Lật tẩy những “thần y”, lương y tự xưng

L.HÀ - Đ.TRƯỜNG- P.CÚC |

Theo khảo sát của PV, hiện nay, các trang mạng xã hội xuất hiện tràn lan những tài khoản gắn mác lương y, “thần y”. Những người này tự nhận mình có khả năng chữa trị được nhiều loại bệnh khác nhau như dạ dày, xương khớp, đại tràng… hay thậm chí cả ung thư. Sự thật về các “thần y” này như thế nào?

Khám bệnh thần tốc

Tiếp cận một địa chỉ “lương y” có lượng theo dõi khủng (hơn 70.000 lượt) trên mạng xã hội mang tên “Lương y V.Đ.T - chuyên chữa bệnh bằng thuốc nam”, PV đã được trải nghiệm một quy trình khám bệnh hết sức kỳ lạ.

Theo tìm hiểu, chủ trang fanpage này là V.Đ.T (sinh năm 1987, xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội). Người này thường xuyên phát video livestream để bắt bệnh online cho người xem. Chỉ cần biết thông tin sơ bộ về tình trạng, dấu hiệu thông thường, V.Đ.T sẽ lập tức phán bệnh và hướng dẫn người xem cắt thuốc.

Những loại bệnh như dạ dày, cận thị, thậm chí cả bệnh ung thư đều được V.Đ.T “đảm bảo chữa khỏi 100%”.

Trong vai một người bệnh có nhu cầu thăm khám, PV liên hệ với số điện thoại được công khai trên fanpage của "Lương y V.Đ.T".

Sau khi được PV cho biết đang có một số biểu hiện như đau bụng trái, chán ăn, một người phụ nữ tự nhận mình là nhân viên phòng khám “thầy” V.Đ.T cho rằng, không cần đến khám trực tiếp: “Nếu đau dạ dày chỉ cần chụp lại kết quả khám bệnh rồi gửi qua số điện thoại này, thầy T sẽ bốc thuốc cho, không cần phải đến trực tiếp”.

Tuy nhiên, sau khi bày tỏ mình chưa từng được khám ở bất kỳ cơ sở y tế nào, PV được hướng dẫn đến khám trực tiếp tại một địa chỉ nằm sâu trong con ngõ thuộc Xóm Chùa, xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Đập vào mắt phóng viên ngay khi bước vào căn phòng khám bệnh của thầy T là la liệt các dây cáp sạc, chân máy được bày xung quanh một tấm bàn. Đây chính là các dụng cụ để "Lương y V.Đ.T" có thể livestream bắt bệnh online mỗi ngày. Và kỳ lạ hơn, là không có bất cứ các thiết bị y tế chuyên dụng nào xuất hiện tại đây.

Sau khi hỏi qua về tình trạng "bệnh nhân", V.Đ.T tỏ ra thành thục khi bắt mạch, sờ nắn vùng bụng của "bệnh nhân" để chẩn đoán.

Chỉ sau vài phút, V.Đ.T đã có thể kết luận “bệnh nhân bị đại tràng, dạ dày trào ngược” một cách quyết đoán.

Đáng nói hơn, khi bệnh nhân bày tỏ có cần nội soi dạ dày để được biết chính xác bệnh hay không, “lương y” V.Đ.T nhanh chóng gạt đi: “Không cần đâu, qua hiện tượng bạn miêu tả là tôi biết rồi. Còn bao giờ bệnh nó trầm trọng hơn sẽ xuất hiện những cái bất thường. Khi đó, tôi cũng nắm được, không cần phải đi đâu”.

Tiếp đó, "thầy" V.Đ.T lấy ra 3 gói “thuốc” có dạng bột, một chai nước có màu đen và hướng dẫn người bệnh uống hằng ngày. Người này cho rằng, chỉ cần uống khoảng 1 tháng là tình trạng bệnh sẽ đỡ hẳn.

Tuy nhiên, ngoài một mảnh giấy hướng dẫn sử dụng, các thứ được gọi là “thuốc” mà "thầy" V.Đ.T đưa ra đều không có bất kỳ nhãn hiệu hay chứng nhận nào từ phía cơ quan chức năng. Toàn bộ số thuốc này được “lương y” kê với giá 700.000 đồng.

