Ngày 12.11, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đã thông tin về kết quả sử dụng các ứng dụng công nghệ kiểm soát phòng dịch trong trận bóng đá giữa tuyển Việt Nam - Nhật Bản trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào tối qua.
C06 cho hay, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ kiểm soát dịch qua thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử tại sự kiện cùng lúc có số người tham dự với quy mô lớn.
Theo C06, trong tổng số 12.000 khán giả vào sân Mỹ Đình tối qua (11.11) đã có hơn 50% khán giả được xác thực bằng ứng dụng kiểm soát phòng dịch trên thẻ thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.
Theo quy định của Ban tổ chức trận đấu, để đảm bảo an toàn về phòng dịch, khán giả vào sân bắt buộc phải khai báo y tế, có chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, giấy xác nhận âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi trận đấu diễn ra.
Với phương pháp kiểm soát tuân thủ quy định phòng dịch bằng các ứng dụng do C06 phát triển, người hâm mộ vào sân chỉ cần thẻ căn cước công dân đã tích hợp các thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm là có thể đáp ứng được điều kiện của VFF khi vào sân.
Kết quả phân tích trên hệ thống cho thấy, có 3.200 khán giả sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp thông tin về mũi tiêm và test COVID-19 chỉ mất 2,5-3 giây để đi qua cửa kiểm soát phòng dịch. Số khán giả còn lại sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp mũi tiêm và mang theo giấy xét nghiệm COVID-19 mất thời gian khoảng 30 giây.
Trong khi đó, các khán giả sử dụng loại giấy tờ khác thì thời gian để kiểm tra, đi qua cổng khoảng 1 phút.
Bên cạnh đó, C06 cũng cho biết, trong sự kiện thể thao đêm qua, vẫn còn nhiều người dân chưa chấp hành nghiêm túc quy định về phòng dịch. Trong đó đã có hàng trăm người có vé nhưng không thể vào sân Mỹ Đình do chưa tiêm đủ mũi hoặc không có giấy xét nghiệm COVID-19.
Đáng chú ý, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện một nhóm dựng lều test nhanh để bán giấy xét nghiệm cho người hâm mộ với giá 200.000 đồng.
Theo đánh giá của C06, việc áp dụng công nghệ bằng thiết bị quét mã QR trên thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và ứng dụng VNEID, không chỉ rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn đáp ứng tối đa các yêu cầu, quy định về phòng dịch.
“Qua sự kiện này là minh chứng để người dân thay đổi thói quen sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, thích ứng an toàn với các sinh hoạt hàng ngày trong điều kiện sống chung với COVID-19”, một lãnh đạo thuộc Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, C06 cho hay.