ hiện hữu trước mặt tôi - mẹ Trương Thị Ngưới. Bằng sức lao động bền bỉ, bằng tình yêu con cháu thấm đẫm, mẹ đã nỗ lực lao động trên cánh đồng, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh.

Đến thăm mẹ rồi tôi phải ra đi, nhưng hình ảnh người mẹ ngồi bên tivi, dõi theo chương trình “Nhắn tìm đồng đội” theo suốt tôi trên đường về. Những người đang sống nợ những người mẹ niềm mơ ước “đưa con về quê hương” giản dị nhưng vô cùng lớn lao, trĩu nặng ân tình.

2

“Quảng Bình quê ta ơi”, vùng đất “gió Lào cát trắng” đã có biết bao bà mẹ không chỉ oằn mình chịu đựng mưa bom bão đạn từ kẻ thù xâm lược, những cơn siêu bão từ thiên tai khắc nghiệt mà còn sống cùng nỗi đau mất con suốt những năm tháng còn lại của đời người. “Không có gì bù đắp được nỗi đau mất con” nhưng mẹ được bù đắp, vì còn Tổ quốc. “Có khổ đau nào bằng mất con” nhưng mẹ Hà Thị Viễn đã kiên cường vượt qua nỗi đau, bền bỉ, thầm lặng, như biển Nhật Lệ ngày đêm vỗ sóng vào bờ. Thật cảm động trước tấm lòng bao dung, cao cả của người mẹ.

Trước cuộc chiến đấu sinh tử của quân dân với kẻ thù có trong tay quá nhiều ưu thế sức mạnh chiến tranh, mẹ quên hết những khổ đau, cơ cực, oan khuất năm xưa, khi gia đình mẹ là một nỗi oan trong cải cách ruộng đất. Mẹ lần lượt tiễn đưa các con ra trận. Và lần lượt những lá thư báo tử về đến ngôi nhà mẹ. Ba người con trai của mẹ: Nguyễn Phú Tường, Nguyễn Phú Khương, Nguyễn Phú Phúc lần lượt ngã xuống cho Tổ quốc.

Mẹ Hà Thị Viễn.
Mẹ Hà Thị Viễn.

Không gì bù đắp được nỗi đau mất con nhưng hàng triệu bà mẹ hai miền Nam Bắc đã phải đối mặt với nỗi đau to lớn ấy, đã phải "cắt ruột mình" gửi con đến khắp miền đất nước, cho ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Tổ quốc quá thiêng liêng nên có những bà mẹ nuốt lại những thổn thức riêng tư, bằng nghị lực mạnh mẽ, kiên định vào niềm tin chiến thắng, vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua trận chiến chính trong lòng mình.

Có những lúc, mẹ Hà Thị Viễn không khỏi buồn, khi anh Nguyễn Phú Phúc hy sinh mấy mươi năm rồi mà mẹ vẫn chưa có được tấm bằng Tổ quốc ghi công cho con trai. Và đằng đẵng bao năm dài, nhiều đêm giấc ngủ của mẹ bị cắt vụn bởi những giấc mơ đi tìm con. Trong ba người con hy sinh, cho đến nay, gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt anh Nguyễn Phú Tường. Khi quy tập các con về nghĩa trang, mẹ cắt một khúc dâu tượng trưng cho hài cốt của anh Tường...

3

Tôi được gặp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Thiều Thị Tú ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Anh Thiều Quang Sòng - người con trai duy nhất của mẹ - đến chiến trường Lào rồi có mặt ở mặt trận Huế, Khe Sanh, Quảng Trị. Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng chục vạn người con ưu tú của tỉnh Thanh đã được gửi đến chiến đấu nơi chiến trường miền Nam và anh Thiều Quang Sòng là một trong những liệt sĩ nằm xuống chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị; góp phần làm nên cột mốc lịch sử Xuân Mậu Thân 1968.

Người ra đi, vĩnh viễn không trở về, dâng hiến cuộc đời và máu xương nơi mặt trận ác liệt. Người ở lại hậu phương dũng cảm vượt qua nỗi đau, mất mát, đối diện với cuộc chiến giành giật sự sống thật không dễ dàng.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Thiều Thị Tú.
Mẹ Thiều Thị Tú.

