Nhiều vụ phá rừng chưa xử lý được
Thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk: Năm 2020 lực lượng kiểm lâm tỉnh phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ xử lý 716 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu gần 740m3 gỗ các loại, hơn 500 phương tiện vi phạm. Mặc dù so với năm 2019, giảm về số vụ và khối lượng, nhưng tình trạng phá rừng tại địa phương được đánh giá còn hết sức phức tạp, nhiều vụ phá rừng quy mô lớn đã diễn ra, nhiều vụ phá rừng chưa được phát hiện hoặc chưa được báo cáo và xử lý. Đặc biệt, có gần 20.000ha rừng của các công ty lâm nghiệp, khoảng 5.400ha rừng của các dự án nông lâm nghiệp và hơn 25.000ha rừng do UBND cấp xã quản lý đã bị xâm chiếm trái phép. Việc thu hồi những diện tích này là rất khó khăn.
Đáng chú ý, những năm qua lực lượng Công an các huyện ở tỉnh Đắk Lắk liên tục khởi tố hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng nhưng suốt một thời gian dài vẫn chưa bắt được các nhóm đối tượng phá rừng, bởi hàng loạt lý do khách quan. Ví dụ, sau nhiều tháng điều tra, nghiên cứu hồ sơ, cơ quan Công an huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đã ra quyết định khởi tố vụ án phá rừng lớn ở tiểu khu 622 và 618 (thuộc địa phận khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô) nhưng đến nay vẫn chưa bắt được đối tượng phá rừng. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Ea Súp vẫn chỉ mới đang tiến hành các bước xác minh tin báo sai phạm tại 4 Công ty lâm nghiệp là: Cư M’lan, Rừng Xanh, Ia Lốp và Ia Mơr. Tại 4 đơn vị này có dấu hiệu thiếu trách nhiệm làm thiệt hại hơn 22.000ha rừng trong giai đoạn 2006 đến 2016.
Như Lao Động đã thông tin, dịp Tết Nguyên đán vừa qua ở Đắk Lắk, hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn đã xảy ra ở khắp các địa bàn huyện Krông Bông, Ea H'Leo... nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể khởi tố các vụ án.
Ông Đỗ Xuân Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk - cho biết: "Việc khởi tố các vụ phá rừng nhưng mãi vẫn chưa bắt được lâm tặc đang là một vấn đề nhức nhối. Chúng tôi đã có văn bản trình bày các vướng mắc, khó khăn trong các vụ phá rừng không phát hiện được đối tượng vi phạm cũng như việc khắc phục hậu quả để gửi Bộ NNPTNT cho chủ trương xử lý".
Lắp camera theo dõi diện rộng có khả thi?
Trước vấn nạn lâm tặc hoành hành, một số chủ rừng, UBND các huyện ở Đắk Lắk đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh xin được lắp đặt camera theo dõi ngay trong những cánh rừng - điểm nóng được lâm tặc chọn lựa khai thác gỗ. Đề xuất này đã liên tục vấp phải những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, phương án trên quá tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian để lắp đặt. Số ít khác lại ủng hộ vì nhận thấy khi triển khai phương án trên có thể giúp cơ quan chức năng trích xuất, nhận diện được các đối tượng lâm tặc, phục vụ đắc lực cho công tác điều tra, phá án sau này.
Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn Phạm Tuấn Linh cho biết, việc lắp camera chống lâm tặc nếu triển khai được thì tốt, nhưng quan trọng là hệ thống điện lưới lắp đặt như thế nào, vận hành ra làm sao cho hiệu quả cần phải được tính toán kỹ, bởi rừng đơn vị phải quản lý lên đến hơn 100.000ha, nhiều đường mòn lối mở ra vào chứ không có đường độc đạo.
Còn ông Lê Danh Khởi - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn - lại cho rằng: "Việc lắp đặt camera chống lâm tặc phản được tính toán kỹ lưỡng vì chi phí triển khai sẽ rất lớn. Ví dụ, đơn vị đang quản lý hơn 10.000ha diện rừng phòng hộ lẫn sản xuất nếu lắp sẽ tốn một khoản tiền không nhỏ đó là chưa kể đến chi phí bảo trì, phân bố nhân sự triển khai dự án... Tháng 2.2021, chúng tôi được UBND huyện quan tâm bố trí nhân sự từ BCH quân sự, công an huyện lập đoàn phối hợp cùng với anh em ở BQL ăn ngủ trong rừng để tuần tra, truy quyét lâm tặc. Đây là một cách thức hay, cần được nhân rộng để ngăn chặn nạn lâm tặc phá rừng".
Người đứng đầu Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cũng nhấn mạnh: Một số huyện đã bổ sung lực lượng công an, quân đội hỗ trợ cho các chủ rừng chống lâm tặc. Bởi, chỉ một mình chủ rừng cũng khá khó xoay sở với tình hình phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn phải nhắc rằng chủ rừng phải đóng vai trò then chốt trong công tác chống lâm tặc. Đã có Công ty lâm nghiệp ở huyện Ea Kar và Công ty Lâm Nghiệp Buôn Ja Wầm (TP.Buôn Ma Thuột) đã triển khai phương án lắp camera chống lâm tặc và bước đầu thu lại một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, tỉnh chỉ đang nghiên cứu cho lắp ở một số khu vực chứ chưa triển khai trên diện rộng. Chủ rừng nên tính toán lắp ở những khu vực "xung yếu", lâm tặc thường di chuyển để dễ theo dõi và tiết kiệm tiền của.