Giảm tải rõ rệt
TPHCM trong hai ngày 22 và 23.1 chỉ có 6 ca mắc COVID-19 tử vong. Điều này có nghĩa con số tử vong tại TPHCM hiện đang thấp nhất từ tâm dịch đến nay. Một con số vui, bởi trong tâm dịch có thời điểm số ca tử vong mỗi ngày đều ở mức 3 chữ số.
Hơn một tháng qua, số ca mắc COVID-19 mới nhập viện và tử vong tại TPHCM có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt. Nhìn lại tình hình dịch bệnh tại TPHCM có thể thấy, ngày 1.10.2021, khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, số bệnh nhân mắc mới tạm thời ổn định. Nhưng từ cuối tháng 10.2021, số ca mắc mới có xu hướng tăng đến hết tháng 11, đầu tháng 12.2021. Từ tuần thứ 2 của tháng 12.2021, số ca mắc mới đã giảm dần đến hiện nay.
Theo số liệu ngày 23.1, TPHCM hiện đang điều trị 2.563 bệnh nhân, trong đó có 54 trẻ em dưới 16 tuổi, 204 bệnh nhân nặng đang thở máy, 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 23.1 chỉ có 92 bệnh nhân nhập viện, 110 bệnh nhân xuất viện, 6 trường hợp tử vong trong ngày.
TPHCM đã có tuần thứ 3 liên tiếp đạt “vùng xanh”, hiện chỉ còn huyện Nhà Bè là “vùng vàng”, không có quận huyện nào tăng cấp độ dịch so với các tuần trước.
Chia sẻ về số ca tử vong đang giảm mạnh mỗi ngày, tại buổi họp mặt báo chí - xuất bản mừng Xuân - mừng Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên xúc động: “Đây là tin vui. Trước đây không dám nghĩ tới và ngay bây giờ khi nghe cũng chưa dám tin”.
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đến giờ này, TPHCM đã kiểm soát được dịch bệnh và ngày càng kiểm soát tốt hơn nữa, tuy nhiên còn nhiều khó khăn và thách thức trước mắt. Theo ông, một thành phố như TPHCM làm sao né tránh dịch bệnh được, quan trọng là kiểm soát, thích ứng. Biến chủng mới như ta đã từng sợ biến chủng Delta, ta từng “thủng lưới ngay từ khi bóng lăn” - đó là bài học xương máu để dù thế nào cũng phải tăng cường cảnh giác. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ…
Người đứng đầu Thành uỷ TPHCM cũng nhấn mạnh chủ đề năm 2022 của TPHCM là trọng tâm Nghị quyết 128 thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong 3 mục tiêu lớn, trọng yếu thì đầu tiên vẫn là sức khỏe, tính mạng của người dân bằng một chiến lược y tế.
Chiến lược y tế hợp lý
Trải qua năm 2021, ngành Y tế thành phố đã có nhiều cố gắng hạn chế số ca nhiễm và tử vong. Từ một thành phố giãn cách kéo dài, nay đã từng bước phục hồi kinh tế và trở thành vùng xanh an toàn.
Có được thành quả hôm nay, TPHCM đã triển khai nhiều chiến lược y tế để chiến đấu với dịch COVID-19 và tiếp tục đưa cuộc sống vào trạng thái bình thường mới. Trong đó, phải kể đến hàng trăm trạm y tế lưu động được thành lập, hàng nghìn tổ COVID cộng đồng, mô hình quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, chiến dịch phủ vaccine COVID-19 đến từng người dân…
Mới đây, chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ cao cũng đang phát huy hiệu quả rõ rệt. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho hay, nhận thấy trong số những ca tử vong vì dịch COVID-19, đa phần rơi vào những người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, ngành Y tế TP đã khẩn trương thực hiện Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ cao.
“Phương án đề ra, phải giảm nguy cơ lây nhiễm cho người thuộc nhóm nguy cơ bằng tiêm vaccine, hạn chế tiếp xúc F0. Đồng thời, phát hiện và điều trị sớm bằng cách cấp thuốc kháng virus, tư vấn chăm sóc người bệnh từ xa” - Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.
Những ngày tháng 1.2022, TPHCM đẩy mạnh các chương trình chăm sóc hậu COVID. Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) - bác sĩ Trần Văn Khanh - cho biết, việc nhiễm COVID-19 cũng như số ca mắc trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tính mạng, chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Ngành Y tế TP đã có tổng kết và ghi nhận tỉ lệ rất lớn các ca bệnh có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, từ người lớn đến trẻ em mắc hội chứng hậu COVID.
Để ứng phó hội chứng này, nếu không được triển khai đồng bộ, hỗ trợ điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, thể chất con người và chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Thời gian qua, Sở Y tế TP đã có chỉ đạo các bệnh viện từ Trung ương đóng trên địa bàn đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa… tùy khả năng mỗi bệnh viện để tham gia thành lập các trung tâm, khoa điều trị hay đơn vị hoặc phòng khám hậu COVID-19, điều trị và phục hồi cho bệnh nhân.
Sau hơn 3 tháng thành lập Trung tâm phục hồi chức năng và vật lý trị liệu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã thăm khám hơn 1.000 lượt bệnh nhân từ trong địa bàn đến các tỉnh lân cận.
Ông Khanh cũng đánh giá, nặng nề nhất là di chứng về tâm lý, do đó, Khoa vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, Khoa tâm lý lâm sàng của bệnh viện này cũng đã phối hợp với Khoa Tâm lý (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) trong công tác “chữa tâm” và không sử dụng thuốc.
Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhận định, các cơ sở y tế trên địa bàn cần tập trung triển khai các phòng khám về tim mạch, nội tiết, cơ sinh khớp, hô hấp… ảnh hưởng do COVID-19 để lại.
Sẵn sàng lực lượng trực Tết
Về chuẩn bị đội ngũ nhân sự cho công tác phòng chống dịch, chăm sóc F0 trong Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi đến các đơn vị về việc sắp xếp, cơ cấu lại bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.
Trong văn bản này, Sở Y tế TPHCM nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố bước đầu được kiểm soát, số ca mắc mới và tử vong tiếp tục giảm. Hiện số lượng người bệnh điều trị tại các cơ sở y tế dã chiến chiếm khoảng 10% đến 30% công suất giường bệnh.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại, do đó, Sở Y tế TPHCM sẽ sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán. Nhân viên y tế, nhân viên khác sẽ tạm thời trở về công tác tại đơn vị chủ quản.
Việc này cũng tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, sở cũng đề nghị lãnh đạo các bệnh viện luôn sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch trong vòng 24 giờ khi Sở Y tế chỉ đạo kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện dã chiến.
“Bệnh viện Dã chiến số 12 được phân công tiếp nhận khách nước ngoài, điều trị ca bệnh nhiễm Omicron. Bệnh viện này sẽ tiếp tục hoạt động và được bố trí thêm lực lượng khác để hỗ trợ. Suốt thời gian Tết Nguyên đán, các cơ sở y tế điều trị COVID-19 tại thành phố đảm bảo hoạt động xuyên suốt, đề phòng tình huống biến chủng Omicron phức tạp” - bà Mai nói.
10 bài học ngành Y tế TPHCM rút ra để trở thành vùng xanh
Mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ; Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, cảnh báo dịch; không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà; Phát triển các mô hình chăm sóc F0 tại nhà, bệnh viện 3 tầng…; Huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác phòng, chống dịch; Phát huy phối hợp với lực lượng công an, quân đội và ngành Y; Củng cố và kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế cơ sở; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh. NGUYỄN LY