Lời của lá

Việt Linh |

Nhiều lần chị tự hỏi, từ đâu và từ bao giờ những chiếc lá luôn lảng vảng vấn vương trong tâm trí chị. Đôi khi se sắt khắc khoải, đôi khi xao xuyến, đôi khi quyến luyến... Nhưng không có lời đáp rõ ràng.

Lá của hôm nay

Chị có cô cháu thành công, rất thành công trong cuộc sống theo nghĩa sự nghiệp kinh doanh phát đạt, gia đình hạnh phúc, sống hòa hợp thiên nhiên, có nhiều dự án cộng đồng… Nhưng đáng phục, đáng ngạc nhiên, đáng học nhất của M với chị là tính cương quyết, kiên nhẫn với những kế hoạch tưởng như lít nhít, trong lúc khối lượng công việc của nàng rất lớn. M điều hành doanh nghiệp, thêu chữ thập, đi chơi với con, tự tay chăm sóc cỏ hoa trong sân, làm quilt (nghệ thuật ghép vải và chần bông) mà thành phẩm sưu tập hướng tới công việc thiện nguyện…

Chị tự nghĩ với nghìn nghịt công việc như vậy mà M vẫn xếp thì giờ cho những “giải trí” kia, chắc chắn phải có lý do; ví như chị thích may túi vải để thỏa chí bày biện, để tặng ai ai đó chẳng hạn. Một ngày, lang thang FB của M chị bỗng thấy những chiếc lá vải xinh xinh bé tí. Lá may tay, đủ sắc độ được M đặt tên “Lá của hôm nay”; đôi khi kèm giải thích em ý được may trên đường tới chỗ làm.

Lá vàng. Ảnh: N.M
Lá vàng. Ảnh: N.M

Cứ thế, những chiếc lá nhiều lên trong hộp gỗ. Mỗi lá đứng riêng đẹp vừa phải, nhưng bên nhau bỗng nhiên rực rỡ  ngỡ ngàng. Nhìn chúng, chị nghĩ đến cái đẹp cộng hưởng, liên tưởng các liệu pháp thiền-tiêu khiển. Và chỉ nghĩ đến vậy cho đến khi M giải thích.

Của hôm xưa

Tiểu thuyết Chùa Đàn của Nguyễn Tuân có chi tiết ông chủ thái ấp vì thương nhớ hôn thê tử nạn, bắt gia nhân vào rừng bứng cây gạo cổ thụ nàng ưa thích về trồng ở sân, nhân giỗ trăm ngày. Trong nguyên bản chi tiết này không nhấn mạnh, nhưng khi chuyển thể thành phim Mê Thảo - Thời vang bóng, chị khắc họa vì thích tính công phu của hình ảnh, muốn phê phán nạn cuồng si, mê muội.

Câu đối thoại “Cây mất rễ sống sao được !” của một gia nhân cạnh nghĩa đen về cái chết sinh học do bị bứng khỏi thổ nhưỡng quen thuộc, còn hàm chứa vết thương bị bứng khỏi nguồn cội. Hẳn có người phản đối chị, nhất là những ai đang kinh doanh/ thích thú công nghệ nhổ cây rừng làm kiểng, bởi qua kỳ tài của họ đa phần cây vẫn sống hoặc-tưởng-như-là-sống. Nhưng chị vẫn tin cây đau đớn. Mỗi lần chạm mắt những thân cây bị tùng xẻo, nhồi nhét lơi khơi trên mặt đất, chị lại lơ mơ tiếng khóc...

Lá vải.
Lá vải.

