Huyền thoại “sói độc” và bè tre chở quân trang vượt biển khơi

Quang Đại - Trần Lâm |

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, bên cạnh những chuyến xe quân đội nối dài chở vũ khí, quân trang và những chuyến tàu không số chi viện cho miền Nam, ít ai ngờ có một đội quân vận tải biển do những ngư dân chân chất xã vùng Sầm Sơn (Thanh Hóa) dùng thuyền tre chở hàng nghìn tấn vũ khí, quân trang vượt biển từ Bắc vào Nam, góp phần làm nên chiến thắng. Những ngư dân Thanh Hóa đầu trần, chân đất, bằng ý chí và lòng yêu nước tuyệt vời, đã viết nên huyền thoại về cuộc chiến  tranh nhân dân.

“Sói độc” tung hoành giữa biển khơi     

Biển Sầm Sơn, cuối năm, sóng yên lặng và nước trong xanh. Ven bờ, những ngôi nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại thi nhau vươn mình lên cao. Thế hệ trẻ sinh sau chiến tranh không thể ngờ rằng, nơi đây từng là chiến trường khốc liệt, bom đạn cày nát tất cả và cướp mạng người như cơm bữa.

Dẫn chúng tôi đi dọc bờ cát trắng, mái tóc chớm bạc lòa xòa trong gió, ông Vũ Như Định (TP. Sầm Sơn) bồi hồi nhớ về những kỷ niệm về người cha anh hùng, ông Vũ Như Choáng, người được mệnh danh là “sói độc” (vì thường xuyên làm những việc mạo hiểm một mình) của vùng Sầm Sơn, đã sống một đời ngang dọc trên biển cả.

 
Ông Vũ Như Định - con trai "sói độc" Vũ Như Choáng. Ảnh: Q.Đ

Trong ký ức của ông Định và những người con, ông Vũ Như Choáng là người có sức khỏe phi thường, vô cùng thông thạo đường biển, có thể tính được con nước, biết được sự biến động của thời tiết. Đã nhiều lần, thuyền bị đắm, hầu hết các thuyền viên đều tử nạn, chỉ có mình ông bơi thoát vào bờ. Có lần, ông bị trôi dạt vào tận Nghệ An, cách hàng trăm cây số. Vì vậy, chỉ có ông mới dám một mình lênh đênh trên biển, với con thuyền nhỏ, ra tận Hải Phòng đánh hàng về bán, rồi chở muối vào tận Nghệ An để buôn bán. Hồi đó, những năm 60-70 của thế kỷ trước, đường bộ vô cùng khó khăn, hiểm trở, lại thêm nạn mãi lộ, nên các tuyến buôn bán, giao thương trên bộ hầu như thua lỗ, phá sản. Ông Choáng, với sự can đảm và thông thạo luồng lạch đường thủy, đã tự mở ra “con đường tơ lụa” trên biển để buôn bán, thu lãi rất lớn. Ông Choáng trở thành “đại gia” so với mức sống của bà con đương thời, đủ sức lo cho đàn con 8 đứa san sát tuổi nhau (6 gái, 2 trai).

Năm 1965, chiến tranh chống Mỹ nổ ra ngày càng ác liệt, vùng biển quê ông Choáng trở thành bãi chiến trường. Đêm đêm, tiếng pháo rít qua đầu, tiếng bom đạn rền vang. Các đơn vị bộ đội tên lửa, pháo binh kéo về biển Sầm Sơn bố trí trận địa để bảo vệ cầu Hàm Rồng chiến lược. Lúc đó, nhu cầu vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang chi viện cho miền Nam ngày càng trở nên cấp bách. Chi phí vận chuyển bằng đường bộ rất lớn, thường xuyên ách tắc, hao tổn nhiều xương máu.

