Làm báo trong rừng chiến khu

HUYÊN NGUYỄN |

Vượt qua những đoạn dốc ngoằn ngoèo, có nơi phải đi bộ cả cây số, đi thuyền, chúng tôi tìm về những địa điểm một thời mang ấn tích huy hoàng làm báo cách mạng của Báo Lao Động tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Toà soạn lưu động khắp chiến khu Việt Bắc

Cuốn “90 năm Báo Lao Động” miêu tả rõ nét không khí những ngày cuối năm 1946: “Hà Nội sôi nổi chuẩn bị đi vào cuộc kháng chiến. Phố Hàng Bồ, nơi có trụ sở Báo đóng tại số 51, mọc lên những ụ chướng ngại vật không cho xe quân Pháp ngang nhiên đi lại khiêu khích nhân dân ta. Công nhân âm thầm tháo dỡ máy móc, sắt thép, vận chuyển lên vùng núi phía Bắc. Thời điểm ngày 12.12.1946, Báo Lao Động ra số 42, đó cũng là số báo cuối cùng ở thủ đô Hà Nội trước khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.

Biết là cuộc kháng chiến sẽ xảy ra không tránh được, Báo Lao Động đã tổ chức nhiều cuộc di chuyển máy móc, giấy in, mực in tạm cất giấu tại xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Đông (Hà Tây). Người cuối cùng của tòa soạn và trị sự Báo rút khỏi trụ sở số nhà 51 (Hàng Bồ, Hà Nội) là quản lý nhà in Vũ Tiệp. Anh rời Hà Nội vào chiều ngày 19.12.1946, vai đeo một tay nải nặng những con chữ bằng chì và khay xếp chữ.

Năm 1947, Báo âm thầm di chuyển và củng cố cơ quan, tìm địa điểm hợp lý. Sang năm 1948, Báo Lao Động tiếp tục ra mắt bạn đọc từ đầu năm 1948. Toà soạn báo thoạt tiên đóng ở Trại Văn Kim thuộc xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cùng địa điểm với cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ở Văn Kim một thời gian, toà soạn báo theo cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vượt Đèo Khế về đóng ở xã Cao Vân (nay là xã Phú Xuyên), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đó là những chiếc lán nhỏ nằm rải rác ven đồi dưới những lùm cây...”.

Theo dòng lịch sử ấy, chúng tôi tìm về xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây đi vào sử sách với nhiều sự kiện quan trọng như địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là nơi “đầu não” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà in Lao Động, Báo Lao Động hoạt động trong suốt những năm 1947 - 1953.

Lật giở từng tấm sơ đồ thời kháng chiến, ông Lương Văn Đường - Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên và cán bộ Văn hoá xã Nguyễn Duy Lộc tả lại tường tận phân bổ khu kháng chiến trong xã. Vừa tả, hai vị cán bộ xã vừa tấm tắc: “Kỳ lạ thật! Không thể hình dung ngày xưa khó khăn, hiểm trở mà các lãnh đạo, chiến sĩ ta có thể tìm được một địa chỉ làm căn cứ hoạt động cách mạng “hiểm” như vậy!”.

Phú Xuyên là một xã nằm ở phía Tây Bắc của huyện Đại Từ với địa thế hiểm trở, địa hình vừa mang đặc điểm miền núi vừa mang đặc điểm miền trung du. Bao quanh xã là những dãy núi hiểm trở như núi Tam Đảo, núi Điệng, núi Hồng rồi những đồi bát úp xen kẽ những cánh đồng. Nơi đây có vị trí quan trọng, là lá chắn An toàn khu lúc bấy giờ. Chính vì thế, nhiều cơ quan quan trọng của Trung ương, Chính phủ đóng tại đây: Cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, nhà in Lao Động, Ban Trị sự Báo Lao Động, Trường Trung cấp Bưu điện, Học viện Bưu chính Viễn thông, xưởng cơ khí Minh Khai chế bom mìn, thuốc nổ; Ban Giao thông Trung ương, Ban Vận tải Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên... Tuyến quốc lộ 37 Thái Nguyên - Tuyên Quang chạy qua trung tâm xã cùng đường sắt Quan Triều - Núi Hồng chạy qua địa bàn.

Khu vực hoạt động của các cơ quan được bố trí lớp lang thành một vòng tròn quanh hồ, có canh gác nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Duy Lộc, cán bộ văn hoá xã, một trong những người đã 20 năm tham gia xây dựng, tìm hiểu về lịch sử xã kể: Các cụ vẫn truyền tai nhau rằng đây là khu nếu không phải là cán bộ, chiến sĩ, người dân sinh sống trực tiếp thì khó mà đột nhập. Nơi đây được bố trí 7 vòng canh gác, mỗi vòng cách nhau khoảng 1km. Người ngoài đến giao dịch đều phải nằm ngoài trạm chờ, trải qua nhiều vòng kiểm soát.

