Khách sạn, resort tình nguyện đón khách cách ly

Cường Ngô - Anh Nhàn |

Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, chính quyền TP.Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành đã huy động hàng chục khách sạn, resort làm nơi cách ly phòng chống dịch. Việc huy động các khách sạn làm nơi cách ly được tiến hành sau khi các địa phương này đã có nhiều ca mắc virus SARS-CoV-2.

Tình nguyện làm nơi cách ly

“Trong thời gian tới, thành phố có thể đón 20.000 người Việt Nam từ nước ngoài về. Hiện có 18 khách sạn tại Hà Nội đã sẵn sàng tiếp nhận người cách ly tập trung tự nguyện chi trả phí” - ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - cho biết, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 chiều 20.3.

Hanoi Emerald Waters Hotel là một trong những khách sạn được chọn làm nơi cách ly tự nguyện. Đây là khách sạn đạt chuẩn 4 sao, nằm trên phố Lý Thái Tổ (cách hồ Hoàn Kiếm 100 mét) - nơi được đánh giá khu đất “kim cương” của thành phố Hà Nội.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel cho Lao Động biết, việc tự nguyện làm khu lưu trú cách ly này là nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng với mong muốn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng.

“Hiện Chính phủ đang thiếu trầm trọng những nơi để cách ly, đặc biệt là Việt kiều từ nước ngoài về nước tránh dịch. Họ có tiêu chuẩn rất cao, sẵn sàng chi trả cho cơ sở cách ly với điều kiện tốt nhất có thể. Chính vì vậy, tôi đồng ý cho chính quyền địa phương sử dụng 3 khách sạn của mình (ở các địa chỉ 23 Lò Sũ, 38 Lò Sũ và 35 Hàng Quạt) là nơi thực hiện cách ly tự nguyện. Ba khách sạn này có 100 phòng và có thể phục vụ nhu cầu cho 250 người” - bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, khách sạn này sẽ sử dụng cho những người xét nghiệm lần 1 âm tính với COVID-19. Những người này sẽ cách ly tại khách sạn đủ 14 ngày để làm xét nghiệm lần 2, 3, 4. “Không chỉ chuỗi khách sạn của tôi mà nhiều khách sạn khác trên địa bàn thủ đô cũng đăng ký làm nơi cách ly. Nếu 100 khách sạn đăng ký thì có thể đáp ứng ở tối thiểu 2.000, tối đa 3.000 người. Đó làm việc làm rất thiết thực, chung tay cùng cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19” - bà Hằng chia sẻ.

Khách sạn Hoà Bình (đường Lý Thuờng Kiệt, quận Hoàn Kiếm) cũng được lựa chọn làm nơi cách ly tự nguyện. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Dũng Sỹ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội - đơn vị quản lý khách sạn Hoà Bình cho biết, hiện tại khách sạn đang tiếp nhận một số người nước ngoài cách ly tự nguyện tại đây.

Ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, những người này phải được ngành Y tế sàng lọc, cách ly và có kết quả lần đầu âm tính. Nhân viên các khách sạn được chọn nhận người cách ly phải được cách ly và tuân thủ quy trình phòng dịch của ngành Y tế như phun thuốc khử trùng, vật dụng đồ ăn sử dụng 1 lần; phải đeo găng tay, không được tiếp xúc với người cách ly.

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, hiện có 7 khách sạn, resort tại huyện Cần Giờ đủ điều kiện và sẵn sàng đón khách đến cách ly tập trung, có khả năng đáp ứng khoảng 342 trường hợp cần cách ly, bao gồm: Resort Cần Giờ, khách sạn Mangove, khách sạn Thái Dương, khách sạn Tân Thái Dương, khách sạn Tâm Tâm, khách sạn Khánh Vân 1 và resort Phương Nam.

Tính đến ngày 22.3, huyện Cần Giờ tiếp nhận 122 trường hợp đang cách ly tập trung tại các khách sạn trên địa bàn. Trước đó, Sở Du lịch đã phối hợp Sở Y tế và UBND huyện Cần Giờ tập huấn 7 khách sạn, resort nói trên nhằm phục vụ việc cách ly người nước ngoài và người Việt Nam từ các nước có dịch nhập cảnh vào Việt Nam, lưu trú theo hình thức có trả phí.