“Lúc đó, nhà nước kêu gọi người dân, ai có phương tiện gì như xe thồ, thuyền bè…thì giúp nhà nước, quân đội vận chuyển vũ khí, quân trang chi viện cho miền Nam. Bố tôi là người đầu tiên hưởng ứng” – bà Vũ Thị Tờ (TP. Sầm Sơn) – con gái ông Vũ Như Choáng nhớ lại.

 
Thuyền nan Thanh Hoá trong chiến trang chống Mỹ. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, việc vận chuyển bằng đường thủy cũng vô cùng khó khăn. Các cửa sông, cửa biển, dọc các tuyến giao thông thủy vào miền Nam đặc kín ngư lôi, thủy lôi, bom từ trường…Chỉ cần tàu thuyền có một mảnh sắt, cái đinh đi qua, thì lập tức bị bom tung lên trời, xé nát thành từng mảnh. Lại thêm máy bay ngày đêm quần đảo, dọi đèn, bắn pháo sáng, pháo từ Hạm đội 7 bắn cấp tập ngày đêm. “Cái khó ló cái khôn”, ông Vũ Như Choáng nghĩ đến phương án làm bè tre, sử dụng “công nghệ” truyền thống, tuyệt đối không dùng đinh, dây sắt để vượt qua trận địa thủy lôi, bom từ trường.

Từ kinh nghiệm bản thân và bằng các mối quan hệ một thời buôn bán, ông Choáng ngược ngàn lên vùng núi Lang Chánh, chọn mua tre, luồng loại bánh tẻ, không non không già, về chẻ ra, rồi vót kỹ, ngâm nước. Tre ngâm đủ thời gian 6 tháng thì vớt lên, rửa sạch, dùng sợi mây tết, kết thành bè. Chỗ nào thanh tre ngắn thì phải nối, hết sức tỉ mỉ. Đan thuyền xong, sử dụng lớp vữa trát bằng hắc ín trộn với vỏ sò, ốc xay nhuyễn, nhưng sau đó thay bằng xi măng vì khả năng chịu lực tốt hơn. Trên thuyền có cột buồm, dây kéo, mái chèo và các phụ kiện.

Thuyền làm xong, ông Choáng chất lên đó lương thực, lu nước sạch, rồi dắt cả vợ con, dong buồm ra Hải Phòng để nhận hàng quân nhu. Hàng được giao ban đêm, bộ đội chuyển lên từ một con tàu neo giữa lòng sông, rồi giao tờ giấy ghi số lượng hàng và kí hiệu nơi tập kết. Nhiệm vụ của ông Choáng là đưa số hàng giao tận tay đơn vị tiếp nhận tại Bến Thủy (Nghệ An) hoặc Quảng Bình, Quảng Trị.

Con thuyền tre chiều dài dăm mét, chiều rộng vài mét nhưng chở được khoảng 4 tấn hàng, tương đương một xe tải hạng vừa. Khi đi, thuyền không, thuận gió nên nhanh, nhẹ nhàng, nhưng chặng đường chở hàng về mới thiên nan vạn nan. Thuyền chỉ được đi vào ban đêm, ban ngày thì ngụy trang như một lùm cây. Khi có gió thì căng buồm, thuyền trôi bập bềnh trên sóng, khi không có gió thì phải chèo, hoặc đẩy, kéo dây, vô cùng cực nhọc. “Nhiều lúc thấy cha gò lưng kéo thuyền, tôi thấy thương vô cùng và tự hỏi tại sao cha phải làm thế?” - bà Vũ Thị Tờ bồi hồi.

 
Thuyền nan Đoàn vận tải Lam Sơn của ngư dân Thanh Hoá phục vụ chiến trường miền Nam. Ảnh: T.L

Ký ức kinh hoàng

Tuổi trẻ ngây thơ, đem câu hỏi trên hỏi cha, bà Vũ Thị Tờ nhận được câu trả lời: “Nếu không thế thì làm sao giải phóng đất nước, giành được độc lập hả con”. Sau này bà Tờ mới thấm thía, chính lòng yêu nước từ máu thịt, đã trở thành động lực giúp cha mình, và những người cùng thời, tự giác góp công vào cuộc kháng chiến, dù vô cùng gian khổ, hiểm nguy.

