Học qua truyền hình, linh hoạt ôn thi

Đặng Chung - Phan Anh |

Để kịp thích ứng với việc học sinh phải nghỉ dài ngày vì dịch  bệnh COVID-19, các địa phương đã chủ động thay đổi phương thức học tập và ôn thi Trung học Phổ thông quốc gia cho học sinh. Học qua truyền hình, ôn thi online... là những cách được nhiều tỉnh, thành đang áp dụng.

Chuyển hướng dạy - học qua truyền hình

Sau 1 tháng nghỉ học do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ ngày 2.3, học sinh lớp 12 tại 60 tỉnh thành trên cả nước đã quay trở lại trường. Tuy nhiên, những ngày qua tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Việt Nam có thêm những ca nhiễm virus SARS- COV-2 mới. Học sinh trở lại trường trong tâm trạng lo lắng, nên nhiều địa phương đã ra quyết định cho học sinh nghỉ học sau 1 tuần trở lại trường.

Đặc biệt, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng biến với việc học sinh có thể phải nghỉ học dài ngày, các tỉnh thành đã linh động chuyển qua phương thức đào tạo từ xa. Bước đầu, đối tượng áp dụng phương thức đào tạo này là học sinh lớp 9, lớp 12, nhằm giúp các em chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi chuyển cấp.

Theo đó, từ 9.3, học sinh lớp 9 và 12 ở Hà Nội đã thực hiện học qua truyền hình.  Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - cho biết, theo chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội lên phương án, xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học qua truyền hình.

Cụ thể, sẽ có 12 môn học được phát sóng bắt đầu từ 9.3, mỗi môn học kéo dài trong 30 phút. Các bài giảng truyền hình là bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020, do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy. Mục đích thực hiện việc dạy học qua truyền hình là nhằm góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia 2020.

Những ngày qua, đúng 14h30, Nguyễn Quốc Hưng (học sinh lớp 12 trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bật sẵn tivi và chuẩn bị sách vở để học qua truyền hình. Được hỏi về cảm nhận khi trải nghiệm phương thức học mới trong mùa dịch, Hưng cho biết, tiết học rất thú vị. Giáo viên được lựa chọn dạy qua truyền hình đều là những thầy cô em nghe tiếng đã lâu mà chưa có cơ hội học tập. “Không chỉ giảng bài dễ hiểu, lôi cuốn, mà các giáo viên rất biết cách tương tác với học sinh thông qua việc giao bài tập. Em cũng có thể dễ dàng theo dõi lại các video bài giảng trên mạng xã hội, có thể học tập mọi lúc, mọi nơi” - Hưng  chia sẻ.

Không chỉ ở Hà Nội, thời gian học sinh nghỉ học phòng bệnh COVID-19, nhiều địa phương khác cũng kết hợp với các đài truyền hình để phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cũng như các chương trình vui mà học khác.  Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh phối hợp Đài truyền hình TP phát sóng chương trình ôn tập lớp 9 lúc 8h đến 11h từ thứ hai đến thứ sáu; lớp 12 lúc 14h đến 17h từ thứ hai đến thứ sáu trên kênh HTV Key.

Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long cũng thực hiện các tiết ôn tập phát trên THVL4 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh lớp 9 và 12 từ thứ hai đến thứ bảy, sáng từ 10h15-11h, chiều từ 13h đến 13h45.

An Giang cũng tổ chức chương trình ôn luyện cho học sinh lớp 9 và 12 lúc 10h và chiều là 15h mỗi ngày trên truyền hình. Trà Vinh, Nam Định, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hưng Yên và nhiều địa phương khác cũng đã thực hiện việc này, như một cách ứng phó trong tình hình dịch bệnh, vừa giúp học sinh ôn luyện kiến thức, vừa tránh lây lan dịch bệnh trong trường học.

Khi các thầy cô “hóa MC truyền hình”

Giàu kinh nghiệm dạy học nhưng chưa quen với ống kính, trường quay, nên để chuẩn bị cho mỗi tiết học, ôn thi qua  truyền hình là sự nỗ lực, hy sinh rất lớn của mỗi người thầy.

Chiều 11.3, khi có mặt tại trường quay của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, dù hơn 14h mới đến lịch lên sóng, nhưng thầy cô đã có mặt từ rất sớm, ăn trưa qua loa để dành thời gian “tập làm MC”. Vì sự nỗ lực đó mà tiết học qua truyền hình dù không có bảng đen phấn trắng, dù không có gương mặt học trò trong lớp, nhưng vẫn vô cùng sinh động. Đứng trước máy quay, giáo viên có đủ cách để tương tác, biến tiết học thành những game (trò chơi) thú vị.

Để chuẩn bị giáo án cho tiết học, cô Lê Thị Thu (giáo viên môn Lịch sử trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành) và nhiều giáo viên khác đã làm việc theo nhóm, cùng chia sẻ với nhau những kinh nghiệm để làm sao nói lưu loát như MC truyền hình. Công việc này tốn nhiều thời gian của giáo viên nhất.