Theo Sở Du lịch TPHCM, mỗi khách sạn, resort có một mức giá phòng, suất ăn riêng. Nếu người cách ly có nhu cầu ăn theo thực đơn của khách sạn thì khách sạn phục vụ, nếu muốn ăn theo suất ăn tiêu chuẩn của nhà nước thì Saigon Co.op sẽ phục vụ. Lực lượng chức năng sẽ thông tin giá suất ăn, chi phí lưu trú tại khách sạn với những người có nhu cầu.

Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết: Việc triển khai đăng ký cách ly có trả phí cũng như quyết định đối tượng lưu trú tại các cơ sở cách ly sẽ do lực lượng y tế xác định dựa trên tình trạng sức khỏe của khách. Theo đó, người từ nước ngoài về không được quyền chọn chỗ cách ly trong các khách sạn, resort mà sẽ thông tin về nhu cầu cách ly của mình đến nhân viên y tế ngay tại sân bay. Sau đó, tùy theo sức khỏe của hành khách mà lực lượng y tế sẽ quyết định điều chuyển vào khu cách ly tập trung hay cách ly theo hình thức có trả phí.

Cách ly tự nguyện ở khách sạn: Cách làm hay, giảm áp lực ngân sách

Với việc hàng loạt khách sạn, resort đăng ký trở thành nơi lưu trú cho người cách ly, những người thuộc diện buộc cách ly phải đóng phí để lựa chọn các cơ sở này - nhiều chuyên gia, doanh nhân cho rằng, đây cũng là cách làm hay, nhằm giảm áp lực cho ngân sách.

Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Cao Bảo - thành viên HĐQT Tập đoàn FPT -cho biết, rất ủng hộ cách làm này của Chính phủ. Bởi, ông biết nhiều người ở nước ngoài về, rất có điều kiện và có nguyện vọng chia sẻ với nhà nước. Nếu có dịch vụ tốt hơn, họ sẵn sàng trả tiền.

Theo ông Bảo, nhiều người từ nước ngoài trở về (đã xét nghiệm âm tính lần 1) có hai nhóm cơ bản là nhóm doanh nhân và du học sinh. Đối với nhóm doanh nhân, họ vẫn phải điều hành công ty, lo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Nếu cách ly họ ở những khu vực tập trung như doanh trại quân đội - mục tiêu thuần tuý để chống dịch thì sẽ không phù hợp. “Họ không thể giao dịch với đối tác, bàn công việc làm ăn ở trong phòng cách ly tập trung 12 người được. Nhóm người này mà không được làm việc trong 14 ngày sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội” - ông Bảo nói.

Nhóm thứ hai là du học sinh, nhiều người mặc dù không phải đến trường nhưng vẫn có kế hoạch học online, nhất là sinh viên năm cuối phải làm đồ án tốt nghiệp. Họ không thể học tập được trong môi trường đông người, chưa kể giờ giấc của những người này chéo nhau.

“Cách ly khách sạn vẫn đảm bảo được công tác chống được dịch, đồng thời giúp cho một nhóm người vận hành, hoàn thành tốt công việc, tránh khủng hoảng kinh tế. Hiện nay, Chính phủ đang tìm mọi biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì đây là cách hỗ trợ dễ nhất trong các loại hỗ trợ và giảm gánh nặng ngân sách nhà nước” - ông Bảo nói và nhận định, ngân sách nhà nước cần tập trung cho bác sĩ, bệnh viện, mua thiết bị y tế, bảo hộ, phòng hộ…. còn rất nhiều việc phải lo.

Khi thực hiện cách ly tự nguyện ở khách sạn, ông Bảo lưu ý là cần tập huấn nhân viên từ nhân viên phục vụ khách sạn đến những người lao công tại cơ sở du lịch. Công an phường và dân phòng chịu trách nhiệm gác vòng ngoài để đảm bảo không có người ra vào, cách ly tuyệt đối trong khách sạn.

Người bên trong khách sạn chỉ nhận khách cách ly, không được nhận khách lưu trú. Những người cách ly phải ở trong phòng, có thể ra hành lang cho thoải mái, song không đi xuống thang máy hoặc nơi công cộng. Người nhà tiếp tế phải qua công an, hoặc nhân viên khách sạn.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, dùng khách sạn, resort làm nơi cách ly, cái được lớn nhất, chắc chắn là về mặt kinh tế; giảm áp lực cho các điểm cách ly tập trung.