“Lúc đó người chết dễ lắm, đơn giản lắm, nên không ai sợ chết. Như gia đình tôi, đã lên thuyền đi chở hàng cho bộ đội, là coi như không xác định ngày trở về”, ông Vũ Như Định cười khi nhớ về thuở thiếu thời theo cha lênh đênh trên những chuyến thuyền tre vượt biển.

 
Bà Nguyễn Thị Thứ - em gái Lý trưởng mến tài ông Vũ Như Choáng mà làm bạn đời, theo ông không sót chuyến vận tải nguy hiểm nào vào tuyến lửa. Ảnh: X.H

Cụ Choáng đưa vợ con theo, với quan niệm đơn giản là có chết thì cùng chết, con cái khỏi chịu cảnh mồ côi. Mặt khác, cho dù có ở nhà thì cũng không an toàn vì bom đạn đầy trời, mà trẻ con không biết gửi cho ai. Nên mới 6-7 tuổi, ông Định đã theo cha lên thuyền. Em ông Định, ông Vũ Như Đạt, sinh sau 3 năm, cũng đồng hành. Các chị gái của ông Định, dù đang đi học, cũng trở thành những “dân công hỏa tuyến” bất đắc dĩ.

Ở cái tuổi U60, ông Định không thể quên được những ngày tháng lênh đênh trên biển khơi, đối mặt với những trận say sóng liên miên không có hồi kết thúc. Kinh hoàng hơn là sự tù túng trên không gian chật hẹp, và sự thiếu thốn, đói khát, khổ sở vì thiếu cơm, đặc biệt là thiếu nước ngọt để tắm, rửa. Cả tháng trời lênh đênh trên biển, phải dùng nước biển để tắm rửa, da cứ mốc lên, ngứa ngáy vô cùng, nhưng thương nhất là con gái, phụ nữ cùng chung cảnh ngộ. Cả gia đình chỉ có một chum nước nhỏ, chỉ được phép dùng dè sẻn cho ăn, uống. Thức ăn chính là khoai trộn muối vừng, cơm chỉ có trong bữa liên hoan mừng thành công chuyến đi.

Để tránh bom từ trường, không những thuyền không có được một mảnh sắt, mà toàn bộ vật dụng cá nhân của gia đình, tuyệt đối không có đồ sắt, kể cả cây kim may vá cũng không được mang theo. Nhờ vậy mà nhiều năm vượt qua các bãi ngư lôi dày đặc, gia đình ông Choáng vẫn an toàn. Trong khi rất nhiều thuyền bị nổ, tất cả thuyền viên đều tử nạn.

Tuy nhiên, vẫn có lần thuyền ông Choáng bị vướng thủy lôi, nổ tung. Lúc ấy vào năm 1969, thuyền ông Choáng đã chất đầy hàng, chuyển từ xã Quảng Tiến xuống bến Làng Chiều thì bất ngờ bị nổ tung. Trên thuyền lúc đó có 3 cha con. Ông Choáng ôm con trai nhỏ là Vũ Như Đạt cố bơi vào bờ, còn ông Định thì đã có thể bơi thành thạo. “Lúc đó cha tôi giục: Bơi nhanh lên con. Tôi nhìn sang thấy máu loang đỏ mặt biển, biết là cha đã bị thương. Tôi hoảng loạn, mất tinh thần nhưng vẫn cố bơi vào bờ”.

Với sức khỏe phi thường, ông Choáng vẫn cố bơi vào bờ, đẩy con trai 6 tuổi lên cát rồi mới lịm đi. Lúc đó dân quân chạy xuống, đưa ông Choáng đi cấp cứu và đưa 2 đứa trẻ lên. Ông Choáng bị mảnh thủy lôi cứa vào vùng sau lưng, bị thương nặng. Với bản lĩnh của “sói độc”, bình phục ông lại tiếp tục cùng vợ con chở hàng cho bộ đội.

