Kỳ 1: Doanh nghiệp “phù phép” mở bến cóc, chạy xe dù giữa thủ đô
Theo ghi nhận của Báo Lao Động, mỗi ngày, trên địa bàn TP.Hà Nội có hàng trăm chuyến xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định đi các tỉnh phía Bắc, phía Nam, nhưng không hề vào bến theo mà “lách luật” bằng cách xin giấy phép xe chạy hợp đồng rồi vào trung tâm TP.Hà Nội đón trả khách. Những nhà xe này sử dụng nhiều hình thức khác nhau để thu gom khách lẻ, rồi lập thành danh sách cụ thể để hợp thức hóa, giả mạo hợp đồng tour du lịch, nhằm qua mặt lực lượng tuần tra, kiểm soát. Nhiều nhà xe còn xin được giấy phép vào các tuyến phố cấm xe khách của Phòng CSGT Hà Nội để thuận lợi cho hoạt động trá hình.
Limoushine đội lốt xe hợp đồng du lịch
Trong vai những hành khách thường xuyên đi lại trên tuyến Hà Nội - Nam Định - Thái Bình - Ninh Bình, nhóm PV chúng tôi nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu được những mảng tối trong hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định của nhà xe Limoushine X.E Việt Nam - Công ty TNHH X.E Việt Nam. Lần theo số từ tổng đài 19001731 được ghi công khai trên các thân xe Limoushine, chúng tôi tiếp cận một nữ nhân viên chăm sóc khách hàng. Chị này cho biết, nhà xe có rất nhiều chuyến để vận chuyển hành khách từ Hà Nội đi các tỉnh như Thái Bình, Nam Định… Đối với khách hàng trong nội thành, nhà xe sẽ bố trí điểm đón khách cụ thể, khách yên tâm về thời gian cũng như lịch trình xe chạy, sẽ rút ngắn và tiện nghi hơn rất nhiều các nhà xe chạy tuyến cố định khác, lại không phải rườm rà như vào bến bắt khách.
Mong muốn tìm được chuyến sớm nhất từ khu vực phường Cống Vị (quận Ba Đình) về Nam Định, nữ nhân viên trực tổng đài này cho biết: “anh di chuyển ngay ra khu vực BigC Thăng Long (đoạn đối diện cổng trường dân lập Lương Thế Vinh - cách cổng A BigC khoảng 200m về phía Nam Trung Yên) sẽ có xe đón anh”.
Khi được hỏi, đoàn có 4 người có chỗ không? nhân viên này ấp úng một lúc rồi từ chối “nếu có 4 người thì xe nhà em đã kín ghế rồi, chỉ còn trống khoảng thời gian 9 giờ tối thôi, anh có đi để em chốt lịch, giá vé chỉ có 100 nghìn đồng thôi anh”. Sau khoảng vài phút, chúng tôi tiếp tục hỏi xe về Thái Bình, một lần nữa nhân viên trực tổng đài cho biết, các chuyến xe đều kín lịch, chỉ còn chuyến 6h tối, nhưng phải ra văn phòng ở địa chỉ Lô CC1.1.3.1 khu đô thị Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) đợi xe.
Theo chân đến văn phòng của Limoushine X.E Việt Nam, điều choáng ngợp đầu tiên khi tiếp cận đó là những chiếc xe ôtô 9 chỗ đời mới, đen coóng, sẵn sàng đưa đón khách từ A đến Z. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH X.E Việt Nam được Sở GTVT Hà Nội cấp phép là xe hợp đồng phục vụ khách đoàn đi tham quan, du lịch... Nhưng trên thực tế, những chiếc xe có phù hiệu HĐ này lại hoạt động theo kiểu “trá hình”, tổ chức đón, trả khách, thu tiền như tuyến cố định. Nhà xe này tổ chức đưa đón khách từ 6h sáng đến tận 21h với tần xuất 1h/chuyến.
Để qua mặt các lực lượng chức năng, Limoushine X.E Việt Nam tổ chức đặt vé trên tổng đài 19001731, sau đó bố trí xe Limoushine đón khách tại nhiều điểm trong TP.Hà Nội và thu tiền ngay khi khách xuống xe. Tất cả các hành khách lên xe đều được ghi tên trong hợp đồng vận chuyển hành khách theo tour du lịch. Riêng, văn phòng Cty cũng chính là “bến cóc” đón trả khách.