Chị biết mình bị cây ám ảnh từ tháng 4 năm 1975, khi háo hức rời chiến khu về phố, bỏ lại ven suối dây bí đao vừa tượng trái của mình. Đêm hòa bình đầu tiên, nằm xênh xang trên nệm êm, phòng ấm, cô cán bộ chị thốt nghe tiếng gọi khẽ. Tiếng gọi kéo cô về con suối có sự sống đột nhiên bị hất hủi. Nước mắt chị trào ra, thương lúc nhúc lá non, trái tơ ngơ ngác héo tàn. Đã qua mấy mươi năm, nhưng tiếng gọi tức tưởi đó vẫn quanh quất bên chị…

Vậy nên chị nghẹn uất khi nhìn thấy mảng xanh sau cuối của trái tim Đà Lạt có nguy cơ bị “xếp đặt”, biến di sản tinh tế - nếu không sụp đổ - thành chuồng cu trơ trẽn trên khối u công nghiệp khổng lồ! Khi người ta không còn/có tình yêu với di sản, với thiên nhiên thì cây lá mong manh sẽ bị xô vào cuộc chiến với các loại đối thủ, mà bà ngoại ít chữ của chị khi xưa vẫn ê a: “Vai mang túi bạc kè kè, nói thánh nói tướng, chúng nghe rần rần”.

Cảm ơn lá

Phòng khách nhà chị hiện nay ở Paris vẫn treo chiếc xương lá lồng kính do đạo diễn Đoàn Khoa tặng nhân chuyến triển lãm mang tên “Lá” của anh ở Paris cách đây lâu lắm năm.Trong mắt chị lá có vai trò lớn bởi thiếu nó hoa sẽ hết… nổi bật. Chị thích/thương lá đến mức trong vở kịch Làm bạn với bầu trời chuyển thể Nguyễn Nhật Ánh, chị bổ sung tình tiết bé Hằng-lãng mạn mang bó hoa với duy nhất một bông ở giữa tặng em Tèo.

Khi bị Nghị-tồ chê hoa chi toàn lá, Hằng ung dung đáp trả: “Hoa đẹp nhờ lá, cũng như nắng đẹp nhờ hoa”. Bạn hỏi vì sao chị vẫn giữ cái xương lá của Đoàn Khoa ở nơi trang trọng? Hẳn do nó đẹp, kỷ niệm; nhưng nhiều hơn, để cả nhà tự nhắc mọi thực thể giống loài trong vũ trụ đều có căn có cốt, có đời sống, thậm chí có linh hồn. Để từ đó ngẫm suy nhân thế…

Lá hồng. Ảnh: N.M
Lá hồng. Ảnh: N.M

Cách đây nhiều năm, trong một bài báo Xuân, chị viết “Cuối năm, tự dưng vơ vẩn trong tôi lời cảm ơn cái chu kỳ niên kỷ do ai xếp đặt. Nó không lâu không mau, không dài không ngắn. Nó vừa đủ chất chứa để mỗi chúng ta có dịp tĩnh tâm nhìn lại…“.

Chị đang nhìn lại những chiếc lá - giờ đã thành cây - của M và nghe nàng thỏ thẻ: “Hôm nay, một ngày sau khi tôi vừa hoàn thành dự án “Tree of life”, dì của tôi hỏi tôi ý nghĩa những chiếc lá là gì […]. Tôi biết, không phải ai cũng thấy việc tôi mỗi ngày tẩn mẩn cầm kim, cắt cắt may may một chiếc lá nhỏ là hay, đẹp, có ý nghĩa. Nhưng khi nhìn 365 chiếc lá chen chúc nhau trên cái cây, mọi người mới vỡ òa cảm xúc […].

Cây vốn được xem như  biểu tượng linh thiêng, mang nhiều ý nghĩa cả về tôn giáo và triết lý tâm linh. Cây thể hiện sự kết nối mọi thứ trong vũ trụ. Rễ của cây bám sâu vào đất, nhận dưỡng chất từ đất mẹ. Cành nhánh vươn cao, nhận linh khí từ mặt trăng, mặt trời. Con người cũng như cái cây, không thể tách khỏi vũ trụ, không thể tách khỏi cộng đồng.

Cây thể hiện sức mạnh và sự phát triển. Cây đâm sâu rễ, vươn mình cao lên, khai hoa, kết quả. Con người cũng vậy, từ từ phát triển mạnh mẽ và ngày càng tốt đẹp hơn theo thời gian của cuộc đời. Cây cũng là một cá thể độc lập và khác biệt. Mỗi cây sẽ phát triển khác nhau theo từng hướng khác nhau, cũng như mỗi con người sẽ đi theo định hướng của riêng mình. Cây thể hiện sự tái sinh và vĩnh hằng.