Nghe kể là vậy, thế nhưng, có đi tận nơi mới thấy hết sự phức tạp của địa hình. Đây là khu vực chỉ toàn đồng bào người Dao trên núi cao nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ xuống núi sinh sống và hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ làm cách mạng.

Sau khoảng 20 phút đi xe máy từ trung tâm xã, chúng tôi đến khu vực nhà in Lao Động nằm sâu trong rừng ở khu vực Khán Tài, sau dãy núi Tam Đảo. Tất cả những con đường mòn dẫn tới địa điểm đều phải đi quanh co, ẩn khuất dưới những tán rừng. Muốn đi đến khu vực nhà in chỉ có 2 cách: Hoặc là đi bộ trong rừng, hoặc là đi thuyền qua hồ Vai Bành.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã, khu vực nhà in Lao Động rất lớn, hiện trong rừng sâu vẫn còn nền móng cũ, sau này nhiều nhà còn giữ lại những cục in. Để duy trì một nhà in trong rừng là hết sức vất vả. Mực in phải mua trong vùng địch tạm chiếm, giấy chuyên chở đến từ nhiều nguồn, được loại giấy nào in loại đó và phải thay đổi khuôn khổ luôn. Máy móc đặt trong những lán nhỏ, bí mật. Tại đây, ngoài việc in Báo Lao Động, còn phải in rất nhiều tài liệu cho các cơ quan.

Từ nhà in Lao Động, đi xe máy chừng 10 phút, chúng tôi tới gặp ông Lê Nguyên Tố  - Bí thư Đảng uỷ xã Phú Xuyên giai đoạn đầu những năm 2000, người đi sưu tầm câu chuyện về các di tích lịch sử trong xã - ông đón chúng tôi với một cuốn vở thếp ông cất giữ cẩn thận trong các lớp túi bóng.

Lần giở từng trang vở thếp được ghi chép tỉ mỉ, ông Tố kể về cuối thập niên 1990, xã có chủ trương sưu tầm lại các câu chuyện lịch sử, địa danh lịch sử để kết nối lại với các cơ quan trung ương đóng tại địa phương nên với cương vị là Bí thư Đảng uỷ xã lúc bấy giờ, ông đã đến từng nhà các cụ sống trong giai đoạn 1945 - 1954 để ghi lại các câu chuyện, sưu tầm bức ảnh, hiện vật liên quan.

“Những người sống, chứng kiến thời kỳ ấy hầu như đã không còn sống hoặc tuổi quá cao mà không còn nhớ nổi. Tôi năm nay cũng đã lớn tuổi, muốn lưu giữ lại từng câu chuyện kẻo mai đây con cháu mình không biết về những di tích lịch sử, những dấu ấn đặc biệt này” - ông Tố vừa nhấp ngụm nước chè vừa nghĩ ngợi.

Theo tài liệu của ông Tố: “Lời kể của ông Lương Quang Thơm, năm 1947, nhà in Lao Động về xã do ông Tiệp làm giám đốc. Ban Trị sự (nay là Ban Biên tập) Báo Lao Động bước đầu ở khu Cây Sấu, xóm Điệng. Cùng địa điểm trên cũng là nơi đặt trạm trung chuyển của Ban Giao thông Trung ương. Sau một thời gian xây dựng xong các lán trại, các cơ quan trên chuyển về khu vực Gỗ Dâu, Đầm Lũng, Đát Luông, Vai Bành - chân núi Tam Đảo. Đây cũng là nơi ra đời số báo đầu tiên trong những năm kháng chiến”.

Ông Lê Nguyên Tố còn nhớ người giữ tờ báo Lao Động số 1 là ông Lương Văn Đồng (xã Yên Lãng), hiện ông Đồng đã mất, một cơ quan khi làm lịch sử đã lên xin tờ báo này về để trưng bày.

Ông Tố kể lại, khu vực Ban Trị sự Báo đóng ở khu Cây Sấu, xóm Điệng để đến nhà in phải đi bộ đường rừng khoảng 30 phút - 1 tiếng đồng hồ.

“Vì Ban Trị sự hoạt động bí mật nên nhiều thông tin được giấu kín. Có người kể, lúc bấy giờ, Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn thường xuyên lui tới khu vực làm Báo Lao Động. Nhớ nhất là ông Tiệp - giám đốc nhà in. Sau khi in xong, báo được đưa ra gửi nhà dân trước khi Ban Giao thông Trung ương lên nhận và đưa đi khắp nơi” - ông Tố thuật lại.