Bởi, theo PGS-TS Ngô Trí Long, nếu số lượng người bị cách ly tăng theo cấp số nhân hằng ngày, ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ “vỡ trận”. “Hà Nội mỗi ngày chu cấp 100.000 đồng/người; 2.000 người là 200 triệu đồng; 20.000 người là 2 tỉ đồng, nhân 14 ngày là 28 tỉ đồng. Nếu số người tăng lên hàng chục, hàng trăm nghìn thì ngân sách Hà Nội không thể “gánh” mãi được” - ông Long nêu quan điểm.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cách ly y tế tập trung tại khách sạn 

Ngày 20.3, Bộ Y tế đã ra quyết định 1246/QĐ-BYT ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng chống dịch COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Thùy Linh

Đà Nẵng hợp đồng với 4 khách sạn phục vụ cách ly người nước ngoài

Ông Phạm Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho biết, trước khi có chỉ thị của Bộ Y tế, Đà Nẵng đã chủ động có hợp đồng thoả thuận với 4 khách sạn lớn trên địa bàn thành phố về việc tiếp nhận những người nước ngoài nằm trong diện cách ly như đến, đi về từ vùng có dịch, tiếp xúc gần với những trường hợp xác định mắc COVID-19.

Tuy nhiên, dựa trên văn bản chỉ đạo mới đây, UBND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu Sở Du lịch tiếp tục làm việc với các cơ sở lưu trú về việc hợp tác đón người thuộc diện cách ly, có trả chi phí.

Được biết hiện nay Đà Nẵng đang có 1 khách sạn tại quận Sơn trà được chỉ định làm nơi cách ly dành cho người nước ngoài hoàn toàn miễn phí. Nhiều khách sạn khác trên địa bàn thành phố cũng đã có đơn đăng ký tự nguyện cho thành phố mượn cơ sở vật chất với hàng trăm phòng để làm cơ sở cách ly. Thuỳ Trang

Cường Ngô - Anh Nhàn
TIN LIÊN QUAN

Mới nhất dịch COVID-19: Dùng thuốc sốt rét ngừa COVID-19 rất nguy hiểm

Văn Thắng - Ngọc Anh |

Uống 15 viên thuốc sốt rét chống dịch COVID-19 người đàn ông ngộ độc thuốc; Cảnh báo của bác sỹ về việc tự ý uống thuốc sốt rét ngừa COVID-19 có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, WHO cảnh báo COVID-19 không "miễn nhiễm" với người trẻ,.... là những tin chính trong Bản tin Sức khỏe đặc biệt về dịch bệnh do COVID-19.

Thêm 7 ca nhiễm mới trong tối 22.3, số bệnh nhân COVID-19 lên 113

Thuỳ Linh |

21h45 phút ngày 22.3, Bộ Y tế công bố thêm 7 ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2. Các ca bệnh được đánh số từ 107- 113.

Dịch COVID-19 đến 22h ngày 22.3: Việt Nam thêm 19 ca nhiễm mới trong 1 ngày

Phương Anh |

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 22h ngày 22.3, trên thế giới đã có 312.083 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (COVID-19) và tổng số trường hợp tử vong lên đến con số 13.199.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Mới nhất dịch COVID-19: Dùng thuốc sốt rét ngừa COVID-19 rất nguy hiểm

Văn Thắng - Ngọc Anh |

Uống 15 viên thuốc sốt rét chống dịch COVID-19 người đàn ông ngộ độc thuốc; Cảnh báo của bác sỹ về việc tự ý uống thuốc sốt rét ngừa COVID-19 có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, WHO cảnh báo COVID-19 không "miễn nhiễm" với người trẻ,.... là những tin chính trong Bản tin Sức khỏe đặc biệt về dịch bệnh do COVID-19.

Thêm 7 ca nhiễm mới trong tối 22.3, số bệnh nhân COVID-19 lên 113

Thuỳ Linh |

21h45 phút ngày 22.3, Bộ Y tế công bố thêm 7 ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2. Các ca bệnh được đánh số từ 107- 113.

Dịch COVID-19 đến 22h ngày 22.3: Việt Nam thêm 19 ca nhiễm mới trong 1 ngày

Phương Anh |

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 22h ngày 22.3, trên thế giới đã có 312.083 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (COVID-19) và tổng số trường hợp tử vong lên đến con số 13.199.