Hiệp sĩ giữa trùng dương

PHƯƠNG NAM |

Mưu sinh trên biển chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Với tinh thần hiệp nghĩa của người Việt từ ngàn xưa đến nay, trong hoạn nạn luôn xuất hiện những người hiệp sĩ xả thân vì người khác. Anh Võ Văn Thụ là một trong những hiệp sĩ như thế.

Ngày nay, dù phương tiện đánh bắt cùng các thiết bị thông tin ngày càng trang bị được hiện đại nhưng giông bão trên biển cũng dữ dội và cuồng nộ hơn. Tần suất các trận bão ngày càng dày đặc và cấp độ cũng tăng hơn, vượt tầm dự báo của con người...

Chúng tôi ghé nhà anh Võ Văn Thụ (khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) trong tiết trời sắc lạnh của ngày cận tết. Nhắc chuyện được tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt cứu hộ cứu nạn tàu Vietship 01 vào ngày 12/10/2020, anh chỉ cười hiền lành. Dáng người đậm chắc với làn da đặc trưng của dân xứ biển cùng với giọng nói to, khỏe và trầm ấm, anh từ tốn bảo: “Dân đi biển cứu nhau là chuyện thường như cơm bữa nhưng lần này mới được tôn vinh, khen thưởng. Sống trên đất liền đã thương quý nhau thì giữa mênh mông sóng nước, cái tình với nhau càng sâu đậm hơn”…

Thi ân bất cầu báo

Trong 12 ngư dân được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen ngợi và UBND tỉnh Quảng Trị khen thưởng, ngoài anh Võ Văn Thụ còn có con trai đầu của anh là Võ Văn Hưởng; Võ Văn Thức là cháu và Võ Văn Dũng là anh em con chú bác. Như vậy, trong dòng họ đã có 4 người.

Ngày 8.10.2020, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên địa bàn Quảng Trị diễn ra mưa lớn gây lũ. Trong thời gian này, tàu Vietship 01 đang hoạt động ở vùng biển cảng Cửa Việt bị ảnh hưởng lũ và sóng biển cao nên mắc cạn cách bờ gần 1km. Sau nhiều lần cố gắng triển khai các phương án để cho thuyền viên vào bờ bất thành, UBND tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị tin tưởng mời anh Võ Văn Thụ làm đội trưởng, cùng với anh Võ Văn Thức vận động những ngư dân có tay nghề cao xung phong cứu người trên biển.

Từ sáng đến tối ngày 9.10, nhóm ngư dân do anh Võ Văn Thụ tổ chức đã có mặt tại bờ biển gần điểm tàu bị nạn để cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Tất cả 12 ngư dân có kinh nghiệm, sức khỏe tốt tham gia đội cứu hộ, cứu nạn và bốn ngư dân khác chuẩn bị công tác hậu cần. Tuy nhiên, do sóng biển quá lớn nên việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Dù biết những nguy hiểm sẽ đến khi chống chọi với những đợt sóng dữ để ứng cứu các thuyền viên gặp nạn trên tàu Vietship 01 nhưng những ngư dân quả cảm, giàu nghĩa tình luôn sẵn sàng lao mình ra phía trước.

Anh Võ Văn Thụ hỗ trợ rất nhiều vụ cứu nạn, cứu hộ qua điện thoại.
Anh Võ Văn Thụ hỗ trợ rất nhiều vụ cứu nạn, cứu hộ qua điện thoại.

Không phải đến sự cố tàu Vietship 01 mắc cạn mà anh Võ Văn Thụ và Võ Văn Thức mới tổ chức cứu hộ, mà mấy chục năm nay các anh em của anh đã tổ chức cho bà con ngư dân cứu hộ rất nhiều tàu thuyền mắc cạn và cứu sống nhiều người bị nạn trên biển. Khi nghe tôi hỏi về những vụ cứu nạn trên biển, anh Thụ bảo rằng mình quên hết, chẳng nhớ đã cứu những ai (trừ một số vụ quá đặc biệt), nhưng người quen biết anh thì biết số vụ cứu nạn trên biển cả trăm vụ, người được cứu cả ngàn người. Có những vụ anh cứu người mà gặp nguy hiểm suýt chết mà người được cứu đến phút cuối không biết danh tánh người cứu mình là ai.