Hợp tác xã “Thuyền nan chống Mỹ”

Sau những chuyến đi mở đường của ông Choáng thành công, nhiều ngư dân ở xã Quảng Cư (Sầm Sơn) cũng đóng thuyền đi theo. Số lượng thuyền tre tăng lên dần, dẫn tới sự ra đời 2 hợp tác xã vận tải: Minh Thanh và Tiến Hưng. Minh Thanh của ngư dân xã Quảng Cư, và Tiến Hưng của xã Quảng Tiến.

Những người đương thời vẫn nhắc nhớ về các ngư dân Sầm Sơn – thành viên HTX “Thuyền nan chống Mỹ” năm nào: ông Nguyễn Văn Khéo, Nguyễn Văn Mỵ, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Lỗ, Nguyễn Văn  Ất, Nguyễn Văn Ca, Nguyễn Văn Thao, Nguyễn Văn Bài, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Hỷ, Nguyễn Thế Lam, Nguyễn Tuấn Toán…

Cụ Nguyễn Văn Khéo, thành viên đầu tiên của HTX “Thuyền nan chống Mỹ” xã Quảng Tiến. Ảnh: Việt Đông
Cụ Nguyễn Văn Khéo (trái) và ông Nguyễn Văn Ca - những thành viên đầu tiên của HTX “Thuyền nan chống Mỹ” xã Quảng Tiến. Ảnh: Việt Đông

Thuyền tre cũng được cải tiến, tăng sức chở từ 4 - 5 tấn lên đến 20 tấn. Đó là trọng tải ở mức kinh hoàng vào thời điểm đó, chi phí rất thấp, an toàn và hiệu quả cao hơn rất nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ.

Từ 1965 cho đến sau năm 1970, ông Choáng cùng với các thành viên HTX “Thuyền nan chống Mỹ” đã vận chuyển thành công hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, quân nhu chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bằng sức khỏe, sự quả cảm và tài trí phi thường, những ngư dân chân đất xứ Thanh đã chiến thắng những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của quân đội Mỹ như máy bay, tàu chiến, ngư lôi, thủy lôi…góp phần làm nên chiến thắng.

Trong hành trình vạn dặm biển khơi, mồ hôi, máu của họ đã hòa vào nước biển. Nhiều thuyền trúng thủy lôi, pháo kích, bom rơi, thân thể các ngư dân hòa vào nước biển mênh mông, vĩnh viễn không trở về với gia đình, quê hương.

Hòa bình lập lại, ông Choáng cùng các ngư dân từ bỏ thuyền tre, trở về với thuyền gỗ quen thuộc, tiếp tục hành trình buôn bán ngược xuôi trong cuộc mưu sinh, không biết, không nghĩ đến, và không bao giờ đòi hỏi chế độ, sự tri ân hay tôn vinh gì cho bản thân.

“Sói độc” Vũ Như Choáng và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Ảnh: Việt Đông
“Sói độc” Vũ Như Choáng và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Ảnh: Việt Đông

Sau khi ông Choáng qua đời nhiều năm, vào năm 1998, Nhà nước đã ghi công ông bà với 2 tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhì, vì “đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Một số bạn bè ông, thành viên HTX “Thuyền nan chống Mỹ” cũng được Nhà nước tôn vinh.

Dù đã mấy chục năm trôi qua, ông Vũ Như Định vẫn nhớ như in hình dạng, kết cấu của chiếc bè tre huyền thoại một thời. “Tôi có thể vẽ, thiết kế lại chiếc thuyền tre chống Mỹ mà cha tôi và các ông, các bác đã dùng để chở quân trang vào Nam”, ông Định nói như đinh đóng cột khi chúng tôi đề cập việc phục dựng chiếc thuyền tre huyền thoại.