Vào mùa đông, cây trút lá, nhưng khi mùa xuân đến, đâm chồi nảy lộc cho một khởi đầu mới. Xuân-hạ-thu-đông, cứ thế lập đi lập lại… […]. Khi mới bắt đầu làm “Tree of life”, tôi chỉ đơn thuần nghĩ mình sẽ dùng 365 ngày trong năm để hoàn thành cái cây, xem như vòng tuần hoàn của bốn mùa - một lát cắt cuộc đời. Tôi bắt đầu may chiếc lá đầu tiên  ngày 30.8.2020, chớm thu, nên tôi chọn tông vàng-cam-đỏ-đất. Đến mùa đông, tôi chọn tông lạnh xanh dương-tím. Khi có nhiều chiếc lá, tôi mới bắt đầu ngắm chúng và thấy chúng quá đẹp, chợt nhận ra không phải là tôi đang may những chiếc lá, mà những chiếc lá đang điểm tô cuộc sống của mình…”.

Bức  tranh vải ”Cây đời” của M rất đẹp về mỹ thuật, tương lai có thể được bán/mua với giá rất cao cho một dự án nhân văn; nhưng phải chứng kiến sự kỳ công ý chí của nó như M nói thì mới cảm nhận nó vô giá, cảm nhận ra thế hệ trẻ minh triết nhiều hơn chúng ta nghĩ. Từ bức tranh vải của M chị sẽ có cột mốc rõ ràng hơn với tình yêu hoa lá. Trịnh Công Sơn viết “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, những chiếc lá tĩnh tâm của cô cháu đã gây cảm hứng cho bà dì nó về niềm vui nào đó được tạo ra mỗi ngày…

Cảm ơn lá.

Việt Linh
TIN LIÊN QUAN

Chuyện nữ nghệ nhân người Mông đưa thổ cẩm sang trời Âu

Phong Quang |

Khôi phục, gìn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã khó, nghệ nhân Vàng Thị Mai không ngờ rằng có ngày sẽ đưa được thổ cẩm sang trời Âu.

Báu vật nhân văn sống, những đôi giầy và nghệ nhân tài hoa Trịnh Ngọc

Việt Văn |

Nghệ nhân đóng giày Trịnh Ngọc năm nay đã 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Nụ cười hiền từ, ánh mắt vẫn sáng và luôn ánh lên niềm vui khi ông kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình.

Nghệ nhân làng dát quỳ vàng Kiêu Kỵ

Việt Văn |

Có lẽ không ở đâu (kể cả ở nước ngoài) có một làng nghề độc đáo như làng dát quỳ vàng Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), với bề dày truyền thống trên dưới 400 năm tuổi. Theo dân làng và sổ sách ghi thì tổ nghề là cụ Nguyễn Quý Trị từ đầu thế kỷ 17 đã làm nghề này và truyền lại. Đến nay có khoảng trên 50 hộ gia đình theo nghề này lâu đời và nhiều người được phong nghệ nhân.

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Chuyện nữ nghệ nhân người Mông đưa thổ cẩm sang trời Âu

Phong Quang |

Khôi phục, gìn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã khó, nghệ nhân Vàng Thị Mai không ngờ rằng có ngày sẽ đưa được thổ cẩm sang trời Âu.

Báu vật nhân văn sống, những đôi giầy và nghệ nhân tài hoa Trịnh Ngọc

Việt Văn |

Nghệ nhân đóng giày Trịnh Ngọc năm nay đã 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Nụ cười hiền từ, ánh mắt vẫn sáng và luôn ánh lên niềm vui khi ông kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình.

Nghệ nhân làng dát quỳ vàng Kiêu Kỵ

Việt Văn |

Có lẽ không ở đâu (kể cả ở nước ngoài) có một làng nghề độc đáo như làng dát quỳ vàng Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), với bề dày truyền thống trên dưới 400 năm tuổi. Theo dân làng và sổ sách ghi thì tổ nghề là cụ Nguyễn Quý Trị từ đầu thế kỷ 17 đã làm nghề này và truyền lại. Đến nay có khoảng trên 50 hộ gia đình theo nghề này lâu đời và nhiều người được phong nghệ nhân.