Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh có hơn 409.000 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó hơn 3.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 26.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tình hình tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra; những nguy cơ tiềm ẩn của không gian mạng làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại Kiên Giang được các cấp ủy đảng, chính quyền, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được đảm bảo các quyền, được chăm sóc, học tập và vui chơi, giải trí lành mạnh trong môi trường an toàn, thân thiện. Qua đó, hạn chế tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, thương tích; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, giúp đỡ kịp thời.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang Đặng Hồng Sơn cho biết, bên cạnh những thuận lợi, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn còn một số khó khăn. Một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nguồn lực đầu tư cho công tác trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi cha mẹ; trẻ em ở nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí.
Mới đây, tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang Đặng Hồng Sơn cho rằng, các ngành, các cấp cần thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động xã hội nâng cao nhận thức về Luật Trẻ em. Triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về bảo vệ chăm sóc trẻ em; tuyên truyền Luật Trẻ em sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Tiếp tục vận động xã hội thực hiện phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp; mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội có một hành động thiết thực vì trẻ em. Tổ chức diễn đàn trẻ em để phát huy quyền tham gia của trẻ em, bày tỏ những nguyện vọng của mình đến các cơ quan, tổ chức lắng nghe, xem xét và giải quyết các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em” - ông Đặng Hồng Sơn nói.
Ngoài ra, tổ chức hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, giao lưu với nội dung bổ ích, phù hợp với trẻ em; các lớp hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho gia đình và trẻ em để phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em.