Lao Động và bài báo có nhuận bút giá trị hơn… 2 chỉ vàng

Nguyễn Tri Thức |

Đến giờ tôi cũng không nghĩ mình lại liều lĩnh và rồi may mắn đến thế, khi xin thực tập tốt nghiệp tại Báo Lao Động và được nhận về làm việc ngay khi còn trên ghế nhà trường.

Ngày tôi quyết định xin về thực tập tốt nghiệp tại Báo Lao Động,  không ít người khuyên chân tình, nên cân nhắc kỹ, vì để đăng được tin, bài ở đó là vô cùng khó. Thậm chí, có đàn anh còn doạ,  không thể hoàn thành chỉ tiêu của đợt thực tập, với 4 bài và 6 tin được đăng...

Biết rằng, sự liều lĩnh có cơ sở nhất định, bởi tôi đã tập viết báo và được đăng từ khi là sinh viên năm thứ hai; đã viết không ít thể loại trên nhiều tờ báo, thậm chí cả thơ và truyện ngắn; đã được một tổng biên tập hứa nhận từ năm thứ ba đại học... Nhưng vẫn hồi hộp, run rẩy, âu lo. Nhưng rồi, được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các đồng nghiệp trong báo, đặc biệt là bác Tiến Chước - Trưởng ban Thời sự, nơi tôi thực tập,  tôi đã sớm hoàn thành định mức thực tập.

Và thế là như trút được gánh nặng, tôi xin phép tòa soạn đi viết một bài gì đó cho “ra tấm ra món”. Tôi lên Lạng Sơn vào nửa cuối tháng 4.1996, đến thị trấn miền biên viễn mới mở cửa hỗn độn, phức tạp, nham nhở, nhem nhuốc nhiều vấn đề nổi cộm. Sau 3 ngày 2 đêm lang thang, tôi  liều lĩnh viết phóng sự. Thật bất ngờ, ngày 5.5.1996, phóng sự “Bụi bặm Đồng Đăng” của tôi được đăng trang trọng ở vị trí cover như lệ thường, như một dấu hiệu “nhận diện” thương hiệu phóng sự trên Lao Động hằng ngày. Hẳn nhiên, là ngoài sức tưởng tượng của tôi!

Ngày ấy, phóng sự trên Báo Lao Động là “đặc sản”, là đăng hết nửa trang 6 khổ to như bây giờ, là cỡ 2.500 chữ và ảnh. Thế mà tôi chỉ viết được chừng 1.800 chữ kèm ảnh. Thế mà vẫn được đăng, kèm một hồi âm về bài phóng sự trước đó mới “kín đất”. Lại còn được thưởng chất lượng ở buổi sáng họp giao ban thứ hai hằng tuần mà tôi không được phép tham dự, gần như không mấy ai trong toà soạn biết, phóng sự đó của một sinh viên thực tập nhút nhát...

Sau này, nhận nhuận bút, tiền thưởng, tôi thực sự choáng váng khi tổng cộng gần 1 triệu đồng, tương đương với hơn 2 chỉ vàng. Đó vẫn là số tiền nhuận bút giá trị nhất cho một bài báo tôi được nhận, cho đến tận bây giờ, nếu… quy ra vàng.

May mắn nối tiếp may mắn, bất ngờ dày thêm bất ngờ khi một buổi chiều ở hun hút hành lang tầng 1 ngôi nhà số 51 phố Hàng Bồ, vô tình gặp, chú Trần Đức Chính (bút danh Lý Sinh Sự ở chuyên mục đặc sản Nói hay đừng) - Phó Tổng Biên tập, phụ trách chuyên mục Phóng sự - có hỏi rằng, “thích về Báo Lao Động làm việc không?”. Tôi bất ngờ, ngỡ ngàng, phải mấy phút mới định thần được, bởi lẽ tôi chỉ chủ động thực tập để học nghề chứ ra trường đã có điểm đến khác. Tôi rụt rè hỏi, “nếu về báo có phải bằng tốt nghiệp đại học loại khá không?”.  Chú Chính trả lời hào phóng, “báo chỉ cần người làm được việc, chứ không cần bằng cấp”.  Rồi chú còn bảo “thích đi làm luôn thì ký hợp đồng”.