Tiếp tục tìm hiểu về những chiếc xe Limoushin “trá hình” chạy khách tuyến cố định, chúng tôi tiếp cận hãng xe Limuoshin Hà Lan - Cty CP TM&DL Hà Lan, có địa chỉ ở B10 ngõ 94 Nguyễn Chánh (Cầu Giấy, Hà Nội), chuyên tuyến Hà Nội - Thái Nguyên với tần xuất 1h/chuyến và chạy liên tục từ 5h đến 21h hàng ngày. Cũng giống như những nhà xe khác, Limoushin Hà Lan tổ chức đặt vé trên tổng đài, bố trí xe trung chuyển đón khách tại nhiều điểm trong TP, xếp khách ngay trước cửa văn phòng, thu tiền từng khách lẻ trên xe. Khách đi tuyến Hà Nội - Thái Nguyên được nhà xe này thu với giá 120 nghìn đồng/người/ lượt.
Tuy nhiên, Limuoshin Hà Lan rất thận trọng khi giao dịch với khách hàng. Nếu có nhu cầu đi xe, nhà xe sẽ hợp thức hóa toàn bộ giấy tờ bằng cách lấy họ tên, địa chỉ trước để ghi vào hợp đồng vận chuyển hành khách theo dạng tour du lịch, nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, Limuoshin Hà Lan tổ chức bắt khách tại nhiều điểm khác nhau trên địa bàn, trong đó có VP ở số B10 ngõ 94 Nguyễn Chánh (Cầu Giấy); 87 Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng) và 265 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân).
Ghi nhận của PV Báo Lao Động sáng 16.3, tại văn phòng của Limuoshin Hà Lan số B10 ngõ 94 Nguyễn Chánh (Cầu Giấy) có rất nhiều khách hàng đứng chờ xe, khách hàng của Limuoshin Hà Lan chủ yếu là công nhân, người lao động, sinh viên và người đi chữa bệnh. Theo một người dân ngõ Nguyễn Chánh, bến cóc lập ra lâu rồi nhưng không có cơ quan chức năng nào xử lý, thậm chí chính quyền địa phương còn lơ đi để cho họ (Limuoshin Hà Lan - PV) hoạt động.
“Giẫm đạp” lên biển cấm dừng đỗ
Đi sâu tìm hiểu về các bến cóc xe dù giữa lòng thủ đô, chúng tôi tiếp cận nhà xe Hưng Long - Cty CP vận tải du lịch Hưng Long. Đây là nhà xe chuyên tuyến Hà Nội - Quảng Bình, hoạt động tương đối sôi động với các chuyến 18h30, 19h30 và 20h30 hằng ngày. Để hợp thức hóa hoạt động xe dù, bến cóc của mình, nhà xe Hưng Long lập văn phòng ở số 26 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm) và số 338 Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tổ chức bán vé cho khách lẻ, rồi sử dụng các xe nhỏ đi gom khách trên địa bàn TP.Hà Nội, sau đó đưa khách ra trước cửa văn phòng, lên xe giường nằm về Quảng Bình. Giá vé cũng được quy định rõ ràng 200 nghìn đồng/người/lượt.
Trong vai người có nhu cầu về Quảng Bình, khoảng 18h ngày 14.3, chúng tôi có mặt ở văn phòng nhà xe Hưng Long. Lúc này, văn phòng nhà xe đã có hàng chục người chờ sẵn chuẩn bị lên xe. Quay vào quầy lễ tân với ý định mua một vé về Quảng Bình, chúng tôi được một nam nhân viên mặc áo đen ngồi trong quầy cho biết vẫn còn chỗ, nếu đi thì đưa 200 nghìn đồng để mua vé.
Một lúc sau, nhân viên này đưa cho chúng tôi một phiếu thu do Cty tự phát hành chứ không phải vé xe do cơ quan nhà nước phát hành, chúng tôi thắc mắc được người này giải thích: “Nó có giá trị giống nhau cả, chỉ là để lên xe thôi mà, đằng nào chẳng về Quảng Bình”. Gần đến giờ chạy, người đi xe từ đâu đổ về chật kín vỉa hè trước cửa văn phòng nhà xe Hưng Long. Chiếc xe giường nằm BKS: 29B - 083.50 của nhà xe lúc này cũng đến. Hành khách nườm nượp lên xe, nhà xe không quên dặn dò khách nếu cơ quan chức năng có hỏi thì nói đây là xe chạy hợp đồng nhé.
Điều đặc biệt, theo ghi nhận của Báo Lao Động, trước cửa văn phòng nhà xe Hưng Long đã được sở GTVT Hà Nội cắm biển cấm dừng đỗ nhưng không rõ thế lực nào giúp Hưng Long bất chấp pháp luật vẫn mở bến cóc, chạy xe, vượt mặt cơ quan chức năng. Tiếp tục tìm hiểu về những hoạt động tinh vi của bến cóc xe dù, chúng tôi phát hiện ra hàng loạt các bến cóc khác ngang nhiên tồn tại, trong đó có những nhà xe rất lớn. Vậy đó là những bến cóc nào, xe dù nào và thế lực nào chống lưng để những bến cóc này hoạt động, mời độc giả Báo Lao Động đón đọc kỳ tiếp theo…