Nghề biển cho anh niềm vui và cả sự dũng cảm, mưu trí khi mưu sinh trên đầu ngọn sóng. Anh cười nhẹ bảo, làm ngư dân mà chưa trải qua lằn ranh sinh - tử thì chưa phải là người đi biển thực thụ. Cũng chính vì từng “vào sống ra chết” mà họ cực kỳ quý trọng sinh mạng con người, thấy người khác gặp hiểm nguy là xả thân cứu giúp. “Ngư dân chúng tôi coi mọi người đi trên biển đều là con em thân thiết. Việc cứu người là hoàn toàn tự nguyện” - anh Thụ khẳng khái chia sẻ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều thế hệ đi biển ở thị trấn Cửa Việt, anh Võ Văn Thụ (sinh năm 1963) đã làm bạn với biển từ khi còn rất nhỏ. Bảy tuổi anh đã lên ghe rong ruổi. Đến năm 14 tuổi thì chính thức được cha cho phép tham gia những chuyến đi biển dài ngày. Từ đó, anh làm quen với công việc cứu người tại Cửa Việt, trong đó có cả cứu người thân trong gia đình. Bởi đây là một cảng lớn, hầu hết tàu cá lớn trong cả nước đã đến. Từ năm 1965 đến 1972, đoạn sông từ Cửa Việt (Hạm đội 7) đến Đông Hà cảng quân sự Đông Hà đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch của Quân đội Mỹ. Nằm ở tuyến đầu của hành lang kinh tế Đông - Tây, và ở cuối tuyến đường Quốc lộ 9, cách Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo 90km về phía Đông, cảng Cửa Việt được đánh giá là một công trình quan trọng để thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Tuy nhiên, do đặc điểm của mùa gió và luồng nước mà nơi đây thường xảy ra tai nạn trên biển.

Năm 2014, anh Võ Văn Thụ đã cứu 2 tàu lên đến 23 người là tàu Trương Văn Định gồm có 17 người bị chìm vào ngày 24/12 âm lịch và tàu Phúc Linh 89 có 6 người. Ngày 7.2.2020, tàu cá QT 92567 của anh Võ Văn Thụ khi đi biển đã tổ chức cứu nạn tàu Đức Phát 66 ở tọa độ cách đảo Cồn Cỏ khoảng 30 hải lý về hướng Đông Nam. Các thủy thủ trên tàu Đức Phát 66 hành trình từ An Giang đi Hải Phòng và tàu chở theo 1.800 tấn gạo. Khi tàu bị hỏng máy, 9 thủy thủ trên tàu hết sức lo lắng. Sau này, các thủy thủ chia sẻ, không ngờ rằng, ngư dân ở Cửa Việt đã sử dụng chiếc tàu gỗ để cứu hộ đưa về cảng Cửa Việt.

Với chiếc tàu yêu thương ngay tại Cảng Cửa Việt.
Với chiếc tàu yêu thương ngay tại Cảng Cửa Việt.

Không chỉ cứu nạn người mà anh còn thường xuyên tham gia việc cứu hộ, trục vớt, lai dắt thành công các tàu bị đắm trên biển. Thời tiết trên biển ngày càng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới bất thường và cực đoan. Trong khi đó, hoạt động trên biển ngày càng sôi động, khả năng xảy ra tai nạn cũng ngày một gia tăng.

Năm 2020, nhiều sự cố liên quan đến tàu biển đã xảy ra trên vùng biển Việt Nam do va chạm và sự khắc nghiệt của thời tiết. Công tác cứu nạn cho trên biển gặp nhiều khó khăn cả về phương tiện và nhân lực. Đối với vụ tai nạn tàu Vietship 01 vừa qua, sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, đặc biệt là việc điều động trực thăng của Bộ Quốc phòng đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không phải tình huống nào hoạt động của trực thăng cũng mang lại hiệu quả. Bởi trong điều kiện sóng gió quá phức tạp, gió cấp 7, cấp 8 trở lên sẽ không đảm bảo an toàn cho trực thăng. Trong đó, vẫn phải dựa vào sự giúp nhau trên biển của các ngư dân. Công việc cứu hộ tàu, cứu nạn người trên biển đòi hỏi sự dũng cảm, riêng với người đứng đầu tổ chức việc cứu nạn còn đòi hỏi thêm sự mưu trí, tỉnh táo và quyết đoán bởi chỉ cần sơ sẩy sẽ trả giá bằng chính tính mạng của mình.

