Nhà em Đinh Hợi (học lớp 9) ở làng Đắk Pót, xã Krong cách trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Krong chừng hơn 10 cây số. Muốn đến trường, Hợi phải đi bộ qua nhiều con dốc cao dựng đứng. Đường xa, cuộc sống còn khó khăn nên các em học sinh như Đinh Hợi đều muốn nghỉ học để lên nương rẫy phụ cha mẹ mưu sinh.
Mới đây, nghe tin nhà trường ngưng chế độ hỗ trợ gạo, sinh hoạt dành cho lớp bán trú, Hợi và nhiều em khác buồn lòng, không muốn đến trường. Trong căn nhà bốn bên lợp tấm ván mỏng, không có đồ đạc gì giá trị, em Đinh Hợi cho biết: “Nhà em ở xa, bố mẹ không có điều kiện cho con đi học. Nếu bị cắt chế độ bán trú, em sẽ không có tiền đi học trở lại”.
Tiếng trống năm học mới đã vang lên, nhưng nhiều phòng lớp của nhà trường vẫn trống vắng học sinh. Có những lớp, học sinh ngồi vào bàn học lèo tèo 5-7 em, thầy cô giáo vẫn đứng lớp giảng bài.
Nghị định 116 của Chính phủ về việc hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn đã góp phần tích cực trong việc duy trì sĩ số cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông nơi vùng sâu. Tuy nhiên, bước vào năm học mới 2021-2022 này, nhiều xã sau khi được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới, rất nhiều học sinh không còn được thụ hưởng chính sách này.
Theo ông Phan Danh - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Krong, huyện Kbang, điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với các trường phổ thông trên địa bàn trong việc duy trì sĩ số. Bởi thực tế, mức sống và điều kiện của người dân ở các thôn buôn vẫn chưa được nâng cao, cải thiện, việc chi trả tiền ăn uống, học tập trở nên quá sức đối với họ.
Theo thầy Danh, năm nào cũng vậy, các thầy cô giáo phải lội bộ vào từng bản làng, thôn buôn ở sâu trong núi rừng để vận động các em học sinh trở lại lớp. Việc các em bị cắt chế độ, thầy cô giáo lo lắng sẽ khiến các em bỏ học. Như vậy, nỗ lực cố gắng của các thầy cô “gieo” chữ cho các em trong nhiều năm qua sẽ đổ xuống sông xuống biển.
“Khi tôi và giáo viên đi vận động thì phụ huynh cho hay, họ rất khó khi đưa con em đến trường được. Người ta vẫn mong muốn là có chế độ nào đó để nhà trường nuôi như những năm trước” - thầy Danh nói.
Theo thống kê, năm học mới 2021-2022, toàn huyện Kbang có đến 558 học sinh các trường bán trú không còn nhận gạo hỗ trợ.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Y Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, Gia Lai - nói rằng: “Huyện cũng đã đề xuất, kiến nghị lên cấp trên tạo nguồn kinh phí hợp lý để đảm bảo cho việc dạy và học của các em. Đồng thời, huyện cũng nghiên cứu hỗ trợ các nguồn để đảm bảo đời sống trong thời gian tới”.