Ngày 16.10, ông Đỗ Xuân Phú - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế cho biết, đơn vị vừa có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với toàn thể lao động hợp đồng không xác định thời hạn vì lý do tài chính.
Cụ thể, Trường ĐH Nghệ thuật vừa có văn bản thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với 23 cán bộ là giảng viên, nhân viên hợp đồng không xác định thời hạn (trong đó có 2 người tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc).
Điều này khiến nhiều người rất lo lắng và bức xúc. Ông Hồ Triều (52 tuổi, bảo vệ trường) đã hơn 20 năm làm việc ở trường, bây giờ có quyết định trên nên rất lo lắng cho cuộc sống sau này, nhất là khi mà tuổi ông đã cao.
Một giảng viên Khoa Hội họa của trường cho biết, đã mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để đi học thạc sĩ ở Thái Lan với hi vọng sau này sẽ gắn bó lâu dài với trường, tuy nhiên vừa học xong thì bị thông báo chấm dứt hợp đồng.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Đỗ Xuân Phú cho biết, nhiều năm qua, Trường Đại học Nghệ thuật tuyển sinh không đủ chỉ tiêu đầu vào khiến nguồn thu gặp nhiều khó khăn.
Năm 2017, trường tuyển sinh được 59 sinh viên; năm 2018 tuyển được 46 sinh viên; còn năm học 2019, toàn trường chỉ tuyển được 47 sinh viên trong hai đợt.
Hiện, toàn bộ nhân sự của trường là 101 người/ 240 sinh viên. Trong đó, nhiều khoa số lượng giảng viên đông hơn cả sinh viên. Đơn cử như Khoa Hội họa chỉ có 9 sinh viên/13 giảng viên; Khoa Điêu khắc có 3 sinh viên/5 giảng viên.

Mỗi năm nhà trường được cấp 6,5 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, cộng thêm khoảng hơn 2 tỉ từ nguồn thu của hơn 240 sinh viên đang học tại trường là 8,5 tỉ.
Trong đó, riêng việc trả lương cho cán bộ công chức của nhà trường mỗi năm khoảng hơn 8 tỉ đồng. Chưa kể lương cho lao động hợp đồng và các khoản khác khiến nhà trường âm hàng trăm triệu mỗi năm.
"Trước những khó khăn đó, trường đã có văn bản gửi ĐH Huế với nội dung xin mượn quỹ lương của biên chế để tạm chi trả cho người hợp đồng lao động. Nhưng ĐH Huế trả lời rằng, mọi khoản đã nằm trong quy định, quy trình rồi nên không thể rút tiền cho giáo viên hợp đồng mượn được" - ông Phú thông tin.
Cuối cùng, nhà trường họp với lãnh đạo các đơn vị và thống nhất việc cắt giảm này. Để giải quyết vấn đề trên, trước mắt ông Phú nói sẽ thỏa thuận với các giảng viên biên chế mượn số tiền giảng dạy ngoài giờ của họ để trả lương còn nợ cho 21 cán bộ vừa bị cắt hợp đồng. Số cán bộ hợp đồng này sẽ tiếp tục được hưởng các chính sách theo quy định của luật lao động cho đến ngày việc chấm dứt hợp đồng có hiệu lực.
"Tuy nhiên, 23 người trong đợt chấm dứt hợp đồng lao động này, nhà trường sẽ tái ký hợp đồng lao động đối với một số người như bảo vệ, tạp vụ... Đồng thời, một số khoa giáo viên nhiều hơn học sinh, nên việc chấm dứt hợp đồng đối những trường hợp này cũng không ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy" - ông Phú nói.
Việc khó khăn tài chính của nhà trường diễn ra nhiều năm nay. Đại học Huế trước đó cũng có chủ trương gộp một số trường, khoa trực thuộc ĐH Huế lại với nhau. Nhưng theo ông Phú, Đại học Nghệ thuật mang tính đặc thù nên việc sáp nhập này rất khó khăn, đồng thời nếu sát nhập thì trường sẽ là gánh nặng cho các khoa khác.
“Thời gian tới nhà trường sẽ tăng cường tuyển sinh. Theo quy định khi không có nguồn tuyển sinh thì trường sẽ giải thể” - ông Phú nói.