“Lửa” nghề của những phóng viên U.30 ở tờ báo 93 tuổi

|

Ở tuổi 93, có thể nói,  Lao Động có một điểm mạnh dễ nhận thấy - đó là đội ngũ phóng viên trẻ luôn sẵn sàng lao vào điểm nóng để mang thông tin tới cho độc giả.

Thảo Anh (Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện): Đương đầu với "giặc lạ"

Đã 2 năm rưỡi trôi qua kể từ ngày 13.2.2020, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chính thức có lệnh phong tỏa do có ca mắc COVID-19. Là ổ dịch đầu tiên ở Việt Nam, người dân tại Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) khi ấy đã trải qua hành trình 21 ngày chiến đấu với COVID-19 - lúc ấy còn là “giặc lạ”. Các y, bác sĩ, đến cán bộ y tế ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Hết thời gian phong toả, chúng tôi nhận nhiệm vụ đến Sơn Lôi ghi nhận thời khắc trước trong và sau khi tháo chốt tại đây. 8h sáng ngày 3.3, chúng tôi lên xe đến địa phương. Và thời khắc đó, 0h ngày 4.3, chúng tôi như được đón “giao thừa” giữa tháng 3 với những người dân Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Thời gian sau đó thông tin nơi này xuất hiện ổ dịch phải phong toả, nơi kia hết lệnh giãn cách gỡ phong toả nhiều hơn. Và những lần “giao thừa” như thế không còn lạ nữa!

Phóng viên Thảo Anh.
Phóng viên Thảo Anh.

Tháng 8.2022, thời điểm này cuộc sống đã quay về bình thường cũ, nhưng ít ai biết rằng ở một nơi giữa lòng thủ đô vẫn chưa có một ngày “bình thường mới” quay trở lại - khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tiếng hiệu lệnh liên hồi của các bác sĩ, tiếng của những loại máy móc, tiếng mê sảng không dứt của bệnh nhân, tiếng bước chân vội vã…. - những âm thanh đầy gấp gáp, ám ảnh vẫn vang lên trong phòng bệnh của bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Tít tít… - âm thanh kéo dài vô hạn bởi những kỹ thuật bậc cao phải can thiệp liên tục với bệnh nhân nặng tại đây.

Tất cả những gì tôi  chứng kiến là sự đối lập khắc nghiệt - khi ngoài kia bình thường cũ thì ở đây sẽ là những khó khăn mới, nhiều bệnh nhân nặng mới. Bình thường - bình yên là điều xa xỉ trong căn phòng hồi sức này, nơi các bác sĩ phải cân não từng giờ từng phút để giành giật mạng sống cho bệnh nhân từ tay tử thần. Hơn 2 năm dài đằng đẵng của cuộc chiến khốc liệt với COVID-19, họ đã hy sinh cho biết bao sự sống được hồi sinh. Chứng kiến những điều đó phóng viên chúng tôi càng thêm vững bút vững lòng để đồng hành cùng những chiến binh áo trắng!

Ngô Cường (Ban Kinh tế): "Nghiêm túc" và "trách nhiệm" với nghề

Sau 10 năm làm nghề, tôi ít nhắc về cụm từ “đam mê”, thay vào đó là “nghiêm túc”, “trách nhiệm”

6 năm rời ghế giảng đường Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một chặng đường không ngắn, nhưng con đường báo chí còn rất dài ở phía trước. 10 năm trước, tôi nhớ như in những năm đầu đại học của mình (năm 2012).

Hồi đó, tôi là sinh viên chuyên ngành Báo mạng điện tử (khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Trong một giờ giảng bài, cô giáo Nguyễn Thị Trường Giang khi đó là Trưởng khoa Phát thanh truyền hình (giờ là Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hỏi lớp tôi: “Trong số các bạn, những ai sau này muốn trở thành phóng viên”. Có đến hai phần ba sinh viên giơ tay, nhưng… muốn làm truyền thông. Tôi thuộc số ít sinh viên của lớp muốn chọn nghề báo. Cái nghề mà cô Trưởng khoa nói “rất khắc nghiệt”.

Phóng viên Ngô Cường (bìa phải) và phóng viên Trần Vương.
Phóng viên Ngô Cường (bìa phải) và phóng viên Trần Vương.

Khi ra trường, tôi có may mắn được cộng tác rồi trở thành phóng viên chính thức của Báo Lao Động. Tất nhiên, con đường trở thành phóng viên của tôi chẳng dễ dàng chút nào, nhất là với mảng được cho “khó nhằn” là mảng Thời sự - Kinh tế.

