Gia đình anh Lý Quốc Lộc là một trong số hơn 30 hộ gia đình người dân tộc Dao tại thôn Nặm Đăm đang cung cấp dịch vụ homestay cho khách du lịch từ gần hơn 5 năm nay. Cũng nhờ vậy mà từ con người cho đến ngôi nhà đã có một diện mạo mới.
Trước kia, việc phát triển kinh tế của gia đình Lộc gần như chỉ trông cậy vào việc trồng ngô và nuôi trâu. Nay, nhờ làm dịch vụ cho khách du lịch, nguồn thu của gia đình đã ổn định.
"Thoát được nghèo rồi đấy, trung bình mỗi tháng cũng được từ 3 đến 3,5 triệu đồng, mùa cao điểm du lịch thì thu nhập khá hơn. Mình cũng không phải làm những việc nặng nhọc nữa nên người thấy khoẻ lắm" - anh Lộc cho hay.
Homestay của anh Lý Quốc Thắng - một ngôi nhà sàn xen lẫn nhà trình tường đúng theo phong tục của người Dao, từ cách bài trí cho đến xây dựng. Thứ khác duy nhất là hệ thống nhà vệ sinh được xây mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Anh Thắng cho biết, để xây dựng được một cơ sở homesaty đủ điều kiện sẽ cần từ vài chục đến vài trăm triệu, Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại là vốn tự huy động. Làm xong rồi thì có thể khai thác lâu dài và có nguồn thu ổn định.
Đôi tay thoăn thoắt xếp lại những chiếc đệm để chuẩn bị đón đoàn khách mới, Lý Quốc Thắng tâm sự: "Vài năm nay là thoát nghèo rồi đấy, trước kia ăn đong từng ngày, trâu chưa lớn đã bán rồi. Giờ làm cái này có đồng tiền ổn định, đỡ lo cái đói nhiều rồi".
Qua 10 năm triển khai Làng văn hóa du lịch cộng đồng, Nặm Đăm đã có hơn 35 hộ gia đình đủ điều kiện đón khách lưu trú theo tiêu chuẩn ASEAN. Thu nhập từ du lịch đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Tổng hợp các dịch vụ, mỗi năm Nặm Đăm cũng thu về trên dưới 2 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Hồng - Trưởng phòng Văn hóa huyện Quản Bạ cho rằng, ngoài bảo tồn văn hoá của người Dao thì du lịch cộng đồng đã giúp giảm nghèo bền vững và góp phần làm chuyển đổi nhận thức của đồng bào từ làm nông nghiệp sang làm du lịch.
Cũng theo ông Hồng, qua 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến năm 2022, du lịch Quản Bạ đã có nhiều khởi sắc khi số lượng khách trong nước và Quốc tế đến địa phương tăng trở lại. Đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với những hộ làm homestay.
"Thời gian dịch bệnh đồng bào không có thu nhập, rồi dịch qua lại thiếu tiền đầu tư sửa sang nhà cửa. Lo khi đông khách sẽ khó đáp ứng, vừa qua chúng tôi đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân làm homestay và quảng bá du lịch" - ông Hồng cho hay.
Làm du lịch đã góp phần cải thiện và nâng cao cuộc sống đồng bào tại những lõi nghèo của tỉnh Hà Giang. Tỉ lệ hộ nghèo tại khu vực này giảm bình quân hơn 5% mỗi năm, đây là một kết quả khá cao so với các tỉnh miền múi phía Bắc.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, đồng bào đã từng bước xóa đói giảm nghèo nhờ du lịch, thực tiễn đó đã đặt ra những yêu cầu mới cho các cấp, các ngành của tỉnh để giúp người dân phát triển kinh tế.
"Chúng tôi có những đánh giá khi phát triển homestay thì đời sống nhân dân phát triển như thế nào, số hộ nghèo giảm đi bao nhiêu, hiệu quả kinh tế mang lại ra sao. Có những nơi gần như cả làng cùng làm du lịch.
Một yếu tố quan trọng không kém đó là phát triển du lịch nhưng vẫn giữ gìn bản sác văn hóa của các dân tộc. Nhờ đó, khách đến với Hà Giang có ấn tượng tốt và sẽ quay lại, đây cũng là định hướng phát triển du lịch lâu dài nhưng bền vững” - ông Quý thông tin.