Mưa vào mùa, lượng nước ngọt tại các sông ở miền Tây dồi dào điều này cũng giúp cây lục bình có điều kiện phát triển nhanh chóng, dày đặc. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông của người dân.
Là thương lái thu mua lúa xuôi dọc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, ông Trần Văn Hải (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) không khỏi lắc đầu ngao ngán khi nhiều đoạn tại sông Nước Đục (tỉnh Hậu Giang) dày đặc lục bình.
"Nếu đường sông thông thoáng, ghe chạy khoảng 30km/giờ mất khoảng 5 lít dầu, còn khi gặp đoạn lục bình kẹt cứng phải nổ hết ga mới di chuyển, mất khoảng 3 tiếng đồng hồ mà còn tốn dầu gấp 2-3 lần", ông Hải nói.
Còn tại con sông dọc tuyến đường tỉnh 930B (hướng UBND xã Xà Phiên đến xã Lương Tâm) và khu vực Cầu Trắng (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) nhiều đoạn cũng bị lục bình vây kín, làm tê liệt giao thông đường thủy.
Trao đổi với Lao Động, một người dân sống quanh khu vực xã Xà Phiên cho biết, ở vùng sâu, đường lớn chưa đến nhà nên khi thu hoạch nông sản buộc phải đi bằng xuồng. Đi bằng đường thủy đã chậm mà còn gặp lục bình càng mệt mỏi, nhiều khi chở nông sản đi bán cách nhà có 10km mà mất cả buổi sáng.
Ông Trần Văn Hòa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Nước mặn thì lục bình héo, nhưng khi mưa xuống là sinh sôi nhanh lắm, mấy ngày là kín sông. Muốn đi chợ cũng phải tính trước xem đoạn nào ít lục bình mà đi, còn tuyến đường duy nhất thì phải tranh thủ đi sớm.
"Chính quyền địa phương cùng người dân cũng có vài lần xuống phun thuốc, rào chắn ngăn lục bình, vớt bỏ bớt lục bình..., nhưng vài tháng lại đâu vào đấy", ông Hòa nói.
Những năm qua, mặc dù nông dân miền Tây tận dụng lục bình để cắt, đan thành sản phẩm thủ công tăng thu nhập nhưng tình trạng vây kín các con sông vẫn không giảm bớt. Cùng với đó là sự phát triển nhanh của loài cây này khiến công tác xóa sổ lục bình gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều chi phí.