Tôi trải nghiệm lao động ở hai loại hình: Báo in, báo điện tử. Nếu trước đây, khi còn là sinh viên, “mài đũng quần” trên giảng đường, chúng tôi hay nghe và nhắc đến cụm từ “đam mê nghề nghiệp” thì sau 10 năm tôi ít nghĩ về điều đó. Với tôi bây giờ, để nói về tình yêu nghề nghiệp, tôi sẽ lựa chọn cụm từ “nghiêm túc” và “trách nhiệm”. Bởi, nếu chỉ nói “yêu nghề”, “đam mê nghề” sẽ rất nhanh mất phương hướng với đam mê của chính mình. Nhưng bằng sự nghiêm túc, tôi đã được nhìn thấy nhiều người anh, chị đi trước lao động báo chí nghiêm túc như thế nào và họ đạt được thành tựu như thế nào.

Cuộc sống làm báo cho tôi tiếp xúc với nhiều người. Từ cô bác nông dân chân lấm tay bùn, anh công nhân hầm lò, chị lao công… cho đến những người giữ vị trí cao trong xã hội. Tôi gọi đó là trải nghiệm. Nghề báo cao quý cho tôi những giá trị cao quý.

Cát Tường (Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 - Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện): Một lần làm giảng viên ở Pleiku

Thi thoảng, tâm trí tôi lại mơ màng về một buổi chiều nắng tháng 3 chói chang cứ như xuyên thẳng vào cửa kính xe trên QL14 từ Đắk Lắk qua Gia Lai.

Trong những tháng ngày ở miền Trung - là một phóng viên luân chuyển, tôi đã may mắn vượt qua nhiều cung đường, đặt chân tới 11 tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên ghi nhận, viết bài, nhưng để lại ấn tượng mạnh nhất với tôi là mảnh đất và con người Gia Lai.

Trong tưởng tượng của tôi, một thành phố thường chỉ được quy hoạch ở những vùng bằng phẳng, địa thế rộng hay giữa thung lũng với những tỉnh vùng cao... nhưng với Gia Lai mọi quy luật này đều trái ngược. Đúng với tên gọi Phố Núi, hầu hết mỗi tuyến phố ở đây đều gắn liền với những con dốc, dốc thấp, dốc cao nối nhau trên từng tuyến đường.

Phóng viên Cát Tường tác nghiệp tại Biển Hồ - Gia Lai.
Phóng viên Cát Tường tác nghiệp tại Biển Hồ - Gia Lai.

Trong 4 tháng luân chuyển miền Trung, tôi đặt chân tới Gia Lai 2 lần. Nếu như ở lần đầu tiên, chỉ là cuộc “dạo chơi” chớp nhoáng khi thực hiện phóng sự được giao, thì ở lần thứ 2, tôi đã được trải nghiệm những ngày đáng nhớ ở Pleiku xinh đẹp.

Lần này, tôi có mặt ở Pleiku với tư cách là một trong những giảng viên của lớp học về tác nghiệp Media cho cán bộ Công đoàn do Văn phòng Báo Lao Động tại miền Trung – Tây Nguyên tổ chức. Dù nắm chắc nghiệp vụ nhưng cảm giác trước khi đứng lớp vẫn là sự hồi hộp, chen lẫn lo lắng khi phía dưới là hơn 60 cán bộ tuổi anh chị, cha chú. Tuy vậy, sự lo lắng nhanh chóng tan biến khi buổi học bắt đầu, những tràng vỗ tay, những câu hỏi, sự tương tác... khiến lớp học trở nên sôi động, xoá nhoà khoảng cách giữa người dạy và học.

Và niềm vui còn gấp bội khi chỉ ngày hôm sau, những cán bộ Công đoàn U50, U60 đã khoe với “thầy” những tấm ảnh báo chí, video với chất lượng cao - thành quả từ lớp học - và nhiều trong số đó được đăng tải tức thì trên Báo Lao Động.

Thú vị hơn nữa là rời lớp học, đi chừng 10km, mở ra trước mắt tôi là Biển Hồ Pleiku trong vắt, địa danh mà từ nhỏ tôi đã thuộc lòng bởi câu hát “Em đẹp thế Pleiku ơi trái tim tôi muốn vỡ tan rồi, không dám nhìn vào đôi mắt ấy đôi mắt Pleiku biển hồ đầy” của ca sĩ Siu Black. Xếp vội chân máy, bật nhanh chiếc máy quay trong tay, tôi như hoà mình vào bức tranh thủy mạc lung linh, huyền ảo, với rừng thông, núi non xanh biếc của đất trời đại ngàn...