Ông Định, và những người cùng thời, mong muốn phục dựng chiếc thuyền tre đã một thời tung hoành khói lửa, cùng với chiếc bè mảng nhỏ bé của ngư dân Lương Viết Lợi ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã chinh phục đại dương vào năm 1993, để thế hệ sau ghi nhớ, tự hào về tài trí, dũng khí của cha ông.

Cùng với những con thuyền nan của ngư dân, từ năm 1965, các tuyến đường bộ, đường sắt và đường biển bị địch đánh phá ác liệt. Trước tình hình đó, tháng 5.1965, Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thành lập Công ty Vận tải Thuyền nan chống Mỹ mang tên Đoàn vận tải Lam Sơn. Phương tiện vận tải này vừa nhỏ, dễ cất giấu, dễ ngụy trang để qua mắt địch lại rất thuận lợi trong việc di chuyển trên những con sông nhỏ. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, nhiều công trình sản xuất đan lát thuyền nan được mở dọc con sông  Mã, sông Chu và cửa biển Lạch Hới - Sầm Sơn. Trong vòng 2 tháng đầu tiên, trên 5 nghìn chiếc thuyền nan được hoàn thành, gấp rút hạ bến và bắt đầu thực hiện sứ mệnh của mình.

Những chiếc thuyền nan nhỏ bé của ngư dân Sầm Sơn và của đoàn vân tải Lam Sơn đã thực hiện một sứ mệnh lịch sử, vượt qua hàng rào thủy lôi và bom từ trường, kịp thời tiếp vận cho tuyến lửa. Đây là một phương án vận chuyển rất táo bạo nhưng cũng hết sức sáng tạo trong nghệ thuật Chiến tranh Nhân dân Việt Nam. Nó cho thấy tinh thần đoàn kết cũng như ý chí chiến đấu kiên trung bền bỉ của quân và dân ta.

Quang Đại - Trần Lâm
TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá cảm ơn Báo Lao Động

Xuân Hùng |

Chiều 31.12, tại buổi họp báo cuối năm 2019, ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã trực tiếp cảm ơn Báo Lao Động đã có cách làm hay trong công tác tuyên truyền trên địa bàn.

Một ngày về với “con gà đẻ trứng vàng” tỉnh Thanh

HẢI ĐĂNG |

Nghi Sơn. Những khu công nghiệp hạ tầng hiện đại, những nhà máy, cột ống khói vươn cao tận trời xanh, những dự án liên tục được xây mới, mở rộng… đang vẽ nên diện mạo một khu công nghiệp nặng hàng đầu miền Trung, và thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” của Thanh Hóa.

Bè tre Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương: Ngư dân huyền thoại giờ ra sao?

XUÂN HÙNG |

Cách đây 26 năm chiếc bè mảng nhỏ bé của ngư dân Lương Viết Lợi ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã chinh phục đại dương. Khi ấy anh là người hùng còn bây giờ anh đang chật vật với cuộc sống hàng ngày.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá cảm ơn Báo Lao Động

Xuân Hùng |

Chiều 31.12, tại buổi họp báo cuối năm 2019, ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã trực tiếp cảm ơn Báo Lao Động đã có cách làm hay trong công tác tuyên truyền trên địa bàn.

Một ngày về với “con gà đẻ trứng vàng” tỉnh Thanh

HẢI ĐĂNG |

Nghi Sơn. Những khu công nghiệp hạ tầng hiện đại, những nhà máy, cột ống khói vươn cao tận trời xanh, những dự án liên tục được xây mới, mở rộng… đang vẽ nên diện mạo một khu công nghiệp nặng hàng đầu miền Trung, và thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” của Thanh Hóa.

Bè tre Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương: Ngư dân huyền thoại giờ ra sao?

XUÂN HÙNG |

Cách đây 26 năm chiếc bè mảng nhỏ bé của ngư dân Lương Viết Lợi ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã chinh phục đại dương. Khi ấy anh là người hùng còn bây giờ anh đang chật vật với cuộc sống hàng ngày.