“Khó khăn nhiều lắm, vì dạy học trên truyền hình khác so với môi trường dạy học ở trên lớp. Ví dụ không có sự tương tác trực tiếp giữa học sinh và thầy cô. Điều đó trước hết là ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên và cảm xúc của giáo viên. Nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nên cả thầy và trò sẽ cùng nỗ lực. Một trong những kinh nghiệm mà tôi rút ra sau những buổi dạy học qua truyền hình là hãy hình dung ra máy quay cũng như học sinh của mình” - cô Lê Thị Thu chia sẻ kinh nghiệm.

Còn với cô Phạm Thị Thanh Huyền (giáo viên Trường THPT Việt Đức, Hà Nội), dù tại trường cũng thường xuyên dạy bằng giáo án điện tử, nhưng vẫn khó tránh cảm giác run, hồi hộp khi đứng trước máy quay.

Sau khi soạn giáo án, cô và các giáo viên sẽ phải tập giảng, tập đứng trước máy quay sao cho tự nhiên nhất. Và những tin nhắn động viên của học trò qua mỗi tiết dạy chính là động lực để mỗi người thầy hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thời kỳ toàn dân ứng phó, chiến thắng dịch bệnh.

Theo đại diện Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong điều kiện nghỉ học do dịch COVID-19 quá dài và giải tỏa lo lắng của nhiều phụ huynh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho các em lớp 9 và 12.

Qua những ngày đầu tiên phát sóng, nhiều phụ huynh bày tỏ muốn có chương trình dạy học cho các lớp khác, tuy nhiên trước mắt những người làm chương trình chỉ đáp ứng được hai lớp 9 và 12. Để có được những tiết dạy học qua truyền hình, các êkíp sản xuất đã làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật, mỗi ngày quay từ 8 đến 12 tiết học. Các thầy, cô cũng sẵn sàng túc trực cùng với êkíp để có được những tiết học chất lượng phục vụ học sinh toàn thành phố.

Sẽ điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia nếu học sinh nghỉ dài ngày

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) - cho biết, lúc này vấn đề an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên phải ưu tiên hàng đầu.

Chúng ta còn quỹ thời gian để có thể điều chỉnh thời gian năm học cũng như thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, sẽ phải tính toán cụ thể dựa trên tình hình thực tế, cân đối kế hoạch, đảm bảo các nhà trường dạy và học hết chương trình của năm học 2019 - 2020 cũng như chuẩn bị cho năm học tới mà ít bị ảnh hưởng nhất. Theo ông Thành, quyết định điều chỉnh khung thời gian năm học mà bộ ban hành cuối tháng 2 vừa qua thì các mốc thời gian đều lùi lại 4 tuần. Tương ứng với thời điểm đó, học sinh cả nước nghỉ học 4 tuần và có thể kéo dài thêm một số tuần trong tháng 3.

Tuy nhiên, nếu xảy ra tình huống đầu tháng 4 dịch bệnh còn phức tạp, học sinh trở lại trường chưa thực sự an toàn, đồng nghĩa việc học tập gián đoạn quá 8 tuần, bộ tính đến phương án tiếp tục điều chỉnh thời gian năm học cho phù hợp với thực tế, trong đó thời điểm kết thúc năm học, thi THPT quốc gia là những mốc quan trọng nhất.

Các địa phương sẽ căn cứ vào thời gian học sinh trở lại trường, quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học của địa phương phù hợp, trong đó quyết định thời gian thi, tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh đầu cấp… cho các cơ sở giáo dục của địa phương, với nguyên tắc đảm bảo thời gian thực dạy - thực học của các nhà trường theo quy định. BÍCH HÀ

Cần sớm triển khai dạy học đại trà qua truyền hình

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, trước hết là dạy học qua truyền hình cho khối giáo dục phổ thông trước ngày học sinh đến trường đại trà.

Bản kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu rõ: “Hiện trong xã hội vẫn đang tồn tại song song 2 quan điểm trái ngược nhau là cần cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học vì tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng, trong khi trường học là nơi tập trung học sinh nên nguy cơ lây lan sẽ rất lớn. Như vậy, bài toán đặt ra đối với giáo dục Việt Nam hiện nay là cần sớm có được một giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến của dịch”.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị các địa phương cần sớm có kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, dạy học qua truyền hình, chứ không chỉ thực hiện ở một số địa phương như hiện nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị phương án tăng cường dạy học từ xa

Do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đề nghị Bộ GDĐT sớm có ý kiến về việc dạy học qua truyền hình, dạy học từ xa cho học sinh cả nước.

Thực hiện chỉ đạo này, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 mới nhất của Bộ GDĐT, Bộ trưởng  Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tăng cường hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục gắn với hoạt động dạy học theo hình thức từ xa đảm bảo nền nếp và chất lượng.

Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các trường sư phạm được giao nhiệm vụ hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai việc dạy và học từ xa một cách bài bản. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ lâu hơn do dịch, Bộ GDĐT sẽ chuẩn bị các phương án phù hợp.