Hồ Anh Tú (Cơ quan thường trú tại TP.Hồ Chí Minh): Khi phóng viên học trái ngành

Gắn bó với Lao Động đã gần 4 năm - nơi giúp tôi có cơ hội được đi đây đó, được tiếp xúc với nhiều người, ở những môi trường khác nhau và lĩnh vực công việc khác nhau. Đó là những người lái xe ôm, là những người công nhân lao động vất vả bên những phân xưởng sản xuất trong những khu công nghiệp, là số phận vượt lên khó khăn bằng nghị lực phi thường hay những con người rất đỗi giản dị nhưng có tấm lòng cao cả…

Tôi là một người học trái ngành cho nên thời gian đầu khi mới tiếp xúc nghề, tôi luôn đặt ra rất nhiều những câu hỏi: Cách viết tin thế nào? Tác nghiệp ra sao? Khi phỏng vấn nhân vật thì cần phải chuẩn bị những gì?... Nhưng tình yêu với công việc, lại được môi trường ấm áp của Lao Động nuôi dưỡng, đã giúp tôi sớm bắt nhịp được với sự chuyển động của báo chí, của sự kiện, hay những vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống xã hội.

Phóng viên Hồ Anh Tú.
Phóng viên Hồ Anh Tú.

Có lẽ những kỷ niệm tác nghiệp đáng nhớ nhất với bản thân tôi, là khoảng thời gian tác nghiệp trong đơt dịch 2021, thời điểm đó TPHCM ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, nhiệm vụ của tôi là làm về mảng tin nóng thời sự nên việc phải lăn xả vào các điểm nóng giữa tâm dịch là điều tất yếu. Tôi cũng luôn chuẩn bị sẵn sàng tâm lý bản thân có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào, nhưng lâu dần, những câu chuyện như vậy trở thành “cơm bữa”.

Biết tính chất công việc mỗi ngày tiếp xúc rất nhiều người, tôi tự ý thức việc phòng tránh cũng như bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình. Song cũng chính qua những lần được tác nghiệp như vậy, cho tôi cảm nhận về giá trị của cuộc sống, những trải nghiệm đáng quý và một thanh xuân không bao giờ quên được.

Lê Khánh Linh (Trưởng phòng Media - Cơ quan thường trú TP. Hồ Chí Minh): Nghề báo - nghề giúp người

Là một phóng viên trẻ mới vào nghề không lâu, Lao Động là nơi tôi bắt đầu từ những ngày đầu tiên trong nghề, nơi đã dạy cho tôi nhiều bài học về sự trưởng thành trong cả nghề nghiệp và cuộc sống. Chính những ngày tháng dưới vai trò là phóng viên đa phương tiện của Lao Động, trải qua những ngày tháng tác nghiệp giữa tâm dịch COVID-19 và cùng với đồng nghiệp trẻ gây dựng nên tập thể Phòng Media Cơ quan thường trú đoàn kết năng động, mang đến những sản phẩm báo chí đa phương tiện, những bản tin truyền hình… là những trải nghiệm vô giá mà Lao Động đã giúp tôi có được.

Phóng viên Lê Khánh Linh (bìa phải).
Phóng viên Lê Khánh Linh (bìa phải).

Là một trong những phóng viên tay ngang rồi bắt đầu trở thành một phóng viên đa phương tiện, tôi đã có những ngày tháng được thử thách, học hỏi không ngừng nghỉ để làm quen với những thứ mình chưa từng làm bao giờ. Để rồi, giữa những áp lực và những lời động viên, chia sẻ của đồng nghiệp lâu năm, tôi quen thuộc dần với việc sử dụng máy quay, tác nghiệp hiện trường, biên tập một bản tin video rồi tiếp đến là tự tay thực hiện kỹ thuật bản tin truyền hình, làm talkshow. Mỗi lần tôi học hỏi được một điều mới, tôi lại cảm thấy tự hào và biết ơn vì được là phóng viên của Lao Động, bởi ở đây con người và suy nghĩ của tôi đã được mài giũa, mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn và không ngại khó khăn.

