Như Báo Lao Động đã đưa tin, việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất Chính phủ cho phép nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản được sản xuất từ năm 1979 - 1982, đã qua sử dụng do doanh nghiệp đường sắt Nhật Bản chuyển giao miễn phí với giá 0 đồng để cải tạo, khai thác đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Vào tháng 3.2021, Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) cho biết có tổng số 61 toa tàu không khai thác nữa và có gợi ý sẵn sàng chuyển giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Đây là số toa tàu chưa từng được khai thác tại Việt Nam, khi về nước, 37 toa tàu này cũng là công nghệ mới nhất đối với các đoàn tàu mà ngành đường sắt Việt Nam đang khai thác. Theo JR East, các toa tàu trên có thể tiếp tục vận hành tốt nếu được bảo trì tốt.
Theo phía đối tác Nhật Bản, điểm mạnh của những toa tàu này là hệ thống điều khiển đơn giản (dẫn động và hãm) có thể nhận bất cứ thành phần nào. Đồng thời, có thể vận hành đa dạng để phục vụ khách đi làm theo vé tháng, ngắm cảnh, đoàn tàu đặt chỗ trước.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - ông Vũ Anh Minh, JR East là đối tác lâu năm của Tổng công ty. Hiện nay, đã có các nước là Philippines và Indonesia đăng ký mua, nhưng phía Nhật Bản không đồng ý và muốn chuyển giao miễn phí cho Tổng Công ty. Theo ông Minh, những toa tàu của phía Nhật Bản chuyển giao cho chúng ta nếu mua mới có giá trị khoảng hơn 30 tỉ đồng/toa.
Như vậy, nếu để đầu tư 37 toa tàu mới này, chúng ta phải bỏ ra 1.110 tỉ đồng, nhưng khi nhập khẩu 37 toa tàu cũ ta chỉ mất chi phía vận chuyển, hải quan... khoảng 140 tỉ đồng. "Trong bối cảnh ngành Đường sắt đang thiếu vốn đầu tư, nhập 37 toa tàu cũ này chúng ta đã tiết kiệm được 1.110 tỉ đồng so với nhập toa tàu mới", ông Minh cho hay.
Theo ông Minh, những toa tàu của Nhật Bản có công nghệ hoàn toàn mới so với những toa tàu mà chúng ta đang khai thác. Đặc biệt, những toa tàu này hoạt động tự hành không cần đầu máy kéo theo, vận hành như một toa tàu riêng rẽ. Còn những toa tàu của chúng ta đang khai thác phải đi kèm với đầu máy kéo theo
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, có thể coi đây là giai đoạn thí điểm để ngành đường sắt được tiếp cận với công nghệ hiện đại hơn. Việc đưa các đoàn tàu này vào khai thác còn giúp ngành cơ khí đường sắt nghiên cứu, có những giải pháp sản xuất kinh doanh cho tương lai. Những toa tàu này được đưa về nước có thể đưa vào khai thác các tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Nha Trang – TPHCM, Đà Nẵng – Quảng Bình là khá phù hợp. Thậm chí, ngành đường sắt còn có thể nghiên cứu thay thế cho các toa chạy tuyến đường sắt Bắc – Nam.