Tốn hàng chục tỉ đồng tiền in vé
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, hiện nay, phần lớn việc thanh toán tiền vé đi xe buýt theo hình thức thủ công: Xé vé - trả tiền. Theo ước tính sơ bộ, cộng cả chi phí in vé và quản lý phát hành thì mỗi năm tốn hàng chục tỉ đồng tiền vé. Chưa kể, do chỉ có các mệnh giá cố định nên chính sách về giá vé không được linh hoạt, không thể phân chia theo giờ, đối tượng ưu tiên. Mặt khác, do bán vé thủ công nên không thể thống kê, phân tích dữ liệu người đi xe buýt để xây dựng các luồng tuyến, biểu đồ phù hợp, khai thác hiệu quả.
Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết do đặc thù đường sắt đô thị được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau nên công nghệ thu phí cũng bị ràng buộc theo nhà tài trợ. Theo quy hoạch, TPHCM sẽ có 8 tuyến metro kết nối nội đô với ngoại đô, 3 tuyến tramway (xe điện mặt đất) và monorail (tàu điện một ray) chưa kể xe buýt nhanh (BRT) và xe buýt. Điều đáng nói, mỗi tuyến, mỗi loại hình lại sử dụng công nghệ thanh toán khác nhau nên hành khách cần phải có nhiều thẻ và phải nạp rất nhiều tiền để sử dụng từng loại phương tiện công cộng. Do đó, TPHCM cần phải tính đến chuyện chỉ cần 1 thẻ nhưng có thể đi được nhiều tuyến để thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, việc tích hợp thẻ hiện gặp nhiều khó khăn như định dạng dữ liệu, kết nối máy chủ; cơ cấu giá vé chưa thống nhất, xe buýt thu đồng giá còn tàu điện ngầm thu theo khoảng cách…
Theo Sở GTVT TPHCM, từ tháng 3.2019, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM phối hợp với một số nhà đầu tư triển khai thí điểm thanh toán tự động trên 353 phương tiện của 18 tuyến xe buýt. Đến nay đã có hơn 10.000 thẻ được phát hành. Bình quân một chuyến xe buýt trong đề án thí điểm thì có 5% hành khách sử dụng thanh toán tự động.
Ngoài các tuyến buýt đang được thí điểm thanh toán tự động trên, hệ thống thu phí tự động (hệ thống AFC) của tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đã được triển khai đầu tư và hệ thống AFC của tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) đang trong giai đoạn chuẩn bị đấu thầu. Bên cạnh đó, hệ thống AFC tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (thuộc dự án Phát triển giao thông xanh) đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật.
Dùng 1 thẻ đi đủ loại tàu xe công cộng
Theo ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, hiện hệ thống thanh toán tự động mới chỉ triển khai ở 18/96 tuyến xe buýt (đạt tỉ lệ 19%). Do đó, khi hành khách có nhu cầu đi liên tuyến vẫn phải sử dụng thẻ vé điện tử và tiền mặt. Đây là mặt khó khăn trong việc thu hút hành khách sử dụng thẻ điện tử.
Trong giai đoạn hiện nay, trung tâm công cộng phối hợp với các đơn vị thực hiện thí điểm triển khai các chương trình thu hút hành khách sử dụng như phối hợp với các trường đại học phát hành thẻ tại trường; tổ chức các chương trình quảng bá thu hút hành khách quan tâm sử dụng thẻ; phát hành thẻ trực tiếp trên xe buýt, khuyến mãi cho hành khách khi sử dụng vé điện tử,...
Ông Lê Hoàn cho biết, trung tâm được Sở GTVT giao nhiệm vụ phối hợp với tư vấn xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống vé thông minh cho giao thông công cộng toàn TPHCM. Sau khi được UBND TPHCM phê duyệt, trung tâm sẽ có cơ sở triển khai hệ thống thanh toán tự động cho toàn bộ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thành phố đã được cơ quan lãnh sự Anh tài trợ khoản kinh phí không hoàn lại để xây dựng khung tiêu chuẩn thẻ vé giao thông công cộng. Sau khi có khung tiêu chuẩn, ngành giao thông TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu hệ thống thanh toán, tiến tới thẻ vé điện tử trong tương lai để thanh toán được các loại hình giao thông công cộng, từ tàu điện ngầm, tàu điện trên cao đến xe buýt...