Khách hàng loay hoay thực hiện sinh trắc học
Sử dụng ứng dụng thanh toán của Ngân hàng TMCP Vietcombank là phương tiện thanh toán chính, nhưng kể từ khi thông báo cập nhật tính năng sinh trắc học, anh Hoàng Đức Phúc (Thái Bình) liên tục gặp rắc rối khi không thể cập nhật thành công. Anh Phúc cho biết: “Có những thời điểm cần chuyển tiền ngay lại không thực hiện thành công. Ngân hàng thông báo do lỗi máy chủ khi thực hiện đăng ký”.
Tương tự Vietcombank, với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), nhiều khách hàng cũng không thể cập nhật sinh trắc học. Hoàng Ngọc Tuấn (Hà Nội) cho hay, đã cố gắng để cập nhật tính năng này nhưng khi điện thoại thực hiện quét căn cước công dân (CCCD) lại liên tục không thành công.
Nhiều đối tượng lừa đảo tranh thủ tung chiêu
Trong khi cả ngân hàng lẫn khách hàng còn đang đau đầu với vấn đề sinh trắc học, nhiều đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Các đối tượng liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Tiếp đó, chúng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ. Chưa dừng lại, đối tượng còn đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại.
Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, bọn chúng chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.
Trao đổi về vấn đề này, trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an - nhận định: Hiện nay có rất nhiều đối tượng lừa đảo, nhất là lừa đảo thông qua không gian mạng. Ngay khi chúng ta triển khai chính sách mới, sự kiện mới, một số đối tượng ở nước ngoài đã liên hệ với cá nhân ở Việt Nam để giả danh nhân viên ngân hàng thực hiện hỗ trợ cập nhật sinh trắc học cho người dân. Các đối tượng này lợi dụng sự kiện mới nhanh chóng triển khai phương thức lừa đảo.
Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, hiện có hàng trăm hàng nghìn phương thức lừa đảo. Mỗi khi có một chính sách mới, có sự kiện mới, các đối tượng lại tiếp tục nghiên cứu kịch bản để dẫn dụ người bị hại vào cạm bẫy, thậm chí tinh vi hơn như lợi dụng chính sách chuyển đổi số, chính sách cập nhật thông tin. Từ đó, dẫn dụ người dùng cài ứng dụng có chứa mã độc, hoặc truy cập vào đừng link chứa mã độc, qua đó để chiếm dụng điện thoại, chiếm đoạt tài sản.
"Chúng tôi sẽ luôn sát cánh với Ngân hàng Nhà nước, đưa Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng đi vào cuộc sống, hạn chế các hành vi lừa đảo vi phạm pháp luật" - Trung tá Triệu Mạnh Tùng nói.
Công an TP Hồ Chí Minh mới đây cũng đã ghi nhận tình trạng các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học. Cơ quan công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng... cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng. Ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Do vậy, người dân tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.