Người dân cần tỉnh táo
Số thuốc này lên đến 700.000 đồng.
Số thuốc này lên đến 700.000 đồng.

Trước phản ánh của PV Báo Lao Động, ông Đỗ Văn Ngọc - Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín (Hà Nội) - cho hay, cơ quan chức năng từng tiến hành kiểm tra cơ sở của "lương y" tự xưng V.Đ.T vào năm 2018. Tại thời điểm kiểm tra, người này không đưa ra được chứng chỉ hành nghề hay giấy chứng nhận lương y được cơ quan có thẩm quyền cấp.

"Chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu anh V.Đ.T dừng hoạt động. Anh này cũng đã ký cam kết nên thời điểm đó đoàn công tác không tiến hành xử phạt hành chính" - ông Đỗ Văn Ngọc nói.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV Báo Lao Động, "lương y" tự xưng V.Đ.T vẫn tiếp tục khám bệnh và kê thuốc cho người dân sử dụng những sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng.

Mới đây, Báo Lao Động đã phản ánh về tình trạng tràn lan "thần y", lương y online. Hiện tượng này nở rộ trong thời gian gần đây khi thông qua mạng xã hội, nhiều người ngang nhiên thực hiện hoạt động khám chữa bệnh và tung ra thị trường các sản phẩm không rõ nguồn gốc, mập mờ về chất lượng.

Một ví dụ điển hình là V.Đ.T (sinh năm 1987, xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội) thường xuyên phát video livestream để bắt bệnh online cho người xem. Chỉ cần biết thông tin sơ bộ về tình trạng, dấu hiệu thông thường, V.Đ.T sẽ lập tức phán bệnh và hướng dẫn người xem cắt thuốc. Những sản phẩm mà V.Đ.T đưa cho người bệnh không có bất cứ xác nhận nào của cơ quan chức năng.

Ghi nhận của PV Báo Lao Động, trên trang fanpage có hơn 70.000 lượt theo dõi, V.Đ.T vẫn liên tục phát các video livestream bắt bệnh cho người dân, "nổ" vẫn khả năng có thể chữa nhiều bệnh, kể cả ung thư của mình. Giữa tháng 3.2021, trong vai người bệnh tới khám, bản thân PV cũng đã bị anh này phán bệnh chỉ sau vài phút sờ nắn và đưa cho bịch thuốc không nhãn mác có mức giá 700.000 đồng.

Đến nay, theo đại diện phòng y tế huyện Thường Tín, cơ sở khám bệnh tại nhà riêng của anh V.Đ.T vẫn chưa được cấp phép và mác "lương y" của người này hoàn toàn là tự xưng.

Một trường hợp điển hình khác như ông Nguyễn Bá Nho (ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) quảng cáo thuốc nam của mình có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư. Thầy lang Nho luôn khẳng định chắc nịch rằng: “Thuốc đông y gia truyền có thể chữa khỏi bệnh ung thư, thậm chí có không ít ca di căn, bệnh viện trả về, đã kéo dài sự sống và khoẻ mạnh bình thường".

Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Bá Nho từng có đến 4 lần bị đình chỉ hành nghề bốc thuốc do không có giấy phép kinh doanh.

Cần siết chặt quản lý

Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ tình trạng "thần y", lương y tự xưng diễn ra tràn lan thời gian qua bởi chế tài xử lý đối với vấn đề này chưa thực sự đủ mạnh. Hiện nay, với hành vi khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, cơ sở không có giấy phép hoạt động chủ yếu vẫn chỉ bị xử lý hành chính, phạt tiền.

Đây chính là lý do dẫn tới thực trạng "nhờn thuốc" hay "ngựa quen đường cũ" của các "thần y", lương y mạo danh. Bên cạnh đó, nhiều người sau khi bị xử phạt vẫn lén lút tiếp diễn vi phạm bởi cho rằng tại nhà riêng, ngõ hẻm có thể lẩn khuất được sự truy quét của cơ quan chức năng và dễ dàng che giấu các sai phạm.

Xung quanh tình trạng này, trao đổi với PV Báo Lao Động, Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - bày tỏ quan điểm mạnh mẽ cần phải kiên quyết trừ bỏ hành vi mạo danh lương y để trục lợi.

