Những áp lực với ngành y tế
Tại buổi gặp gỡ Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ngày 5.8, bác sĩ Nguyễn Huỳnh Lộc - Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, gắn bó với ngành y nhiều năm, chia sẻ chân thành về góc nhìn của mình khi nhiều đồng nghiệp lao đao với nghề trong giai đoạn này.
“Có thể thấy, trong đại dịch COVID-19 anh em nhân viên y tế làm việc quên mình vì trách nhiệm cũng vì cái tâm với nghề mà không từ nan. Nhiều khi chúng tôi đi biền biệt, người thân mất cũng không về được để giúp đỡ. Đi qua dịch, nhìn lại chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. Thậm chí, có nhiều anh chị em y tế không muốn nhắc sâu đến công việc sợ sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Đi làm việc ai cũng muốn mình ít nhất cũng thu nhập ổn định để chăm sóc gia đình, nhưng làm ngành y là 24/24h gắn bó với bệnh nhân, áp lực đa chiều mà đổi lại lương rất thấp”, bác sĩ Lộc bộc bạch.
Chính vì những áp lực lớn hiện nay, từ đầu năm 2022 đến nay, TPHCM có 891 nhân viên y tế nghỉ việc. Số người làm việc tính đến cuối năm 2021 là 42.914 người (công lập), hiện nay là 42.608 người, chênh lệch 306 người vì có số nghỉ và số tuyển mới.
“Với 306 người tưởng ít nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các đơn vị khám chữa bệnh cho người dân hiện nay. Bởi những người nghỉ việc là người có thâm niên làm việc, kinh nghiệm, còn người mới thì vừa tốt nghiệp nên cần có thời gian đào tạo dài hạn để làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành y tế đã xuất hiện thêm nguy cơ mới, rất đáng lo ngại. Đó là xuất hiện tâm trạng lo lắng kéo dài của nhân viên y tế. Trước đây, nhân viên y tế gặp nhau rất vui nhưng giờ ai cũng lo lắng”, ông Thượng chia sẻ.
6 nguyên nhân chính khiến nhân viên y tế nghỉ việc
Bà Đỗ Thị Tân - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận 1 TPHCM gắn bó với tuyến y tế cơ sở nhiều năm nay. Chỉ còn 1 năm nữa về hưu, bà Tân vẫn luôn đau đáu về những vấn đề bất cập và khó khăn của các trạm đang mắc phải.
“Bao năm qua chúng tôi làm việc thầm lặng, chỉ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tuyến y tế cơ sở mới được biết đến và nhìn nhận đúng vài trò quan trọng của chúng tôi. So với thời điểm năm tôi về làm việc Trung tâm Y tế quận 1, công việc hiện tại so với những quận khác thì nặng hơn rất nhiều. Từ năm 2007, chúng tôi không có địa điểm làm việc, phải đi mượn địa điểm để tiếp nhận người dân đến khám. Từ công tác điều trị, chăm sóc, dự phòng với 29 danh mục kỹ thuật như: Bệnh lao, HIV, tiêm chủng… chúng tôi đều kiêm nhiệm hết, vất vả nên những bác sĩ, y sĩ trụ được lại đa phần vì tình thương với nghề”, bà Đỗ Thị Tân chia sẻ.
Lắng nghe ý kiến và những chia sẻ của nhân viên y tế tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ: “Riêng vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt, tôi có đọc một khảo sát từ 500 bác sĩ, ghi nhận 6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất là lương thấp. Thứ hai là không hài lòng với môi trường làm việc (chiếm 57%). Thứ ba là cường độ làm việc quá cao. Thứ tư là không có cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề. Thứ năm, có 38% người khảo sát cho biết nghỉ việc vì không hài lòng với giám đốc. Và cuối cùng vì không hài lòng với người quản lý trực tiếp của mình”.
Bí thư Thành ủy dẫn chứng, một trường hợp ông từng hỏi thăm là bác sĩ tham gia chống dịch, hiện công tác tại trạm y tế ở TPHCM. Bác sĩ này tâm sự phải làm việc cả thứ bảy và chủ nhật, rất vất vả nhưng không có thêm lương. Gia đình các bạn của bác sĩ này khá giả nên họ tự đi học thêm để lấy các chứng chỉ khác, trong khi nhân viên y tế ông Nên nhắc tới... không có điều kiện.
“Vấn đề đặt ra, câu chuyện đó có phải sự thật không, có phổ biến không. Tôi không tin rằng chỉ vì lương thấp có thể khiến bác sĩ bỏ việc hoặc bỏ công ra tư. Tôi cũng không tin chỉ vì một sự không hài lòng nào đó khiến nhân viên y tế nản lòng. Nhưng tôi tin nếu tất cả vấn đề trên cùng dồn nén ở một nơi, sẽ tạo ra được câu chuyện trên”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, mọi việc ngành y tế TPHCM làm đều trên cơ sở có lợi cho dân, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm với nhân dân, thay vì suy nghĩ phải làm theo chỉ đạo.
Hy vọng trong thời gia tới, TPHCM tiếp tục có những chính sách và kiến nghị để lực lượng y bác sĩ được cải thiện môi trường làm việc, thu nhập và cả những chính sách về hoạt động khám chữa bệnh.