Cứu hộ, cứu nạn trên biển như chỉ huy một trận đánh

Khi được hỏi về kinh nghiệm tổ chức ứng cứu, anh Võ Văn Thụ trầm ngâm: “Cứu nhiều người bị nạn trên biển trong điều kiện thời tiết xấu thì thật sự như một trận đánh”. Đánh trận muốn hiệu quả phải chọn thời điểm tối ưu. Phải tính bằng trí. Muốn làm được điều này mình phải am hiểu được con nước sẽ lên xuống thế nào, hướng gió thổi, điều kiện địa hình của vùng biển gặp nạn. Tất cả những thứ đó sẽ tác động với nhau thế nào khi gặp mưa bão. Mình phải tính được các thông số đó thì mới tổ chức ứng cứu thành công được. Có lẽ, 3 lần đối diện với thần chết đã cho anh sự tỉnh táo, điềm tĩnh đến vậy.

Năm 1993, anh bắt đầu công việc đóng tàu vì trong nhà có 2 chiếc tàu cá lớn cần duy tu, bảo dưỡng hàng năm. Dần dần rồi làm cho bà con thân quen nhờ kéo xác tàu về để sửa chữa. Có thời điểm một lúc kéo đến 20 xác tàu chìm. “Duyên” với công việc cứu hộ tàu có lẽ bắt đầu từ năm 2002. Khi ấy, tại cảng Cửa Việt có tàu Phương Nam bị tai nạn, sắp chìm. Điều rất nguy hiểm là tàu đang vận chuyển 440.000 lít dầu.

Các ngành chức năng của tỉnh Quảng Trị vào cuộc bởi nếu tàu chìm, dầu loang trên biển sẽ là một sự cố về môi trường biển rất lớn. “Ông chủ tàu đi từ tỉnh Thái Bình vào để trực tiếp xem xét, xử lý, nhiều phương án của địa phương cũng được đưa ra nhưng tính khả thi không cao, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm không kém. Lúc đó tôi có đến xem. Hiểu biết của mình cũng chưa được nhiều nên chỉ nghĩ đến việc cứu tàu chứ chưa nghĩ đến cứu hàng. Nhưng muốn cứu được tàu thì phải vận chuyển toàn bộ số hàng này lên đất liền” - anh Thụ chia sẻ.

Đêm đó anh nghĩ ra phương án và sau khi trình bày, chủ tàu đồng ý cấp trước 20 triệu đồng để mua vật tư là trạm bơm và 600 m ống. Thời đó chưa có các tàu bơm cát như bây giờ nhưng anh Võ Văn Thụ đã sáng tạo dựa trên nguyên lý hoạt động đó để hút dầu từ tàu lên các xe chứa trên đất liền. Anh kết bè để máy bơm trên đó hoạt động. Đồng thời, để giữ cho tàu ổn định, không bị lật, anh cho bố trí 3 con tàu xung quanh. Sau 18 tiếng liên tục bơm hút, đến 10h đêm, toàn bộ số dầu đã được đưa từ biển lên đất liền an toàn. Chủ tàu tiếp tục nhờ anh cứu hộ tàu mắc cạn và sửa chữa thành công để tiếp tục chuyến hải trình.

Sau tàu Phương Nam thì đến ngày 14/12/2002 (âm lịch), tàu Năng lượng 09 của Công ty vận tải sông biển Hải Phòng chở 450 tấn cũng bị mắc cạn ngay tại cảng Cửa Việt và mọi người lại tiếp tục nhờ đến anh Võ Văn Thụ để trục vớt. Tiếng lành đồn xa, nhiều chủ tàu khi gặp nạn ở quá xa, đã nhờ đến anh hỗ trợ và họ chỉ tin tưởng giao tàu cho anh xử lý. Năm 2010 anh “cứu” con tàu Huy Hoàng 26 chở 1000 tấn xi măng bị lật úp tại Cửa biển Thuận An. Có những con tàu khi bị đắm để trục vớt được, buộc phải cắt đôi tàu ra dưới nước. Sau đó lai dắt về Cảng Cửa Việt và thực hiện việc “ghép nối” trở lại hoàn hảo như xưa.

