Trao đổi với Báo Lao Động, PGS-TS Nguyễn Hồng Thái – Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho rằng, việc phát triển hãng vận tải hàng không vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp nhằm phát triển lĩnh vực vận tải hàng hoá bằng đường hàng không.
Theo ông Thái, với những ngành nghề sản xuất kinh doanh mà Nhà nước không cấm, các doanh nghiệp đều có quyền đăng ký tham gia và các cơ quan quản lý Nhà nước phải có nghĩa vụ ủng hộ, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.
Hiện Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất đi các nước như Thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, hàng điện tử và cả nông thổ sản… cần thời gian nhanh đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Cùng đó, với lợi thế kinh doanh đa dạng của mình doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần IPP Air Cargo chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. Đây là lĩnh vực mà chúng ta đang bỏ ngỏ, nếu chậm triển khai có thể sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
“Việc thành lập hãng hàng không vận tải hàng hoá chỉ là ngành kinh doanh có điều kiện chứ không phải không được phép” - PGS-TS Nguyễn Hồng Thái cho hay.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới việc vận tải hàng hóa bằng đường hàng không sẽ đem lại nguồn doanh thu trợ lực lớn cho các hãng bay. Đại diện Vietnam Airlines - ông Lê Hồng Hà cho biết, hãng này đã nghiên cứu khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt từ cách đây 4 năm. Tuy nhiên, việc tổ chức hãng hàng không hàng hóa cần đảm bảo quy mô đủ lớn (gồm đội tàu bay, mạng bay) để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới và đội bay đủ lớn mới có thể mang lại hiệu quả.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia về hàng không) cho rằng việc các tàu bay phải tháo ghế để chở hàng hoá trong dịch COVID-19 chỉ là giải pháp tạm thời. Để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá, Việt Nam phải sớm xây dựng hãng vận tải hàng hoá bằng đường hàng không. Theo ông Tống, để mở một hãng hàng không mất rất nhiều thời gian chứ không phải “một sớm – một chiều”, nên việc cấp phép bay cho IPP Air Cargo càng sớm càng tốt.
Các chuyên gia cho rằng, việc IPP Air Cargo đẩy nhanh tiến độ gia nhập thị trường hàng không vận tải hàng hóa đã khiến các hãng hàng không nội địa đang phải cân nhắc điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Hiện vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam tuy chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng khối lượng, nhưng chiếm đến 25 - 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước do đây đều hàng có giá trị cao.
Việc kinh doanh vận tải hàng không bao gồm hai hình thức kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung. Trong đó, kinh doanh vận chuyển hàng không là việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi bằng đường hàng không nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh hàng không chung là hoạt động hàng không chung nhằm mục đích sinh lợi bằng tàu bay trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ theo quy định tại Điều 21 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Theo đó, để kinh doanh vận tải hàng không, doanh nghiệp phải có Giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung khi đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định theo quy định của pháp luật.
Dịch COVID-19 đã tác động bất lợi đến kinh tế toàn cầu, nhưng cũng là cơ hội cho các ngành nghề mới phát triển. Nhu cầu thuê máy bay theo chuyến chở hàng tăng vọt, dẫn tới chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu tăng theo, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế.
Để có thể sớm đưa hãng vận tải hàng không chuyên biệt vào hoạt động, IPP Air Cargo đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Boeing về việc đặt mua 10 tàu bay B10 B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỉ USD. Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á.