Mấy mươi năm sau, mẹ Thiều Thị Tú và người con dâu Nguyễn Thị Tâm mới có dịp kể cho con cháu nghe những ngày vượt cạn, đi giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết. Lúc sinh đứa con út, chị Tâm bị chứng tiền sản giật rất nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và con. Với tình yêu dành cho con dâu và đứa cháu - giọt máu cuối cùng của con trai để lại cho cuộc đời, mẹ Thiều Thị Tú quyết liệt, khẩn thiết cầu cứu bác sĩ.

Mẹ Thiều Thị Tú kể: “Thấy mẹ tụi nhỏ ra nhiều máu, tôi hô hoán, làm dữ quá, mấy ông bác sĩ trong bệnh viện nói: “Bà này giang hồ”. Nói vậy, nhưng họ cũng cảm thông cho tôi. Đến lượt đứa cháu mới sinh ngay đơ, tôi kêu cứu. Bác sĩ nói không sao, sẽ đưa cháu vào lồng kính. Bác sĩ nói nhờ phúc đức, sự quyết liệt của bà đã cứu sống hai mẹ con…”.

Vì niềm tự hào về người thân đã ngã xuống, góp xương máu cho ngày hòa bình, thống nhất đất nước mà những người còn được sống như mẹ Thiều Thị Tú, chị Nguyễn Thị Tâm - người vợ liệt sĩ; những người con của liệt sĩ Trương Quang Sòng là Thiều Quang Văn, Thiều Thị Minh, Thiều Văn Hóa đều tha thiết mong tìm được hài cốt người thân đưa về quê hương. Mẹ Thiều Thị Tú đã nhiều lần vào miền Nam tìm mộ con nhưng vẫn không tìm ra manh mối. Mẹ nói mình già rồi, không đủ sức đi tìm nữa.

Mẹ có gửi thư cho Đài truyền hình, theo dõi chương trình “Nhắn tìm đồng đội” nhưng vẫn bặt tăm. Cho đến giờ, mẹ vẫn đau đáu, chẳng biết hài cốt con nằm lại nơi đâu. Mắt đã nhòa nên ngay cả di ảnh con, mẹ cũng không còn nhìn rõ. Nhưng mẹ được an ủi vì tuổi già được sống quây quần bên con cháu, an lòng khi biết tre già rồi sẽ có chồi non mọc lên, vững chãi...

4

Mẹ Nguyễn Thị Thứ - một trong số ít Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cao tuổi nhất (1904 - 2010) của Việt Nam, cũng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có nhiều người thân hy sinh cho Tổ quốc, bởi 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại của mẹ đã ngã xuống cho đất nước. Với vẻ đẹp hồn hậu, sâu thẳm của một người mẹ chịu đựng quá nhiều đau thương, mất mát, mẹ Thứ trở thành biểu tượng của hàng vạn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của Tổ quốc.

Mẹ được chọn làm nguyên mẫu xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Quảng Nam, khởi công xây dựng trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Mẹ mất vào lúc 1 giờ 40 phút sáng ngày 10.12.2010 tại Đà Nẵng, mang theo vào lòng đất những câu chuyện về những người con, người cháu anh hùng.

Mẹ Lê Thị Trị (phải ảnh).
Mẹ Lê Thị Trị (phải ảnh).

Lê Thị Trị là con gái mẹ Nguyễn Thị Thứ, cũng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, khi tôi gặp đã suýt soát tuổi 90. Mẹ có chồng và hai con là liệt sĩ. Những câu chuyện về những người đã nằm xuống lòng đất quê hương chất đầy trong lòng mẹ. Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn là nơi yên nghỉ của mẹ Nguyễn Thị Thứ, cũng là nơi quy tập không chỉ 9 người con của mẹ mà còn có con rể Ngô Tưởng - chồng của con gái Lê Thị Trị và hai người cháu ngoại của mẹ Thứ.

Người cha anh hùng đang nằm lại trên mảnh đất quê nhà là ông Lê Tự Trị - chồng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Chị Ngô Thị May - người con gái út của mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trị vẫn còn nhớ như in vào lòng giây phút thinh lặng của ông ngoại, khi nghe con trai Lê Tự Trịnh hy sinh năm 1970: “Hôm ấy, cậu tôi bị chiêu hồi chỉ điểm hầm bí mật, đã chiến đấu với địch đến hơi thở cuối cùng rồi hy sinh. Trong lúc đó, địch bắt dân lùa vào lên xã, dồn vào một khu lấy thép gai vây quanh, để dễ “tát nước bắt cá”, truy sát cán bộ, bộ đội dưới hầm.