Phóng viên cũng đi đánh trận

Giai đoạn 1947 - 1953 là thời kỳ làm báo vô cùng gian nan và đầy hào hùng của các phóng viên, biên tập viên Báo Lao Động. Về hoạt động làm báo thời kháng chiến, trong cuốn lịch sử “90 năm Báo Lao Động” trang 62 - 64 ghi lại chia sẻ của nhà báo Đỗ Trọng Giang, Chủ nhiệm Báo Lao Động từ tháng 3.1949: “Đặc điểm làm báo trên chiến khu là thế này: Toà soạn cứ di chuyển luôn. Tôi nhớ hồi ở Cao Vân, báo ở xóm Gốc Sấu, rồi lên La Bằng, Gốc Điệp gần nơi họp Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất; vượt sông Chảy sang An Khê bên Yên Bái (lúc đó địch đang đánh Thái Nguyên); sang Làng Tuộc cạnh sông Gâm; có lần về xóm Bưng, xóm Toa gần Tân Trào; lại có lần di chuyển về xuôi ở Bắc Giang, nơi có cuộc kỷ niệm ngày quốc tế lao động rất to.

Toà soạn lưu động, đi đâu thì đi, nhưng nhà in thì cắm tại chỗ, nên đi đâu cũng phải xoay quanh cái trục là nhà in. Những tay bám nhà in là Minh Tần, lên trang tại chỗ; Thanh Sơn vừa vẽ vừa khắc gỗ được; Văn Đằng, thợ khắc, tất cả các măng sét báo, các đầu đề bài là do một tay anh khắc. Người trình bày báo còn phải có khả năng cắt bài, bổ sung tin, bài tại chỗ”.

Cũng theo cuốn “90 năm Báo Lao Động”: Thời kỳ hoạt động kháng chiến: Báo phát hành bằng cách gửi từng bọc nhỏ theo đường giao thông bằng chân đưa tới các Liên hiệp công đoàn Liên khu, rồi từ liên khu đưa xuống các tỉnh và cơ sở. Các Liên khu có nhiệm vụ thanh toán tiền mặt với Ban Trị sự báo, tiền gói trong những gói niêm phong có ghi số chuyển từ trạm giao thông này qua trạm giao thông khác đến nơi nhận không hề suy suyển. Ban trị sự báo mà nhiệm vụ chính là phát hành báo đóng ở một ngôi nhà sàn, gồm một trạm trưởng giao thông.

Hồi ở Gốc Sấu, do cơ quan ở gần đường nên thỉnh thoảng lại được tiếp một người khách quý. Đó là nhà thơ Xuân Diệu đến xem bích báo dự thi, nhặt được vô khối những hạt ngọc thơ ca dân gian mà sau đó ông giới thiệu trân trọng trong các bài bình luận của ông, là nhà sử học Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Tạo....

“Làm báo trên chiến khu, bài vở đều phải do phóng viên làm không thể trông đợi vào nguồn tin bài nào khác, tuy thỉnh thoảng cũng có bài gửi đến. Có số báo một người viết hai, ba bài. Và không đi đến tận nơi có sự việc không thể viết được. Mà các chuyến đi đâu có dễ, phải mang theo gạo, phương tiện duy nhất là đôi chân.

Trong giai đoạn ấy, Báo in typô trên giấy bổi dễ thấm nước, 16 trang khuôn khổ 30 x 35cm. Các dòng chữ tên báo, tên bài, mục, tranh ký hoạ của hoạ sĩ Nguyễn Minh Tần in theo bản khắc gỗ. Trên khuôn tiêu đề (măng sét) dưới hàng tên Báo Lao Động, là hàng chữ đậm: Cơ quan tuyên truyền kháng chiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tháng ra hai kỳ.

Năm 1950, Báo Lao Động có một sự kiện đặc biệt: Nhân Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất, báo ra hàng ngày để thông tin kịp thời những sự kiện tại Đại hội. Số 116 được đánh số từ 116a đến 116k. Đó là những trang báo sinh động ghi chép tại chỗ những diễn biến, những ý kiến, những gương mặt tại Đại hội. Sau năm 1953, Báo Lao Động trở lại thủ đô tiếp tục các hoạt động tại 51 Hàng Bồ.

Ngày nay điểm lại hơn 200 số Báo Lao Động ra trong 9 năm kháng chiến sẽ thấy nổi bật những nét đặc sắc tạo nên truyền thống tờ báo của giai cấp công nhân và công đoàn.

Mặc dù phải làm báo trong bí mật, trong khói lửa của chiến tranh, Báo Lao Động đã tuyên truyền, cổ động không mệt mỏi cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, hướng dẫn, cổ vũ cuộc thi đua ái quốc trong giai cấp công nhân. Tờ báo cũng có những bài phê bình thẳng thắn đối với những tập thể, cá nhân có hành vi cần lên án, không kể đó là đối tượng nào.

HUYÊN NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.