Nhận lời như cởi tấm lòng, tôi xin phép không đi làm ngay, mà đợi tốt nghiệp đại học sẽ ra xin được làm việc ngay. Tôi bỏ làm luận văn (hồi ấy chưa gọi là khoá luận như bây giờ, chưa phải đẳng cấp luận văn thạc sĩ như hiện nay), và thi tốt nghiệp. Rốt cục, dù được 9 điểm môn thực tập tốt nghiệp, tôi vẫn chỉ được 6,97 điểm tổng kết trung bình môn 2 năm cuối. Tôi chỉ được nhận tấm bằng tốt nghiệp loại trung bình khá, không được kết nạp Đảng trước khi ra trường. Nhưng bù lại, chỉ vài ngày sau khi tốt nghiệp, ngày 1.7.1996, tôi được ký hợp đồng 3 tháng thử việc ở Báo Lao Động,  sau khi hết thời hạn thử thách, làm cũng được việc, tôi được toà soạn ký hợp đồng lao động không thời hạn.

Sau đó, tôi được trải qua tất cả các ban chuyên môn tại toà soạn, trừ Ban Quốc tế, vì hồi sinh viên chỉ chuyên tâm học hành, viết báo chứ không thức thời hội nhập mà “cày” ngoại ngữ...

Tròn 12 năm 1 tháng (từ 1.7.1996 đến hết tháng 8.2008) công tác ở Báo Lao Động nhiều kỷ niệm, bài học không thể nào quên, tôi chia tay tờ báo có sao mà tâm trạng nhiều bâng khuâng, luyến tiếc. Thế nên, mỗi lần lên lớp có liên quan đến nghề báo, đến thể loại phóng sự, tôi vẫn luôn kể về bài phóng sự đầu tiên được đăng trên Lao Động, về cuộc gặp “định mệnh” với chú Trần Đức Chính, về sự phát hiện, lựa chọn đề tài, chi tiết, kinh nghiệm xây dựng nhân vật, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, văn phong, hay những phong cách phóng sự rất riêng của những nhà báo Lao Động đã thành danh với thể loại “đại bác” này, như Trần Đức Chính, Huỳnh Dũng Nhân, Vĩnh Quyền, Ngô Mai Phong, Trần Đăng, Xuân Quang, Đỗ Doãn Hoàng…

Chắc chắn rằng mãi về sau, mỗi khi có dịp đứng trên bục giảng, hay khi chuyện trò, trao đổi với các đồng nghiệp về phóng sự, về sự làm việc chuyên nghiệp, về cách nhận người, dùng người,... ở tờ Lao Động, tôi vẫn kể câu chuyện vào nghề và phóng sự đầu đời đăng trên tờ báo thực tập đã góp phần cho tôi có hơn 13 năm học nghề, rèn luyện, trưởng thành.

Nguyễn Tri Thức
TIN LIÊN QUAN

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Đà Nẵng: Mai nở muộn, chủ vườn nóng ruột lo mất tết

Nguyễn Linh |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các chủ vườn mai trên địa bàn TP Đà Nẵng xót ruột vì thời tiết thất thường khiến mai nở muộn, sợ không trúng dịp tết.

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Dự báo thời tiết 18.1: 27 Tết miền Bắc vẫn sương mù bao phủ kèm rét sâu

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 18.1.2023, miền Bắc sáng sớm có sương mù, ngày hửng nắng nhưng trời vẫn rét sâu. Nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng khoảng 10 - 13 độ C. Nam Bộ sáng sớm có sương mù, ngày trở nắng.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Cận Tết tôm, cua Cà Mau nắm tay tăng giá chóng mặt vẫn không đủ hàng để bán

NHẬT HỒ |

Cà Mau - Giá một kg tôm đất khô đã lên đến 1,7 triệu đồng. Không thua kém tôm đất khô, cua gạch Cà Mau cũng có giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và không đủ hàng để bán.