Thời gian 2 năm cùng đồng hành với Lao Động, tôi đã có được nhiều thứ, không chỉ kinh nghiệm làm việc, mà còn là kinh nghiệm sống, được nhìn nhận mọi khía cạnh của cuộc sống bên ngoài, được biết giá trị của những điều giản dị mà mình vẫn đang có được mỗi ngày.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi tôi viết về hoàn cảnh một gia đình có 4 em nhỏ, mất đi mẹ - người trụ cột trong gia đình vì COVID-19, còn bố các em thì đã không may bị tai biến mất đi khả năng lao động. Kêu gọi quyên góp được số tiền nhỏ cho các em đỡ phần nào áp lực tài chính trong cơn bão dịch bệnh, tôi cảm thấy vui vì từ nghề của mình, tôi cũng đã giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn một phần nào đó, dù là vật chất hay tinh thần.

Là phóng viên, lại là phóng viên đa phương tiện, tôi cũng đã phải lăn lộn, giáp mặt với những nguồn lây, tiến vào những nơi mà người ta tránh né và sợ hãi trong dịch bệnh. Nhưng phải đến, tiếp cận vì không đến khu vực đó thì không thể ghi nhận được những hình ảnh, sự kiện nóng đang diễn ra, không thể biết những người dân khác họ đang sống và chiến đấu như thế nào giữa lúc dịch bệnh cam go nhất.

Thực vậy, hình ảnh những phóng viên sau lưng đeo chiếc ba lô lỉnh kỉnh, trên tay là máy ảnh, chân máy quay… lao vào các điểm nóng, ở mọi thời điểm, từ rạng sáng đến đêm muộn là điều ít người biết được. Nghề của chúng tôi là chuyên đi viết về người khác, nhưng lại rất ít kể về mình. Nhưng quả thực nếu không nhờ đặc trưng của nghề hoạt động không ngừng nghỉ này, tôi sẽ chẳng thể trải qua những giờ phút, cảm xúc đặc biệt đến thế.

Tạ Quang (Văn phòng Đồng bằng sông Cửu Long): Nhiệt huyết cho dòng tin chảy mãi đến bất tận

Tôi nhận nhiệm vụ luân chuyển công tác từ Hà Nội vào Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL vào đầu tháng 4.2021. Chỉ sau 3 tháng nhận công tác, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Thành phố Cần Thơ khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn.

Cùng với các lực lượng tuyến đầu, tôi và anh em đồng nghiệp các cơ quan báo chí tại đây đã luôn luôn có mặt tại những điểm nóng để tác nghiệp. Tin tức thời sự sinh động, nóng bỏng khiến tôi quên luôn sự sợ hãi của bản thân khi sống giữa đại dịch. Những thước phim, bài báo, những câu chuyện xúc động trong quá trình tác nghiệp luôn thúc giục tôi phải truyền tải đến bạn đọc một cách chính xác, nhanh chóng, chân thực nhất...

Phóng viên Tạ Quang.
Phóng viên Tạ Quang.

Thời gian tôi không thể nào quên, khoảng 12h trưa 10.7.2021, Thành phố Cần Thơ ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại chợ đầu mối Tân An. Tôi đang ăn cơm thì nghe tin chợ có ca mắc. Không suy nghĩ nhiều, ngay tức khắc, tôi bỏ bát cơm đang ăn dở xuống và nhanh chóng chuẩn bị máy móc, sẵn sàng lên đường tác nghiệp. Cứ thế, chúng tôi lao vào điểm nóng mà không nghĩ suy gì.

Thời điểm này, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện khá nhiều thông tin thất thiệt liên quan đến dịch bệnh, gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người. Xác định vai trò của báo chí chính thống, tôi luôn cố gắng thực hiện tin, bài liên quan đến dịch bệnh nhanh nhất, chính xác nhất.

Khi dịch COVID-19 đã kiểm soát được, mỗi lần đi tác nghiệp tại ĐBSCL là một chặng đường khá dài, tôi thường phải chạy xe máy mất nhiều giờ đồng hồ dưới cái nắng oi bức, có khi xuất hiện thêm những cơn mưa rào bất chợt của thời tiết miền Tây. Trên những con đường gồ ghề đầy sỏi đá, tôi vẫn hăm hở đi với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, trước mắt tôi là chân trời mới lạ. Vì thế, dù khó khăn như thế nào, tôi cũng quyết không nản lòng.

Miền quê vùng sông nước Cửu Long, nơi mà tôi đặt chân đến luôn để lại cho tôi những kỷ niệm và cảm xúc khó quên. Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là tấm chân tình của bà con miền Tây, con người miền Tây luôn thân thiện, sống tình cảm và yêu đời, yêu người, hiền lành, chất phát. Thời gian dịch bệnh căng thẳng, tôi đã chứng kiến những điều đẹp đẽ từ vô số hành động dù chỉ là nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn của người dân ở quê dành cho nhau.

