3 lần đại tu vỉa hè
Để chỉnh trang, cải tạo hè phố, từ 2010 đến năm 2020, Hà Nội đã có 3 lần đại tu vỉa hè. Cụ thể, năm 2011, nền gạch đỏ trên vỉa hè tại các quận trung tâm được thay thế bằng gạch block tự chèn với các loại gạch terrazzo, lục giác.
Giai đoạn 2013 - 2014, vỉa hè được giao cho các quận chuyển sang lát gạch giả đá, riêng bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên. Đến năm 2017, Hà Nội bắt đầu thay thế gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.
Theo khảo sát của phóng viên vào đầu tháng 11.2020, tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, dù vỉa hè mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III năm 2017 nhưng sau 2 - 3 năm đã xuất hiện nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún.
Là đơn vị thi công trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Xuân Khiêm – Phó giám đốc Công ty cổ phần phát triển xây dựng Việt Cường cho biết, hiện tại đơn vị này đang thi công tại tuyến phố Trần Nhân Tông. Sau khi ký hợp đồng với BQL Dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, công ty đã nhận bàn giao mặt bằng để thi công.
Khi được hỏi về vật liệu, ông Khiêm cho biết, đối với mỗi công trình, nếu được chấp thuận phòng thí nghiệm của một đơn vị độc lập, công ty sẽ trình mẫu, nghiệm thu vật liệu đầu vào và biện pháp thi công. Khi triển khai thi công, công ty sẽ thực hiện cuốn chiếu theo từng đoạn vỉa hè để hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại, cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Trong quá trình thi công, mỗi công trình sẽ có sự giám sát của các đơn vị như BQL dự án, tư vấn giám sát và Ban giám sát cộng đồng.
Về quá trình thi công lát đá vỉa hè, ông Khiêm cho biết, đội ngũ công nhân của công ty sẽ đầm chặt mặt nền, trải một lớp giấy dầu để tránh làm mất nước xi măng gây ảnh hưởng đến chất lượng của bê tông lót nền. Sau đó, các công nhân mới bắt đầu đổ bê tông theo thiết kế, độ dày của bê tông lót nền hè dày 8cm, mác xi măng 150; với những vị trí hạ hè, có lối ra vào cơ quan, các đơn vị hành chính… thì lớp bê tông sẽ dày 15cm, mác xi măng 250.
“Về công nhân, chúng tôi sẽ tuyển chọn tổ thợ lành nghề, có chứng chỉ hành nghề. Trong hồ sơ dự thầu, công ty sẽ có danh sách các công nhân thi công, thực hiện. Trong quá trình thi công luôn có đội ngũ kỹ sư, giám sát và tổ chức triển khai thi công. Lúc cắt đá, đơn vị sẽ che chắn và có các biện pháp để hạn chế khói bụi đến mức tối đa” – ông Khiêm thông tin.
Chưa có thời gian chứng minh độ bền 70 năm
Nói về đơn vị cung cấp đá, anh Đoàn Văn Tuấn – cán bộ kỹ thuật Công ty Việt Cường cho biết, trước khi thực hiện, đơn vị này sẽ nghiên cứu về năng lực của công ty cung cấp đá, khả năng cung cấp số lượng đá cho công trình. Vật liệu đá được lấy mẫu hiện trường, 500m2 sẽ lấy mẫu hiện trường kiểm tra chất lượng một lần.
Theo anh Tuấn, sau khi thi công xong, đa số vỉa hè lại được sử dụng luôn, chưa có thời gian ổn định nền để đảm bảo chất lượng công trình. Do đó, sau khi thi công xong, đơn vị cũng tuyên truyền, vận động người dân giữ vỉa hè 2-3 ngày để đảm bảo độ bền, tăng cường độ chịu nén, chịu lực. Đây là yếu tố chính ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Nói về việc thực hiện kết luận số 675/TBKL-TTTP của Thanh tra Thành phố năm 2018, anh Tuấn cho biết, năm 2017, đá lát vỉa hè có kích thước 40x40x4cm, lát không có mạch, không có giãn nở. Sau khi có kết luận thanh tra, kích thước của đá được điều chỉnh là 30x30x5cm (tùy theo đặc thù của tuyến phố) và thi công có mạch vữa. Việc tăng chiều dày, lát đá có mạch sẽ làm tăng độ bền của vỉa hè.
Về vấn đề độ bền của đá có thực sự lên đến 70 năm, đơn vị thi công này cho biết hiện vẫn chưa có thời gian chứng minh và chưa thể khẳng định.
“Sau khi thi công xong, công ty sẽ phải qua nhiều bước để bàn giao, trong đó có nghiệm thu về hồ sơ, nghiệm thu về hiện trường. Kể từ ngày bàn giao, công trình sẽ được chúng tôi bảo hành 12 tháng theo quy định” – vị đại diện công ty thông tin.