Ngày 10.11, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Kiên Giang tổ chức kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) đã thảo luận và thống nhất biểu quyết thông qua 14 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách (HĐND tỉnh) năm 2018 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết phân cấp về quản lý tài sản công chưa phân cấp đối với mua sắm hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết mới cũng nhằm làm rõ, cụ thể hơn về việc phân cấp thẩm quyền mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Do đó, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết quy định phân cấp thẩm quyền quản lý tài sản công; mua sắm tài sản hàng hóa, dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Kiên Giang là cần thiết, phù hợp với quy định hiện hành.
Ông Mai Văn Huỳnh – Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Đây là nghị quyết quan trọng, là cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là Nghị quyết quy định phân cấp thẩm quyền quản lý tài sản công, mua sắm tài sản hàng hóa, dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Kiên Giang.
“Theo dự thảo Nghị quyết mới, trong đó có phân cấp thẩm quyền mua sắm hàng hóa là thuốc điều trị bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Khi Nghị quyết được thông qua, sẽ khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đây là vấn đề mà các bệnh viện, cơ sở y tế, người dân rất mong chờ”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Để tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua, ông Mai Văn Huỳnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện. Đề nghị Thường trực, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, đảm bảo việc tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thời gian qua, địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Lý giải nguyên nhân vấn đề này, Sở Y tế cho biết, theo quy định danh mục mua sắm và thanh toán bảo hiểm y tế được dựa vào phân tuyến kỹ thuật, phân hạng bệnh viện, mô hình bệnh tật và khả năng triển khai kỹ thuật của đơn vị đó. Do đó, cơ sở y tế tuyến xã không thể có đầy đủ thuốc và vật tư y tế như tuyến huyện và của tuyến huyện không đầy đủ như tuyến tỉnh.
Ngoài ra, quy trình tổ chức mua sắm (đấu thầu) phức tạp, thường kéo dài và phải qua nhiều công đoạn. Có khi trong lúc đang tổ chức thực hiện quy trình đấu thầu thì văn bản mới phát hành, phải hủy bỏ các bước thực hiện trước đó và thực hiện lại nên mất nhiều thời gian.
Theo ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã có nhiều cuộc họp xử lý, tuy nhiên có lúc xảy ra thiếu cục bộ thuốc, vật tư y tế thiết yếu. Nguyên nhân chính là do một số quy định về công tác mua sắm thay đổi, các gói thầu đang thực hiện nhưng chưa được phê duyệt phải điều chỉnh lại thủ tục làm mất nhiều thời gian, nhất là việc khảo sát giá; công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với cơ sở y tế thiếu chặt chẽ.