Môn tiếng Anh liên tiếp đội sổ
Chất lượng đào tạo tiếng Anh của ngành Giáo dục Việt Nam có vấn đề - đây là nhận định của rất nhiều chuyên gia, giáo viên, phụ huynh và đơn vị tuyển dụng. Bằng chứng rõ ràng nhất thể hiện ngay ở kết quả thi tốt nghiệp THPT hằng năm. Tiếng Anh luôn là môn “đội sổ” điểm số rất thấp.
Thống kê từ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của 63 tỉnh, thành cho thấy, chiếm vị trí “đội sổ” năm nay tiếp tục là môn tiếng Anh. Đây là môn thi duy nhất năm nay có điểm trung bình dưới 5.
Đáng nói, 2020 không phải năm đầu tiên môn tiếng Anh đứng cuối bảng, thực tế này đã diễn ra từ nhiều năm nay và vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Nói về lý do điểm thi tiếng Anh thấp, cô Nguyễn Thị Mai Hương - giáo viên môn tiếng Anh - Phó chủ nhiệm khối Song Ngữ - Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, có thể là do việc học ngoại ngữ của học sinh chưa hiệu quả, học sinh yếu ở kỹ năng đọc hiểu và từ vựng.
Giải pháp cho vấn đề này, theo cô Hương, học sinh cần có biện pháp và thói quen học từ vựng, cụm từ và nâng cao kỹ năng học từ, dùng từ trong văn cảnh. Học sinh có thể học online bằng cách nghe các bài tiếng Anh, tin tức hoặc đoạn nói trên YouTube đơn giản để hiểu, ghi lại từ vựng mới để nâng cao vốn từ và dùng từ trong văn cảnh.
Ngoài ra, học sinh nên làm thêm các sách luyện về đọc hiểu để vừa nâng cao kỹ năng vừa củng cố mở rộng vốn từ khi làm các bài đọc hiểu đó. Các sách tham khảo có thể là bộ luyện đọc TOEFL junior, Reading Advantage, Reading Challenge hoặc IELTS reading…
Bên cạnh đó, học sinh cần cải thiện kỹ năng nghe nói để có phản xạ tốt trong học tiếng Anh, từ đó có động cơ và thói quen học một cách tự nhiên, chứ không đơn thuần là chỉ học ngữ pháp - một thói quen dạy và học của cả giáo viên và học sinh khi học tiếng Anh là tập trung dạy phần này quá nhiều.
Đổi mới chương trình, cách dạy
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo: Chúng ta thiếu giáo viên tiếng Anh, số lượng và chất lượng cũng không đáp ứng được yêu cầu. Đây chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến thứ hạng “đội sổ” như đang chứng kiến.
Mục đích đầu tiên của việc học ngoại ngữ là để giao tiếp, sau đó mới đến các kỹ năng khác như đọc, viết. Nhưng hiện nay, giáo trình giảng dạy bậc phổ thông của chúng ta lại đang thiên về đọc, viết là nhiều. Vì thế, trước hết trình độ của giáo viên cũng cần được cải thiện, dạy mang tính thực hành thay vì hàn lâm như trước đây. Giáo viên có cơ hội được thường xuyên giao lưu, tiếp xúc với người bản ngữ, với nền văn hóa của ngôn ngữ mình đang giảng dạy và được thường xuyên tập huấn về năng lực, những phương pháp và kỹ thuật giảng dạy mới nhất.
Bên cạnh đó, để đạt được hiệu quả giảng dạy của môn ngoại ngữ, học sinh cần phải có điều kiện thường xuyên tiếp cận và sử dụng ngoại ngữ ngay trong thời gian học tại nhà trường. Nhà trường cần đặc biệt chú trọng năng lực tổ chức lớp học mang tính tích cực, chú ý các hoạt động giao tiếp hơn...
Hãy giao cho các nhà tuyển dụng
TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh, để có thể thay đổi căn bản vấn đề rất cần các nhà tuyển dụng linh hoạt trong xét tuyển. “Chúng ta không nên chỉ nhìn vào bằng cấp mà hãy nhìn trực tiếp vào năng lực của ứng viên. Chứng chỉ có thể chỉ là yếu tố cộng điểm chứ không phải quyết định. Thi tuyển bằng hình thức phỏng vấn, thuyết trình… sẽ thể hiện hết được năng lực về nhiều mặt của ứng viên. Từ đó, thúc đẩy việc học thật, thi thật thay vì chỉ cho đẹp hồ sơ như hiện nay”.
Đồng quan điểm, ThS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định - cho hay: Nếu bỏ hẳn yêu cầu về ngoại ngữ, chúng ta sẽ đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại. Tuy vậy, chứng chỉ cũng sẽ không nói lên tất cả năng lực của một người. Có những vị trí không cần trình độ cao thì không cần phải bắt buộc và phải tuyển dụng thực chất, những vị trí không cần thì chỉ nên mang tính khuyến khích. Mỗi một vị trí việc làm cần quy định khác nhau, không nên đánh đồng tất cả mọi người đều như nhau.