Nguồn cung gián đoạn do khó khăn trong đấu thầu
Bộ Y tế và các bệnh viện nỗ lực tìm nguồn cung nhưng tình trạng thiếu thuốc, vật tư cục bộ chưa thể khắc phục triệt để khi số bệnh nhân tăng mạnh, trong lúc quy định đấu thầu còn nhiều vướng mắc.
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện hầu hết các thuốc thiết yếu cơ bản đã đảm bảo. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, sẽ không tránh khỏi một thời điểm nhất định thiếu các loại vật tư tiêu hao, thuốc mang tính chất cục bộ do nhiều yếu tố khách quan như đứt chuỗi cung ứng. Trong đó, một số vật tư tiêu hao, thuốc đã trúng thầu nhưng nhà thầu chưa cung ứng được do đứt chuỗi. Hoặc một số loại thuốc sản xuất trong nước nhưng không nhập khẩu được nguyên liệu.
Ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên - khẳng định: "Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Một số thuốc biệt dược, đặc biệt thuốc liên quan tới gây nghiện, gây mê, vừa rồi một số đơn vị chưa đấu thầu được do họ chưa nắm được nguyên tắc trong đấu thầu. Trong trường hợp những thuốc liên quan tới cấp cứu thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện theo hình thức chỉ định thầu (dưới 50 triệu đồng). Đồng thời, xây dựng các buổi đấu thầu cho 8 loại thầu theo quy định hiện hành, áp dụng các biện pháp phù hợp, đúng luật. Nắm bắt được quy định này, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã đảm bảo được các loại thuốc để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Đấu thầu cần phải có kế hoạch. Ví dụ tháng 5, 6 đã phải chuẩn bị danh mục để cuối năm đấu thầu”.
Tại Cần Thơ, địa phương đang từng bước gỡ khó thuốc, vật tư y tế, chế phẩm máu. Thông tin về vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho biết, sau đại dịch COVID-19, nguồn cung bị hạn chế, đồng thời nhiều bất cập trong quy định đấu thầu dẫn đến có khoảng thời gian một số các bệnh viện không cung cấp đủ thuốc cho người bệnh, phần nào ảnh hưởng việc đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT. Đến nay, cơ bản ngành Y tế Cần Thơ đã khắc phục được tình trạng này.
Hy vọng không gián đoạn mua sắm thuốc, vật tư y tế
Trao đổi với Lao Động ngày 21.12, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (ảnh) (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời trước cử tri và nhân dân rằng, việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ, phần đông các bệnh viện lớn đều đảm bảo đủ thuốc.
"Bộ trưởng đã khẳng định như thế, nếu sau này các bệnh viện đấu thầu khó, thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế thì Bộ Y tế và bản thân Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc này" - đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Dù vậy, theo đại biểu, hiện nay các bệnh viện vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Chính vì vậy, việc tổ chức đấu giá, đấu thầu để mua sắm trang thiết bị và thuốc men phục vụ cho bệnh nhân là điều hết sức cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, đến nay khi Luật Đấu thầu sắp có có hiệu lực (từ năm 2024) mà động thái ban hành các thông tư để các cơ sở y tế triển khai thực hiện chậm là do trách nhiệm của Bộ Y tế.
Đại biểu này đề nghị Bộ Y tế phải có trách nhiệm chung để đẩy nhanh tiến độ ban hành hướng dẫn cụ thể để các địa phương, các bệnh viện đấu thầu, đấu giá thuốc rõ ràng, cụ thể, hạn chế sai phạm.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - cho rằng, việc luật chuẩn bị có hiệu lực hoặc luật đã có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn là điều xảy ra rất nhiều năm, các đại biểu đã có ý kiến nhiều lần.
Theo đại biểu Việt Nga, để luật được thông qua có hiệu lực ngay, đi vào cuộc sống thì phải có văn bản hướng dẫn. Theo đại biểu, người dân rất trông chờ việc tháo gỡ điểm nghẽn trong Luật Đấu thầu.
* Ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Sắp tới cùng với các thông tư hướng dẫn thì chắc chắn là việc đấu thầu y tế sẽ được sẽ hiệu quả hơn. Theo đó, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 với 10 chương, 96 điều quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, đã bổ sung hàng loạt nội dung liên quan đến việc đấu thầu của ngành Y tế và dành riêng chương 5 cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
* Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Hà Đông Linh