Bỗng có tên lính ngụy mở cửa rào, hỏi: “Ai là Lê Tự Trị?”. Ông ngoại trả lời: “Dạ tui”. Tên lính sừng sộ: “Con ông là Việt cộng đầu sỏ. Trước khi chết còn hô “Đả đảo đế quốc Mỹ. Con ông đã bị quốc gia giết rồi!”. Ông ngoại cố ngăn lại xúc động, trầm tĩnh trả lời: “Ông lầm rồi. Chắc là nhầm với ai đó. Không phải con tôi đâu! Con tôi đang học ở Sài Gòn…”.

Nói vậy nhưng khi tên lính đi rồi, ông kêu tôi: “Con đánh bò ra”. Tôi hiểu ý ông ngoại. Ông muốn dẫn con bò theo ngụy trang, giả làm người đi chăn bò, ra bên làng Thanh Tú xác minh, nghe ngóng tình hình. Khi trở về, ông trầm ngâm không nói gì, cố nuốt nước mắt vào trong… Khi địch rút quân, ông ngoại đi qua làng bên. Tôi vác cuốc lủi thủi theo ông.

Tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy ông ngồi nắn đất sét, gương mặt buồn lặng. Tôi hỏi: “Ông nắn cái chi vậy ông ngoại?!”. Ông nghèn nghẹn trả lời: “Nắn tay, chân cho cậu con. Cậu con chết thật rồi. Chúng liệng lựu đạn xuống hầm, cậu con mất hết tay, chân!”.

Tôi òa khóc nhưng ông ngoại cố không để rơi nước mắt. Ông ngoại tắm rửa, tự tay tẩm liệm cho cậu Lê Tự Trịnh. Ông tháp những cái tay, chân bằng đất sét vào người cậu... Ông chôn cậu trong đêm. Tôi không bao giờ quên được phút ngồi lặng thinh của ông ngoại khi nghe cậu hy sinh…

5

Ngược về Nam, tôi được gặp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Hồng tại Vĩnh Long. Chồng và con trai mẹ đều ngã xuống cho Tổ quốc. Chiến tranh trôi qua đã mấy mươi năm, vậy mà mẹ Phan Thị Hồng vẫn nhớ như in lần đưa đồng chí Võ Văn Kiệt -  lúc ấy là Bí thư Khu ủy Sài Gòn Gia Định, trên chiếc vỏ lãi (xuồng), từ căn cứ U Minh, ra Hộ Phòng. Khi ấy tàu địch giăng kín sông.

Mẹ kể: “Trước lúc xuống vỏ lãi, chú Sáu Dân (Bí danh đồng chí Võ Văn Kiệt) thấy mình trắng quá, không giống như dân sông nước xứ U Minh, nên chú lấy dầu nhớt thoa lên da cho lem luốc. Mẹ dự đoán tình huống khi chở mấy chú đi công khai, lỡ đụng tàu địch, hoặc bọn lính ở trạm xét hỏi, sẽ rất căng nên dặn chú Sáu: “Chú Sáu ơi, ra ngoài đó, chú nín thinh, giả điếc nghen!”. Chú Sáu giả điếc rất giống.

Anh Sáu Quắn ngồi phía trước, chú Sáu ngồi phía sau, mẹ cầm lái. Đúng như mẹ đoán, tàu địch kêu lại xét hỏi. Chú Sáu giả bộ không nghe gì. Mẹ nói “Đây là chú tôi. Chú bị bệnh nặng lắm!”. Tên lính hỏi: “Bệnh gì?”. Mẹ nói nhanh: “Bệnh lao”. Tên lính tỏ ra ghê sợ, khoát tay: “Thôi đi đi”. Chú Sáu là vậy, rất bình tĩnh, vững vàng trước mọi tình huống!”.

