Tối 20.9, UBND Long An đã ban hành Công văn số 9229/UBND-VHXH về việc "áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới". Theo đó, tỉnh Long An áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh từ 0h ngày 21.9 cho đến khi có thông báo mới.
UBND tỉnh Long An giao Sở Công thương, UBND cấp huyện phối hợp với cơ quan y tế rà soát, xây dựng phương án, lộ trình để triển khai thí điểm cho hoạt động trở lại các chợ truyền thống. Cụ thể, thị xã Kiến Tường và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành triển khai từ ngày 21.9; TP.Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc triển khai từ ngày 1.10.
Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát được hoạt động nhưng chỉ phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Cơ quan hành chính công nhà nước các cấp được hoạt động bình thường. Người dân được ra đường và không tập trung trên 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, F0 hoàn thành điều trị không quá 6 tháng từ ngày được cấp giấy, F0 điều trị tại nhà được trung tâm y tế huyện cấp giấy chứng nhận không quá 6 tháng sẽ được đi lại trên toàn tỉnh, trừ những nơi áp dụng các biện pháp riêng biệt. Những người đã tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày thì được phép đi lại nội huyện kèm theo giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn 3 ngày.
Tỉnh Long An tiếp tục thực hiện nghiêm việc duy trì các chốt, trạm kiểm soát dịch giáp ranh giữa Long An với các tỉnh, thành phố lân cận, chỉ cho phép các hoạt động lưu thông từ các tỉnh, thành khác vào Long An theo quy định chung của Chính phủ.
Ngoài ra, Long An vẫn duy trì các chốt kiểm dịch COVID-19 giữa các huyện. Đối tượng được ưu tiên qua chốt kiểm dịch COVID-19 trên địa bàn Long An cũng được bổ sung mới gồm người kiểm dịch động vật, giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; người dân đi thu hoạch nông sản...
UBND tỉnh Long An yêu cầu các địa phương khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 cần cân nhắc cho phép mở thêm các dịch vụ, hoạt động theo thẩm quyền để đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của nhân dân và doanh nghiệp theo phương châm vừa phòng, chống dịch bệnh tốt vừa phát triển kinh tế.
Là địa phương giáp ranh TPHCM, tỉnh Long An sớm bị dịch COVID-19 lây lan và diễn biếp phức tạp. Trong đợt dịch này, tỉnh Long An ghi nhận trên 30.000 ca F0, đứng thứ 4 cả nước, cao nhất vùng Tây Nam bộ.
Thời gian gần đây, số ca mắc hàng ngày của tỉnh Long An có chiều hướng đi xuống, số ca cộng đồng liên tục giảm. Ban Chỉ đạo tỉnh đã xác định đúng mục tiêu, lựa chọn đúng chiến lược và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch tương ứng với từng khu vực, địa bàn cụ thể.
Song song với chiến lược vaccine, Long An thực hiện sàng lọc toàn tỉnh, nhanh chóng tách F0 khỏi cộng đồng và đưa điều trị kịp thời. Tỉnh đã chủ động khống chế dịch ngay trong nhà máy, doanh nghiệp, khu nhà trọ, không chuyển ra các khu cách ly giảm thiểu sự lây lan cộng đồng; bảo đảm khoanh vùng và cách ly ngay tại nơi sản xuất, nhà trọ…
Long An cũng là tỉnh thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” khá thành công từ ngày 13.7 duy trì đến nay với khoảng 700 doanh nghiệp và khoảng 40.000 công nhân lao động.