Thu ngân sách giảm mạnh
Thị xã Điện Bàn là một trong 4 địa phương tự cân đối ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay, cùng với TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, huyện Núi Thành. Thời gian gần đây, việc “tự chủ” ngân sách của thị xã này liên tục gặp khó, hụt thu.
Năm 2023, thị xã có 7/14 chỉ tiêu thu không đạt dự toán, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn hơn 2.685 tỉ đồng, không đạt chỉ tiêu 2023, bằng 96,77% số thu năm 2022. Trong đó, thu nội địa khoảng 2.162 tỉ đồng (hụt thu hơn 205 tỉ đồng).
Theo UBND thị xã Điện Bàn, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình bất động sản trên địa bàn tỉnh nói chung và thị xã nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều dự án đầu tư khai thác quỹ đất gần như ngừng triển khai, tình hình mua bán, chuyển nhượng bất động sản đóng băng dẫn đến nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2023 hụt thu rất lớn (hụt thu hơn 457 tỉ đồng).
Tình hình thu ngân sách của Điện Bàn tiếp tục giảm mạnh, qua gần 6 tháng đầu năm nay đạt chưa tới 30% cả năm.
Đáng chú ý, nửa cuối tháng 6.2024, nhà máy bia Heineken Việt Nam - Chi nhánh Quảng Nam đã thông báo tạm dừng hoạt động, sẽ khiến thị xã Điện Bàn hụt thu lớn từ nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt này (khoảng 212 tỉ đồng).
Theo số liệu thống kê mới nhất (tính đến ngày 20.6.2024), tổng thu NSNN trên địa bàn khoảng 901 tỉ đồng, chỉ đạt 26,18% dự toán và bằng 81,38% so với cùng kỳ. Dự báo đến cuối năm 2024, ngân sách Điện Bàn sẽ hụt thu trong cân đối ngân sách khoảng 879 tỉ đồng.
Xin xây mới tượng đài 88,5 tỉ đồng liệu có hợp lý?
Trong bối cảnh liên tục hụt thu, việc thị xã Điện Bàn xin chủ trương của tỉnh để triển khai dự án nâng cấp tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc, tổng kinh phí hơn 88,5 tỉ đồng (từ ngân sách thị xã) gây xôn xao dư luận.
Trả lời Báo Lao động, họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng - tác giả của tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc (cũ), cũng là người được mời tham gia dự án nâng cấp tượng đài này - cho biết, tên là dự án nâng cấp, nhưng thực tế là phải xây dựng mới hoàn toàn tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc.
Một người con quê Điện Bàn hiện ở TP.HCM chia sẻ với PV Lao Động: “Theo tôi, việc xây dựng 1 công trình mang ý nghĩa lịch sử ở Điện Bàn là việc nên làm, để giáo dục truyền thống anh hùng cho thế hệ trẻ sau này. Tuy nhiên, bao nhiêu tiền để xây dựng công trình là việc cần phải cân nhắc, cân đối cho phù hợp với ngân sách thị xã mình”.
Tương tự, ông Huỳnh Nga - người dân phường Điện Ngọc, nơi xây dựng tượng đài - cho rằng, cần làm như thế nào để có sự tiết kiệm, dành tiền hỗ trợ cho các gia đình chính sách, Thương binh Liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ngược lại, ông Trần Hương (phường Điện Ngọc) bày tỏ sự đồng tình, cho rằng việc trùng tu, xây dựng lại Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc là xứng đáng.
“Ngày trước đây, tượng đài cũ xây dựng khi kinh tế còn khó khăn. Bây giờ, đất nước phát triển rồi thì chúng ta xây dựng lại khang trang hơn, để cho con cháu biết được ngày xưa ông ta đã phải hy sinh, chiến đấu dũng cảm như thế nào mới có được ngày hôm nay” - ông Hương nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã yêu cầu thị xã Điện Bàn giải trình, làm rõ tính khả thi, phù hợp của dự án xây dựng mới tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc, tổ chức lấy ý kiến dân, báo cáo tỉnh xem xét.