Mẹ Phan Thị Hồng.
Mẹ Phan Thị Hồng.
Trong cuộc đời làm giao liên công khai, mẹ không nhớ mình đã thực hiện bao chuyến đi, chở bao nhiêu tấn vũ khí, đưa đón bao cán bộ, có cả những cán bộ lãnh đạo cấp trung ương như đồng chí Võ Văn Kiệt, Vũ Đình Liệu - Bí thư Xứ ủy Khu 9, đưa bao người vợ, người chồng sau bao năm xa cách gặp nhau… Những chuyến công tác khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, bằng sự mưu trí, dũng cảm, lòng trung thành vô hạn dành cho cách mạng, cho Tổ quốc, mẹ đã quên mình hoàn thành nhiệm vụ.

Nhưng có một việc mà mãi đến hôm nay, lòng mẹ luôn day dứt, chưa yên lòng. Nghĩa trang Vĩnh Long chừa một chỗ trống dành cho ngôi mộ của con trai mẹ - liệt sĩ Lê Công Chiến. Trong trận đánh vào mục tiêu Đài Phát thanh Cần Thơ Tết Mậu Thân, anh Lê Công Chiến hy sinh, cho mãi đến nay, vẫn chưa tìm được hài cốt.

Trước mộ chồng - liệt sĩ Lê Công Nhâm từ Tây Ninh được quy tập về nghĩa trang Vĩnh Long, mẹ thầm hứa với vong linh chồng: “Em sẽ hết sức cố gắng tìm Chiến về, bên cạnh anh!”.

Nỗi đau của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cứa vào tim gan người còn sống từ những ngôi mộ gió trống rỗng xương cốt người nằm xuống. Gió vẫn không ngừng thổi trên những ngôi mộ gió theo tháng năm...

Trầm Hương
TIN LIÊN QUAN

Mẹ Việt Nam Anh hùng 94 tuổi ở Quảng Nam ủng hộ phòng chống COVID-19

Thanh Chung |

Bà Mẹ Việt Nam anh hùng 94 tuổi ở Quảng Nam nghe lời kêu gọi của Chính phủ “Chống dịch như chống giặc” đã mang 1,5 triệu đồng đến phường để ủng hộ phòng chống dịch COVID-19.

Mẹ Việt Nam anh hùng 97 tuổi may khẩu trang tặng người nghèo

Phương Nhàn - Thanh Chân |

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (97 tuổi), mặc dù mắt đã mờ, tay đã chậm nhưng hằng ngày mẹ vẫn cần mẫn bên chiếc may may đã cũ, lặng lẽ may khẩu trang vải tặng miễn phí đến người cần, giúp phòng dịch COVID-19.

Bữa cơm tất niên ở nhà mẹ Việt Nam Anh hùng

HƯNG THƠ |

Mong muốn đem lại nụ cười cho các mẹ Việt Nam Anh hùng, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý, các đoàn viên tại tỉnh Quảng Trị đã xắn tay thực hiện chương trình “Bữa cơm tất niên - Ấm lòng tình mẹ”. Cơm đạm bạc, nhưng với tấm lòng thành, các mẹ đều cảm thấy vui, hạnh phúc…

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Mẹ Việt Nam Anh hùng 94 tuổi ở Quảng Nam ủng hộ phòng chống COVID-19

Thanh Chung |

Bà Mẹ Việt Nam anh hùng 94 tuổi ở Quảng Nam nghe lời kêu gọi của Chính phủ “Chống dịch như chống giặc” đã mang 1,5 triệu đồng đến phường để ủng hộ phòng chống dịch COVID-19.

Mẹ Việt Nam anh hùng 97 tuổi may khẩu trang tặng người nghèo

Phương Nhàn - Thanh Chân |

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (97 tuổi), mặc dù mắt đã mờ, tay đã chậm nhưng hằng ngày mẹ vẫn cần mẫn bên chiếc may may đã cũ, lặng lẽ may khẩu trang vải tặng miễn phí đến người cần, giúp phòng dịch COVID-19.

Bữa cơm tất niên ở nhà mẹ Việt Nam Anh hùng

HƯNG THƠ |

Mong muốn đem lại nụ cười cho các mẹ Việt Nam Anh hùng, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý, các đoàn viên tại tỉnh Quảng Trị đã xắn tay thực hiện chương trình “Bữa cơm tất niên - Ấm lòng tình mẹ”. Cơm đạm bạc, nhưng với tấm lòng thành, các mẹ đều cảm thấy vui, hạnh phúc…