Anh cười vui kể rằng, sau lần suýt chết năm 2012, anh quyết định thanh lý toàn bộ tàu, đồ nghề quyết không đi biển nữa, không muốn “dính líu tới biển nữa”. Với bản tính trầm tĩnh, ít nói nên người thân cũng không biết thực hư câu chuyện khiến anh bỏ nghề nhưng có lẽ nó cũng “khủng khiếp lắm”. Nghỉ ngơi được 1 năm, có người điện thoại đến năn nỉ nhờ cứu hộ tàu. “Họ năn nỉ mãi vì tàu chìm, không trục vớt, kéo xác về để sửa chữa thì coi như không còn phương tiện làm ăn. Vì dù sao chi phí trục vớt, sửa chữa vẫn thấp hơn đóng tàu mới.

Chưa kể, với người đi biển thì con tàu còn là kỷ niệm thân thương khiến họ không muốn xa rời”. Cầm lòng không đặng đành gật đầu. Thế là anh trở lại với công việc cứu nạn người, cứu hộ tàu trên biển từ Quảng Trị có khi làm ra tới Nghệ An, Thanh Hóa hoặc ngược vào tận Nha Trang, Phú Yên. “Thế có khi nào mình bỏ ra rất nhiều tiền bạc để giúp chủ tàu trục vớt, lai dắt tàu về nhưng họ không thanh toán cho mình không” - tôi tò mò hỏi. Trả lời câu hỏi của tôi, anh Thụ cười nhẹ bảo: “Nhiều lắm chứ. Số tiền cộng lại có đến vài tỉ đồng. Nhưng thôi kệ, họ cũng gặp khó. Còn trong sức mình thì mình nhận lời. Quá sức cũng đành từ chối”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với anh Võ Văn Thụ liên tục bị gián đoạn bởi điện thoại khắp nơi gọi đến nhờ anh ra giúp cứu hộ tàu bị chìm. Thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, vùng hoạt động đánh bắt của ngư dân ngày càng xa bờ, nên nguy cơ xảy ra tai nạn trên biển rất cao. Thế nên, đối với ngư dân bám biển vẫn luôn cần những hiệp sĩ với lòng quả cảm và tình người ấm áp sẵn sàng lao người ra cứu giúp người gặp nạn! Câu chuyện về những hiệp sĩ trên biển khiến cho buổi chiều đầy mưa gió trở nên ấm áp bởi tình người trong hiểm nguy…

PHƯƠNG NAM
TIN LIÊN QUAN

Ngày làm công nhân, tối làm hiệp sĩ cứu hộ

Mai Dung |

8 tiếng làm việc tại công ty vừa kết thúc, Lê Văn Mạnh (27 tuổi, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) nhanh chóng về nhà ăn bữa cơm gia đình, rồi lại khoác chiếc áo xanh, cùng “đồng đội” xuống phố giúp đỡ người gặp khó khăn trên đường.

Truy bắt đối tượng trộm xe máy, 1 "hiệp sĩ" bị trọng thương

ĐÌNH TRỌNG |

Trong lúc truy bắt đối tượng trộm xe máy từ Đồng Nai chạy sang Bình Dương, một "hiệp sĩ" té xe bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Tặng bằng khen cho "Hiệp sĩ bóng đêm" hỗ trợ người bị tai nạn ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG |

Người thanh niên ban ngày đi bán rau, ban đêm hỗ trợ đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu vừa được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương trao tặng bằng khen trong Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh.

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Ngày làm công nhân, tối làm hiệp sĩ cứu hộ

Mai Dung |

8 tiếng làm việc tại công ty vừa kết thúc, Lê Văn Mạnh (27 tuổi, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) nhanh chóng về nhà ăn bữa cơm gia đình, rồi lại khoác chiếc áo xanh, cùng “đồng đội” xuống phố giúp đỡ người gặp khó khăn trên đường.

Truy bắt đối tượng trộm xe máy, 1 "hiệp sĩ" bị trọng thương

ĐÌNH TRỌNG |

Trong lúc truy bắt đối tượng trộm xe máy từ Đồng Nai chạy sang Bình Dương, một "hiệp sĩ" té xe bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Tặng bằng khen cho "Hiệp sĩ bóng đêm" hỗ trợ người bị tai nạn ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG |

Người thanh niên ban ngày đi bán rau, ban đêm hỗ trợ đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu vừa được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương trao tặng bằng khen trong Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh.