Đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân chống dịch COVID-19

Không lo thiếu gạo và thực phẩm

Phong Nguyễn |

Cho đến thời điểm này, nguồn cung gạo, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn dư thừa để xuất khẩu. Điều quan trọng là người dân bình tĩnh, tin tưởng, không để các nguồn tin xấu, độc, sai sự thật kích động, gây tâm lý hoang mang dẫn đến những hành động gây hại cho xã hội và thiệt cho chính bản thân mình.

Lương thực, thực phẩm dư thừa cho cả xuất khẩu

2 ngày gần đây, chị Nguyễn Thị Lam Giang (Cầu Giấy-Hà Nội) băn khoăn cân nhắc giữa việc có nên mua gạo, mỳ, dầu ăn và thực phẩm trữ đông để dự dự trữ. “Đôi khi đọc những tin thoảng qua trên facebook, tôi cũng hơi lo. Nhưng đi chợ, thấy hàng hóa vẫn chất đầy trên kệ và giá vẫn ổn định, nên tôi bình tâm lại, không mua dự trữ nữa”.

Cũng chung tâm trạng, cách đây 2 tuần, khi thông tin về ca bệnh 17 được thông báo, chị Nguyễn Diệu Linh (Nhà 10 Mai Dịch - Hà Nội) cũng băn khoăn về nguồn cung lương thực, thực phẩm trong trường hợp dịch bệnh tiến triển xấu hơn. “Tiếp xúc với thông tin “sạch”, lại là người trong ngành nông nghiệp, tôi khẳng định sẽ không thiếu lương thực, thực phẩm kể cả trường hợp xấu nhất là dịch bệnh COVID-19 lan rộng hơn. Chính vì vậy, tôi luôn động viên, trấn an tinh thần của người thân để họ không mua nhu yếu phẩm về tích trữ. Những người không nghe lời khuyên của tôi, giờ đang phải cố ăn cho hết chỗ thực phẩm bị “chém đẹp” từ 2 tuần trước, vừa phí tiền, vừa không ngon” - chị Diệu Linh nói.

Trao đổi với PV, nhiều người tiêu dùng cũng cho biết, họ đã bình tâm trở lại, khi tận mắt chứng kiến không có tình trạng vơ vết hàng hóa, thực phẩm tại các siêu thị; dù dịch bệnh đã phức tạp hơn, nhưng tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nguồn cung lương thực, thực phẩm không chỉ dồi dào về số lượng, mà còn ổn định, không có sự biến động về giá, không có tình trạng “cháy hàng”.

Niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở, khi nguồn tin từ Bộ NNPTNT cho biết: Về lương thực, năm 2020, dự kiến diện tích lúa ước đạt 7,3 triệu hécta, năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha, tăng 1,2 tạ so với năm 2019. Bên cạnh đó, còn có  4,7 triệu tấn ngô, chưa kể các loại rau màu khác như khoai tây, khoai lang, sắn… các loại.  Mặc dù mùa khô năm nay, ĐBSCL ặp nhiều bất lợi về biến đổi khí hậu, nhưng do chủ động xuống giống sớm để tránh hạn hán và xâm nhập mặn, nên diện tích lúa của Việt Nam bị ảnh hưởng chỉ khoảng 28.000ha. “Đến nay, nguồn cung gạo của chúng ta khá dồi dào. Đó là chưa kể, 2 vụ trước Việt Nam đều trúng mùa, sản lượng tăng mạnh” - GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, cho biết.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Đỗ Hà Nam - Phó Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng khẳng định: “Năm nay chúng ta được  mùa lớn. Sản lượng lương thực không chỉ đủ tiêu dùng trong nước mà còn dư nhiều để xuất khẩu. Chưa kể, với giá lúa gạo tốt như hiện nay, nông dân ĐBSCL có thể đẩy mạnh sản xuất vụ 3 để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu”. Ông Đỗ Hà Nam cũng phủ nhận thông tin nguồn cung lúa gạo năm nay sẽ bị sụt giảm đối với thị trường nội địa bởi số lượng lớn sẽ được xuất khẩu sang Malaysia và Philippines. “Người dân không nên nghe thông tin thiếu kiểm chứng rồi hoang mang không cần thiết. Vụ Đông Xuân chúng ta mới chỉ thu hoạch được từ 50%-70% tùy vùng, năng suất lúa rất cao với khoảng 8 tấn/ha. Với sản lượng như vậy, lương thực thoải mái cả cho nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu, chăn nuôi, dự trữ quốc gia…” - ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong lĩnh vực chăn nuôi, từ kết quả sản xuất kinh doanh 2 tháng đầu năm, có thể dự báo chăn nuôi sẽ phát triển ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Cụ thể, sản lượng thịt lợn ước đạt 3,95 triệu tấn, tăng 19,97% so với năm 2019; thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, tăng 11,0%; thịt trâu đạt 98,5 nghìn tấn, tăng 3,6%; thịt bò ước đạt 365,3 nghìn tấn, tăng 4,6%; sữa đạt 1,15 triệu tấn, tăng 11,4%; trứng đạt 14,6 tỉ quả, tăng 9,6%. Năm 2020, dự kiến tổng sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019.

Biện pháp “rắn” để ổn định  nguồn cung và giá cả

Thông thường, thiên tai, dịch bệnh là những yếu tố có thể gây khan hiếm, đẩy giá hàng tiêu dùng lên cao. Với “kinh nghiệm” như vậy, không riêng người tiêu dùng mà cả một số người bán hàng cũng không tránh khỏi tâm lý xa, tích trữ. Bà Nguyễn Thị Duyên, đại lý gạo tại số 1 Đặng Như Mai (TP.Vinh, tỉnh Nghệ An), cho hay: “Đề phòng dịch bệnh, tôi tăng lượng gạo ở đầu vào, không ngờ lượng bán ra thấp, nay đang đau đầu với 5 tấn gạo chất trong kho có nguy cơ mốc vì trời nồm ẩm và bị chuột phá phách”. Nhiều chủ cửa hàng ăn uống cũng tăng lượng thịt đầu vào trữ đông để bán trong những ngày dịch lan rộng, không ngờ lượng khách hàng sụt giảm, cả nhà phải ăn thịt đông lạnh tích trữ, trong khi thịt ngon tươi rói ê hề các chợ, giá không tăng, thậm chí giảm. Chính vì vậy, người nghe cần phải chọn lọc thông tin, không theo tâm lý đám đông để tăng cơ hội kiếm lời của những kẻ đầu cơ.

Để giúp người dân có được lượng và giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu ổn định, phải nói đến sự nỗ lực của Chính phủ với nhiều chỉ đạo, quyết sách quyết liệt. “Đầu tiên phải nói đến quyết tâm của Thủ tướng trong việc hạ giá thịt lợn xuống 75.000 đồng/kg, dần hạ đến mức 60.000 đồng/kg để ổn định giá thị trường chung, bởi thực tế, cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam thịt lợn chiếm đến 70%, thì việc giảm giá thịt lợn có tác động rất lớn không chỉ đưa giá lương thực, thực phẩm giảm theo, mà còn góp ổn định chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, hiện nay nguồn cung thịt gia súc ăn cỏ, gia cầm, trứng, sữa… rất dồi dào, thậm chí dư thừa phục vụ cho xuất khẩu” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nêu ý kiến và nhấn mạnh: Trong lĩnh vực chăn nuôi, lượng gia cầm đang rất dồi dào và có giá thành thấp kéo dài trong suốt 3 tháng cuối năm 2019 vắt sang năm 2020. Từ thực tế nguồn cung dư thừa này, ngành Nông nghiệp đã có chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm trong năm 2020. Cụ thể thịt gia cầm các loại từ 16,5% xuống dưới 11%, trứng từ 14% xuống 9-10% và đặc biệt là điều chỉnh chu kỳ sản phẩm giảm cao điểm vào các tháng mùa nóng (tháng 5-8) tránh dư thừa gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Do đó, sẽ không có chuyện giá thực phẩm tăng cao vì khan hiếm.

Còn theo Bộ Công Thương, liên quan đến kế hoạch cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 có diễn biến mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giao Vụ Thị trường trong nước đôn đốc, kiểm tra tại các địa phương, đảm bảo sự chủ động cung ứng đầy đủ hàng hóa trên toàn quốc, tại bất kỳ địa phương nào, ở bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ diễn biến nào của dịch bệnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các Vụ thị trường nước ngoài nghiên cứu, đánh giá thị trường trong năm 2020 để có thông tin cập nhật bổ sung kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương đang đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm mọi hành vi găm hàng, tích trữ tạo khan hiếm “ảo” nhằm đẩy giá lên cao để trục lợi.

Hệ thống thương mại nâng cao vai trò, trách nhiệm

Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ: NNPTNT, Công Thương, các DN kinh doanh đã rất chủ động trong việc dự trữ nguồn hàng, phục vụ nhu cầu của người dân, không để bất cứ người dân nào thiếu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong mùa dịch. Các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Đến nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retain (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart)… tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp 300% - 500% so với bình thường. Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỉ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Nhằm hiện thực hóa sứ mệnh “Làm cho cuộc sống của khách hàng dễ dàng hơn” để vượt qua dịch bệnh, Nguyễn Kim - một thành viên của Central Retail tại Việt Nam đã chính thức áp dụng chương trình “Nguyễn Kim bán hàng thiết yếu tăng tiện ích cho khách hàng”; qua đó tạo điều kiện thuận tiện cho khách hàng mua sắm các sản phẩm thiết yếu trong mùa dịch COVID-19, góp phần giảm áp lực cho hệ thông bán lẻ thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tâm lý người dân ngại đến chỗ đông người, ngại đi xa…, tại hệ thống siêu thị này, ngoài việc mua sắm các sản phẩm điện máy, công nghệ,  khách hàng còn dễ dàng tìm thấy các sản phẩm thiết yếu cho bản thân và gia đình, mua sắm an toàn trong mùa dịch COVID-19, toàn bộ nguồn được bán với giá bình ổn, không tăng giá” - Bà Phương khẳng định.

Tập đoàn BRG Retail, tập đoàn này đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống siêu thị và cửa hàng bao gồm HaproMart, Hapro Food, FujiMart, Intimex, Seika Mart… triển khai cung ứng đầy đủ các sản phẩm hàng hóa thiết yếu tới người dân với mức giá không đổi.

“Đặc biệt, với 13 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của TP.Hà Nội gồm gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến sẽ được chuẩn bị với nguồn cung dồi dào, giá bình ổn” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị Hapro khẳng định.

* Hơn 1 tháng nay, tôi mua hàng trực tuyến để hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Hệ thống bán lẻ của các tập đoàn lớn như BRG Retail, Centrala Retail... cũng phát triển và đẩy mạnh việc mua sắm qua mạng thông qua các công cụ như fanpage, email … và giao hàng tại nhà. Các món ăn được chế biến sẵn có nguyên liệu tươi ngon, chế biến hợp khẩu vị và đẹp mắt, số lượng hợp lý tùy theo số thành viên gia đình, nên mua thực phẩm chế biến qua mạng cũng là việc nên làm để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 lúc này.

(Đinh Ngọc Linh-cán bộ Ngân hàng Techcombank)

* Vụ Đông Xuân 2020, sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc, dự kiến kết thúc thu hoạch trước 30.6.2020. Trong đó: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long:  10,8 triệu tấn. Vùng Đông Nam Bộ: 0,5 triệu tấn.Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Ước đạt 2,0 triệu tấn. Vùng Bắc Trung Bộ: Khoảng 2,2 triệu tấn. Vùng Trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng: Khoảng 4,7 triệu tấn.

Vụ Hè Thu, sản lượng ước đạt 11,0 triệu tấn thóc; dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15.6 - 30.9.2020.

Vụ Thu Đông tại các tỉnh vùng ĐBSCL, sản lượng ước đạt 4,2 triệu tấn thóc, diện tích gieo cấy dự kiến 750 nghìn hécta; dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15.9 - 15.11.2020.

Vụ Mùa, sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn thóc; dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15.9-31.12.2020. (Nguồn: Bộ NNPTNT)

Phong Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Hà Nội: Người dân không cần mua, tích trữ lương thực thực phẩm

Nguyễn Hà |

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định người dân không cần mua, tích trữ lương thực thực phẩm giữa dịch COVID-19.

Thủ tướng: Phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực

THEO CHINHPHU.VN |

“Theo tôi, phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ”, Thủ tướng nói và cho biết, sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối.

Đạt năng suất vàng, không lo thiếu lương thực

LỤC TÙNG |

Dù thiên tai, hạn mặn, dịch bệnh... gay gắt đã, đang và sẽ tiếp tục đe dọa trên diện rộng, nhưng nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, vụ lúa đông xuân 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vượt khó, đạt năng suất “vàng” ngay giữa mùa hạn mặn lên đỉnh.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Chủ tịch Hà Nội: Người dân không cần mua, tích trữ lương thực thực phẩm

Nguyễn Hà |

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định người dân không cần mua, tích trữ lương thực thực phẩm giữa dịch COVID-19.

Thủ tướng: Phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực

THEO CHINHPHU.VN |

“Theo tôi, phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ”, Thủ tướng nói và cho biết, sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối.

Đạt năng suất vàng, không lo thiếu lương thực

LỤC TÙNG |

Dù thiên tai, hạn mặn, dịch bệnh... gay gắt đã, đang và sẽ tiếp tục đe dọa trên diện rộng, nhưng nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, vụ lúa đông xuân 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vượt khó, đạt năng suất “vàng” ngay giữa mùa hạn mặn lên đỉnh.