Có lẽ mai này, khi trở về Thủ đô Hà Nội, tôi sẽ nhớ mãi miền Tây, về những tháng năm làm báo ở nơi này. Cái xứ gì mà dễ thương quá đỗi, nghèo hay giàu, sướng khổ gì không biết, cứ cười trước đã, thoải mái hết hôm nay, chuyện mai tính sau.

Mảnh đất gì mà ai đi đâu cũng nhớ, cũng thương, mong muốn tìm về!

Tùng Giang (Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện):  Đề tài luôn có thể thất bại

Nhớ lại những kỷ niệm của chúng tôi (nhóm phóng viên gồm 3 người thuộc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện - Báo Lao Động) trong quá trình thực hiện các loạt bài phản ánh điều tra có nhiều thăng trầm nhưng cũng lắm niềm vui khi từng sản phẩm được hoàn thiện và đăng tải trên mặt báo. Trong số đó, loạt đề tài phản ánh “Hoạt động mờ ám ở bãi sông Hồng” có lẽ là một trong những ký ức khó quên nhất bởi tính phức tạp và yếu tố dấn thân của những người thực hiện đề tài này.

Phóng viên Tùng Giang.
Phóng viên Tùng Giang.

Thời điểm đó, giữa tháng 6 nắng như đổ lửa, men theo con đường đất ngoằn ngoèo lổm nhổm gạch đá, cây cối um tùm bao phủ và tầm nhìn mịt mờ bởi khói bụi từ những đoàn xe tải quần thảo ngày đêm trên bãi đất bồi sông Hồng rộng lớn (phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội), nơi chúng tôi hướng vào nằm sâu hút tận sát mé sông, nơi không có cụm dân cư, vắng bóng người qua lại. Sau nhiều lần tìm đến khu vực này để thực hiện đề tài, chúng tôi vẫn chưa thể thu thập thêm thông tin gì có giá trị.

Các lô đất tại đây luôn được cảnh giới nghiêm ngặt và quây tôn kín mít. Bên trong, hoàng loạt các hoạt động, hành vi trái pháp luật như: San lấp đất trái phép, tạo mặt bằng sử dụng, đổ phế thải xây dựng vẫn diễn ra như cơm bữa.

Việc thâm nhập, tiếp cận hiện trường vụ việc đối với chúng tôi là vô cùng khó khăn. Bởi hầu hết các phần đất đều có người bao thầu, bảo kê, việc xuất hiện người lạ ra vào gần như sẽ bị phát giác ngay tức khắc và đề tài có thể thất bại bởi bất cứ một sai lầm nào dù là nhỏ nhất.

Với cái đầu đã “sẵn nóng” của từng người trong nhóm, những cuộc tranh cãi, mâu thuẫn giữa các thành viên bắt đầu nổ ra. Chúng tôi quẩn quanh với những toan tính thêm các phương án khác nhưng tuyệt nhiên, không một phương án nào cho thấy tính hiệu quả và mang lại những thước hình thật nhất, nét nhất về hoạt động trái pháp luật này.

Trong sâu thẳm suy nghĩ của từng người lúc đó, dường như ai cũng đã lún sâu trong tâm thế buông bỏ đề tài.

Bùi Thơm (Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện): Đừng bỏ cuộc

Trở về tòa soạn nhiều lần với “tay trắng”, chẳng có gì để báo cáo tiến độ thực hiện đề tài khiến cả nhóm rơi vào trầm tư, lo lắng. Thứ cảm giác chắc rằng không một phóng viên hiện trường nào muốn “nếm” phải.

Nếu cứ mãi lún sâu vào “đống bùn lầy của tuyệt vọng”, chúng tôi hiểu rõ sẽ không ai còn đủ dẻo dai về mặt tinh thần để tiếp tục đeo đuổi đề tài.

Quyết tâm với tinh thần, ”Thà lún chân vào bùn lầy của vùng đất giàu phù sa trên bãi sông Hồng - lật tẩy những thủ đoạn tinh vi của các nhóm người đang ngày đêm tàn phá bãi sông”... một lần nữa chúng tôi quay trở lại “điểm nóng” vi phạm.

Phóng viên Bùi Thơm tác nghiệp điều tra.
Phóng viên Bùi Thơm tác nghiệp điều tra.

