Làm công nhân, thợ xây, bảo vệ cho đến bán hàng online hay dọn dẹp nhà cửa theo giờ... là những công việc đang được nhiều lao động tại TP.Đà Nẵng lựa chọn. Với tiêu chí, miễn là công việc học nhanh, dù tay ngang nhưng có thu nhập, người lao động sẵn sàng nhận bởi dịch bệnh COVID-19 chưa biết diễn biến ra sao, miễn là có thu nhập.
Tìm việc trái ngành
Ông Phạm Tiến - người dân quận Sơn Trà, Đà Nẵng - cho hay, gia đình ông có 4 người thì hết 3 người làm ngành dịch vụ, khách sạn. Sau đợt dịch COVID-19 lần 1, chủ doanh nghiệp cho nghỉ việc luân phiên, các lao động trong nhà vẫn hưởng một phần lương. Tuy nhiên, sau đợt dịch COVID-19 lần 2, từ nhà hàng đến khách sạn đều có chủ trương cắt giảm lao động do không còn nguồn thu, cũng không còn nguồn quỹ dự phòng.
“Cũng có nơi hứa hẹn sẽ gọi trở lại đi làm khi có việc nhưng con tôi phải nghỉ không lương. Trong khi 2 đứa cháu đang đi học, kinh tế gia đình kiệt quệ nên con tôi đành phải xin nghỉ hẳn việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nay, con dâu tôi đang phải xin vào làm công nhân ở xí nghiệp may. Con trai thì từ quản lý khách sạn đi làm sơn tường, bảo vệ. Công việc vất vả, thậm chí phải học từ đầu nhưng thời điểm này, có được công việc kiếm đồng ra vào là tốt rồi. Các cháu cũng chịu khó, không kén chọn vì cần kinh tế lo cho nhiều việc” - ông Tiến chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ như gia đình ông Tiến là hàng vạn lao động khác khi ngành du lịch, dịch vụ chưa phục hồi hoàn toàn. Chị Kim Phượng, cùng trú quận Sơn Trà đã nghỉ việc buồng phòng ở khách sạn gần cả năm nay. Kinh tế gia đình đổ lên vai người chồng làm văn phòng phẩm mà các con đang tuổi ăn học.
“Tôi xoay sở đủ mọi cách, từ bán hàng online cho đến học nghề làm tóc. Ai cũng thất nghiệp, cũng mở hàng online nên buôn bán không ăn thua. Nay, tôi bỏ tiền đi học gội đầu rồi sửa sang lại nhà cửa để mở tiệm nhỏ nhỏ kiếm thêm thu nhập chứ đợi công việc cũ thì chẳng biết đến bao giờ. Nhiều người bạn của tôi còn nhận trông con, làm việc nhà theo giờ để kiếm tiền. Nói chung, ai cũng phải tự tìm việc khi ngành du lịch, dịch vụ gặp khủng hoảng nặng” - chị Phương nói.
Lao động dịch chuyển
Theo báo cáo thống kê của Cục Thống kê Đà Nẵng, năm 2020, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành thành phố giảm 4,8% so với năm 2019. Trong khi đó, lực lượng doanh nghiệp chịu rất nhiều tổn thất bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như dịch vụ du lịch, vận tải, hậu cần du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục... Các doanh nghiệp sản xuất phải đối mặt với “khó khăn kép” khi vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như may mặc, da giày, điện thoại, sản xuất ôtô...
Theo kết quả khảo sát nhanh, hơn 15.000 lượt doanh nghiệp (2 giai đoạn), đại diện cho gần 50% số doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn thành phố, thì có đến trên 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Đặc biệt, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh đã làm suy giảm động lực phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 đều có xu hướng tăng trưởng âm như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (-37,33%); dịch vụ vận tải; bưu chính và chuyển phát (-18,32%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (-41,25%), riêng hoạt động lữ hành và hỗ trợ du lịch chỉ bằng 28% năm 2019); nghệ thuật vui chơi và giải trí (-7,42%)...
Ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng - phân tích, chính việc doanh nghiệp gặp khó khăn đã dẫn đến cắt giảm lao động hàng loạt. Trong đó, 21.000 lao động đã bị cắt hợp đồng; 70.900 ngừng việc, nghỉ không lương; 99.600 lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc và 40.300 nghìn lao động tự do không có việc làm.
Trong khi đó, người lao động không thể đợi thêm nữa mà chuyển sang tìm kiếm và làm những ngành nghề khác. Hàng vạn lao động của ngành du lịch, dịch vụ buộc phải tìm kiếm công việc mới dẫn đến việc chuyển dịch lao động lớn. Tuy nhiên, đây lại điều tất yếu khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường như hiện nay.
Cục Thống kê cho hay đang thực hiện khảo sát sự chuyển dịch này để sớm đưa ra những dự báo cho người lao động cũng như chính quyền thành phố để có giải pháp an sinh xã hội trong thời gian tới.