"Dùng thông tin giả để lừa đảo người bệnh là hành vi vô lương tâm, không thể chấp nhận được. Phía Hội đông y Việt Nam cũng nhận được nhiều phản ánh về tình trạng này. Tôi cho rằng, đó là do chế tài xử lý của chúng ta chưa đủ mạnh và sự phối hợp giữa hội đông y ở các địa phương với cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự tốt, chưa triệt tiêu được hiện tượng đó" - PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, Thầy thuốc nhân dân Trần Văn Bản - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - khẳng định, muốn có danh xưng lương y thì phải có thi tuyển và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chứ không được tự xưng.

"Phải thi và được cấp giấy chứng nhận mới là lương y. Hơn nữa phải có phạm vi hoạt động trong lĩnh vực cụ thể chứ không phải tất cả. Không phải lương y mà tự xưng tức là mạo danh, là vi phạm pháp luật" - ông Trần Văn Bản nhấn mạnh.

Ngày 18.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục An toàn thực phẩm liên tục phát thông báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng; đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng những loại thuốc chưa rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), hành vi khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Còn với cơ sở hành nghề khám chữa bệnh không có giấy phép hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng theo nghị định 176/2013/NĐ-CP.

L.HÀ - Đ.TRƯỜNG- P.CÚC
TIN LIÊN QUAN

Dẹp loạn "thần y" online tự xưng: Khó xử lý vì "nhờn thuốc"

ĐÌNH TRƯỜNG - LỆ HÀ |

Bị kiểm tra, xử phạt rồi ký hẳn cam kết dừng hoạt động nhưng các "thần y", lương y tự xưng vẫn ngang nhiên tái diễn các vi phạm. Tình trạng này đặt ra bài toán nan giải trong việc quản lý hoạt động khám chữa bệnh và chế tài xử các sai phạm của lương y mạo danh.

Dẹp loạn "thần y" online tự xưng: Cận cảnh quy trình khám bệnh thần tốc

ĐÌNH TRƯỜNG - PHAN CÚC |

Không cần làm xét nghiệm hay các thiết bị y tế chuyên dụng, toàn bộ quá trình thăm khám chỉ qua sờ nắn và hỏi han, những “thần y” hay lương y tự xưng vẫn mạnh miệng phán bệnh, bốc thuốc cho người dân.

Tràn lan “thần y”, lương y online, ai quản?

Đ.TRƯỜNG - P. CÚC |

Tự xưng thần y và lương y đang là hiện tượng nở rộ trong thời gian gần đây. Thông qua mạng xã hội và kênh YouTube, nhiều người ngang nhiên thực hiện hoạt động khám chữa bệnh và tung ra thị trường các sản phẩm không rõ nguồn gốc, mập mờ về chất lượng.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Dẹp loạn "thần y" online tự xưng: Khó xử lý vì "nhờn thuốc"

ĐÌNH TRƯỜNG - LỆ HÀ |

Bị kiểm tra, xử phạt rồi ký hẳn cam kết dừng hoạt động nhưng các "thần y", lương y tự xưng vẫn ngang nhiên tái diễn các vi phạm. Tình trạng này đặt ra bài toán nan giải trong việc quản lý hoạt động khám chữa bệnh và chế tài xử các sai phạm của lương y mạo danh.

Dẹp loạn "thần y" online tự xưng: Cận cảnh quy trình khám bệnh thần tốc

ĐÌNH TRƯỜNG - PHAN CÚC |

Không cần làm xét nghiệm hay các thiết bị y tế chuyên dụng, toàn bộ quá trình thăm khám chỉ qua sờ nắn và hỏi han, những “thần y” hay lương y tự xưng vẫn mạnh miệng phán bệnh, bốc thuốc cho người dân.

Tràn lan “thần y”, lương y online, ai quản?

Đ.TRƯỜNG - P. CÚC |

Tự xưng thần y và lương y đang là hiện tượng nở rộ trong thời gian gần đây. Thông qua mạng xã hội và kênh YouTube, nhiều người ngang nhiên thực hiện hoạt động khám chữa bệnh và tung ra thị trường các sản phẩm không rõ nguồn gốc, mập mờ về chất lượng.