Thật tình cờ, trên cung đường hiểm trở chúng tôi tiến vào điểm ghi nhận chừng 100m, một tấm biển có dòng chữ lớn treo lơ lửng ngay trước mắt: “Đừng bỏ cuộc bởi vì những điều tuyệt vời cần thời gian”. Chẳng cần nói gì với nhau, nhưng cả nhóm ai cũng phấn chấn và coi đó là một dấu hiệu của sự may mắn, động lực khiến cả nhóm càng thêm phần tin tưởng.

Không còn chần chừ như ban đầu, một kế hoạch tiếp cận hoàn hảo được cả nhóm thống nhất. Từ ngoại hình đến phương tiện, tất cả đều được chúng tôi thay mới, tráo đổi để tránh sự chú ý từ những đối tượng “chim mồi” tại các lô đất.

Nhưng khó khăn chưa bao giờ dừng lại đối với những người làm phản ánh thực tế tại hiện trường. Điềm tĩnh bước vào bên trong một điểm đổ phế thải quy mô lớn, hàng chục chuyến xe tải, chở vật liệu xây dựng vẫn nối đuôi nhau ra vào. Ngay lập tức, có vài thanh niên kiêm tài xế xe tải đã chặn đầu, truy vấn từng người trong nhóm.

Bằng cách nằm lòng một số từ nóng được dân địa phương thường xuyên sử dụng, thuộc tên một số người có “số má” vùng đất bãi, nhưng vẫn phải rất khó khăn, chúng tôi mới chiếm được lòng tin từ các “chim mồi” này.

Từ đây, những thước hình đắt giá về các hoạt động vi phạm pháp luật, các hành vi bảo kê trên bãi đất, điều phối quy mô cùng những lời lẽ đe dọa đến bất cứ ai xâm phạm lợi ích của nhóm người này đều được lột trần một cách chân thực nhất.

Rõ ràng, việc không bỏ cuộc trước khó khăn và thật sự kiên nhẫn, kiên định đã dẫn chúng tôi đến những “điều tuyệt vời” và đúng như thông điệp của dòng chữ xuất hiện đầy tình cờ đó.

TIN LIÊN QUAN

Vui buồn hành trình phóng viên hỗ trợ những người yếu thế, thiệt thòi

QUANG ĐẠI |

Những lá đơn, tin nhắn, cuộc gọi của những người dân, người lao động lâm vào hoàn cảnh thiệt thòi, yếu thế đã đưa tôi - phóng viên Báo Lao Động - đến với họ, đồng hành và hỗ trợ tìm được công bằng sau những mất mát, bất công.

Chuyện dọc đường của phóng viên Lao Động tại SEA Games 31

Mai Trang - Thanh Vũ |

Trong quá trình tác nghiệp tại SEA Games 31, các phóng viên báo Lao Động đã có những kỷ niệm thú vị với những câu chuyện đáng nhớ.

Phóng viên điều tra: Lúc hóa xe ôm, khi hành nghề “đồ tể”

Nhóm PV |

phóng viên (PV) mảng điều tra nên chúng tôi luôn ý thức được lĩnh vực mình đang viết cần tổng hợp nhiều yếu tố về kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và cách thức triển khai... thì mới có thể khai thác và phơi bày ra ánh sáng những vấn đề được ẩn nấu sâu không phải ai cũng biết.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Vui buồn hành trình phóng viên hỗ trợ những người yếu thế, thiệt thòi

QUANG ĐẠI |

Những lá đơn, tin nhắn, cuộc gọi của những người dân, người lao động lâm vào hoàn cảnh thiệt thòi, yếu thế đã đưa tôi - phóng viên Báo Lao Động - đến với họ, đồng hành và hỗ trợ tìm được công bằng sau những mất mát, bất công.

Chuyện dọc đường của phóng viên Lao Động tại SEA Games 31

Mai Trang - Thanh Vũ |

Trong quá trình tác nghiệp tại SEA Games 31, các phóng viên báo Lao Động đã có những kỷ niệm thú vị với những câu chuyện đáng nhớ.

Phóng viên điều tra: Lúc hóa xe ôm, khi hành nghề “đồ tể”

Nhóm PV |

phóng viên (PV) mảng điều tra nên chúng tôi luôn ý thức được lĩnh vực mình đang viết cần tổng hợp nhiều yếu tố về kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và cách thức triển khai... thì mới có thể khai thác và phơi bày ra ánh sáng những vấn đề được ẩn nấu sâu không phải ai cũng biết.