Nhằm phục vụ cho việc dạy học online trên toàn quốc, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết đã xây dựng kho học liệu học trực tuyến trên olm.vn, với các bài giảng do giảng viên của trường biên soạn, bám sát theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường đang đề nghị Bộ GDĐT cho phép triển khai việc sử dụng trang học trực tuyến này trong việc dạy học qua mạng tại các trường phổ thông trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài kho học liệu với hàng nghìn bài giảng, nền tảng dạy học trực tuyến này còn có công cụ quản lý lớp học, cho phép giáo viên và nhà trường có thể dạy học trực tuyến, theo dõi, thống kê tiến trình học tập của các lớp và từng học sinh cụ thể.  Đặng Chung

Đặng Chung - Phan Anh
TIN LIÊN QUAN

Có thể tiếp tục lùi kỳ thi THPT quốc gia nếu học sinh nghỉ học kéo dài

Bích Hà |

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương đã cho học sinh trung học phổ thông tiếp tục nghỉ học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến phương án lùi thời gian thi Trung học phổ thông quốc gia nếu học sinh còn nghỉ học kéo dài.

Dạy học trực tuyến mùa COVID-19: Mẹ dạy học, con “oa oa” bên cạnh

Bảo Hân |

Mặc dù đã “lừa” cho con nhỏ ngủ trước khi dạy học trực tuyến cho sinh viên (nhằm phòng tránh dịch COVID-19), nhưng chị N.T.Q (giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội) không thể lường trước tình huống con tỉnh dậy giữa chừng và gào toáng lên đòi mẹ.

Dạy học trực tuyến được khuyến khích, nhưng không thể thay dạy trực tiếp

Đặng Chung |

Bên cạnh việc phòng dịch COVID-19, để kịp ứng phó với tình hình mới, nhiều trường đã cho học sinh chuyển sang hình thức học online. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành giáo dục, các trường đã dạy trực tuyến vẫn phải dạy bù để đảm bảo thời gian thực học.

Giả mạo công văn cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 bị xử phạt như nào?

Quế Chi |

Thời gian vừa qua, thông tin cho học sinh nghỉ học tiếp để phòng dịch COVID-19 hay đi học trở lại nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Lợi dụng điều này, một số tài khoản mạng xã hội đã đưa lên những văn bản giả mạo sở giáo dục và đào tạo một số địa phương cho học sinh nghỉ hết tháng 3.

Tăng cường dạy và học trực tuyến tại các tỉnh ở Tây Nguyên

BẢO TRUNG |

Trước tình hình học sinh ở khu vực Tây Nguyên và nhiều tỉnh thành trong cả nước được nghỉ học đến hết tháng 2.2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều phụ huynh ở khu vực Tây Nguyên đang có thắc mắc, liệu thời gian nghỉ kéo dài, học sinh có được nghỉ hè trong năm nay?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Có thể tiếp tục lùi kỳ thi THPT quốc gia nếu học sinh nghỉ học kéo dài

Bích Hà |

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương đã cho học sinh trung học phổ thông tiếp tục nghỉ học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến phương án lùi thời gian thi Trung học phổ thông quốc gia nếu học sinh còn nghỉ học kéo dài.

Dạy học trực tuyến mùa COVID-19: Mẹ dạy học, con “oa oa” bên cạnh

Bảo Hân |

Mặc dù đã “lừa” cho con nhỏ ngủ trước khi dạy học trực tuyến cho sinh viên (nhằm phòng tránh dịch COVID-19), nhưng chị N.T.Q (giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội) không thể lường trước tình huống con tỉnh dậy giữa chừng và gào toáng lên đòi mẹ.

Dạy học trực tuyến được khuyến khích, nhưng không thể thay dạy trực tiếp

Đặng Chung |

Bên cạnh việc phòng dịch COVID-19, để kịp ứng phó với tình hình mới, nhiều trường đã cho học sinh chuyển sang hình thức học online. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành giáo dục, các trường đã dạy trực tuyến vẫn phải dạy bù để đảm bảo thời gian thực học.

Giả mạo công văn cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 bị xử phạt như nào?

Quế Chi |

Thời gian vừa qua, thông tin cho học sinh nghỉ học tiếp để phòng dịch COVID-19 hay đi học trở lại nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Lợi dụng điều này, một số tài khoản mạng xã hội đã đưa lên những văn bản giả mạo sở giáo dục và đào tạo một số địa phương cho học sinh nghỉ hết tháng 3.

Tăng cường dạy và học trực tuyến tại các tỉnh ở Tây Nguyên

BẢO TRUNG |

Trước tình hình học sinh ở khu vực Tây Nguyên và nhiều tỉnh thành trong cả nước được nghỉ học đến hết tháng 2.2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều phụ huynh ở khu vực Tây Nguyên đang có thắc mắc, liệu thời gian nghỉ kéo dài, học sinh có được nghỉ hè trong năm nay?