15 ngày không bỏ lỡ “giai đoạn vàng”
Ngày 1.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16 yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc. Chính phủ xác định đây là “thời gian vàng” để hạn chế tối đa việc lây nhiễm.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, kể từ khi được triển khai, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo nên những hiệu quả rất tích cực. Số ca mắc COVID-19 vốn có xu hướng tăng nhanh theo ngày đã được chặn đứng và đi ngang ở mức rất thấp; cá biệt có giai đoạn 2 ngày mới ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Ông Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) đánh giá, khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã khiến các chỉ số di chuyển của xã hội hạ xuống tối đa, góp phần khoanh vùng, cắt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh.
Lan tỏa thông điệp “ở nhà là yêu nước”
15 ngày thực hiện cách ly xã hội, cuộc sống của người dân ít nhiều bị ảnh hưởng. Đơn giản như người dân phải tạm từ bỏ thói quen tập thể dục tại các công viên vào mỗi sáng sớm, lớn hơn là bị ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm... Nhưng trên hết, nửa tháng qua, hàng triệu người dân trên khắp cả nước đã đồng lòng, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích cá nhân để chung tay cùng Chính phủ.
“Mình là Hoa/Ở nhà không đi xa”, “Tôi là Hoàng/Tôi ở nhà thật “ngoan”; “Cháu tên là Minh/Ở nhà không đi linh tinh”, “Em là Bo/Ở nhà để không bị ho”... là những thông điệp được lan truyền trên mạng xã hội trong suốt 15 ngày cách ly xã hội.
Đặc biệt, để san sẻ khó khăn và góp phần lan tỏa thông điệp “ở nhà là yêu nước”, nhiều cá nhân, tổ chức đã quyết định miễn, giảm tiền phòng trọ cho sinh viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.
Các trường đại học cũng đồng loạt giảm học phí và có chính sách hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn khó khăn. Các cây “ATM gạo” xuất hiện ở nhiều nơi để phát miễn phí lương thực cho người nghèo. Các phong trào như “Nếu bạn cần hãy lấy 1 gói, nếu bạn ổn hãy nhường cho người khác” lan tỏa mạnh mẽ, hay phong trào “Triệu bữa cơm” cũng được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động và nhận được hưởng ứng của cộng đồng, để không người dân nào bị bỏ lại phía sau; đảm bảo người dân đều có đủ nhu yếu phẩm, lương thực sử dụng trong những ngày cả xã hội thực hiện giãn cách.
Biện pháp quan trọng ngăn chặn dịch bệnh lây lan
Theo đánh giá của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác khoanh vùng, giúp Việt Nam không bỏ lỡ “giai đoạn vàng” để phòng chống dịch.
“Nếu không thực hiện tốt việc này, thử hỏi nếu dịch bệnh lây lan ra cộng đồng thì tạo áp lực lên cơ quan y tế lớn đến mức nào trong việc điều trị? Chúng ta có nhiều bài học từ các nước trên thế giới, nhiều cường quốc lớn, có tiềm lực về kinh tế, nhưng khi số ca nhiễm tăng lên thì cũng gặp nhiều khó khăn để kiểm soát tốt dịch bệnh. Vì thế, cách tốt nhất là ngay từ đầu phải hạn chế, ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng và biện pháp giãn cách xã hội là rất cần thiết” - đại biểu Thúy nhấn mạnh.
“Nhưng dù thế nào thì người dân cũng không nên chủ quan và cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh như: Đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc cách nhau 2m, cấm tụ tập đông người, không tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội tập trung đông người. Việc này cần thực hiện cho đến khi hết dịch.
Các nơi vui chơi giải trí, phòng tập thể dục, thể thao vẫn chưa nên mở cửa trở lại. Các cơ sở sản xuất khác như dịch vụ sửa chữa, rửa xe máy, ôtô thì có thể hoạt động trở lại, nhưng vẫn phải thực hiện giãn cách. Ngoài việc tuyên truyền để người dân thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, thì Chính phủ cũng cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, không để nguồn lây xâm nhập qua đường nhập cảnh, ngăn chặn dịch từ các nước vào Việt Nam” - đại biểu Thúy đề xuất.