Ngày 13.10, khi thị sát công tác khắc phụ hư hỏng tại cao tốc đầu tư 34.000 tỉ đồng Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cũng không khỏi bức xúc trước thực trạng vá víu cao tốc thủ công, phản cảm và bong tróc trở lại ngay sau khi khắc phục.
Hàng loạt cao tốc mới khai thác đã sụt lún, hư hỏng
Được đưa vào khai thác sử dụng từ đầu tháng 1.2014 nhưng sau đó vài tháng, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã xuất hiện hiện tượng lún, lệch 3 - 5cm trên đoạn nối đi qua huyện Long Thành (Đồng Nai), thuộc gói thầu số 3.
Kết quả kiểm tra hiện trường của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước vào thời điểm đó đã chỉ rõ, công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A còn một số tồn tại, như vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây; công tác thoát nước tạm tại khu vực nền đường đào chưa được quan tâm; bề mặt của nền đường không bằng phẳng; đất đắp mang cống chưa đắp đúng thiết kế về chủng loại vật liệu là vật liệu thoát nước; taluy nền đường đào gói thầu số 6 chưa được gia cố, hiện đã xuất hiện hiện tượng xói lở.
Tương tự, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Yên Hồng, huyện Ý Yên (Nam Định), bị hư hỏng nghiêm trọng. Mặt đường bị xé loang lổ, nhiều hố sâu xuất hiện gây khó khăn cho hàng chục nghìn phương tiện qua lại mỗi ngày.
Còn trên tuyến đường cao tốc dài nhất VN là Nội Bài - Lào Cai chỉ sau 3 ngày thông xe, đã xuất hiện tình trạng sụt lún và cả những vết nứt kéo dài tại Km83 chiều từ Yên Bái về Phú Thọ.
Nền đất yếu là nguyên nhân thường được chủ đầu tư đưa ra để lý giải cho tình trạng lún sụt nói trên bên cạnh các yếu tố như thời tiết, tải trọng xe... Cũng có lúc việc chạy đua tiến độ để sớm thông xe được đưa ra để lý giải cho hiện tượng cao tốc mới hoàn thành đã có vấn đề như tại cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Đại diện Tổng Cty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) từng cho biết, các vị trí hư hỏng nằm trong khu vực nền đất yếu, theo thiết kế cần gia tải chờ lún 4 đến 7 tháng nhưng để chạy đua tiến độ, các vị trí đang xử lý nền đất yếu được dỡ tải sớm và do đoạn đường chưa đủ thời gian chờ lún nên nền đường bị lún không đều, gây trồi sụt, ổ gà.
Mặt khác, tại vị trí tiếp giáp giữa mặt đường bê tông nhựa với mặt đường láng nhựa dễ chịu tác động của lực phanh hãm xe khi giảm tốc độ nên gây bong tróc mặt đường.
Không đảm bảo chất lượng nên đường mới hỏng!
Trao đổi với báo Lao Động chiều 14.10, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, hệ thống đường cao tốc Bắc Nam (trong đó có cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cầu Giẽ - Ninh Bình...) là hệ thống cao tốc cấp cao nhất, được đầu tư thiết kế nghiêm túc, tiêu chuẩn quốc tế với chi phí rất lớn, xấp xỉ hơn 10 triệu USD/km mà vừa làm xong đã có hư hỏng là không thể chấp nhận được.
Nhận định về nguyên nhân của tình trạng trên, chuyên gia này cho rằng có nhiều yếu tố từ thiết kế, thi công tới giám sát chất lượng. Cụ thể, chuyên gia này phân tích rằng, việc thiết kế chi tiết không đảm bảo với những điều kiện không phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng cũng có thể dẫn tới việc thi công không phù hợp.
Tiếp đến là đơn vị thi công, bao gồm công nghệ và các bước thi công có phù hợp, có đảm bảo đầy đủ các bước công nghệ hay là có hiện tượng bỏ qua các bước để giảm bớt chi phí còn giảm bước nào thì khi cơ quan chức năng kiểm tra sẽ phát hiện ra. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng có hiện tượng rút ruột giảm bớt vật tư thiết yếu.
Ngoài ra, việc các đơn vị giám sát thi công “mắt nhắm mắt mở bỏ qua công đoạn cần thiết để đơn vị thi công tự tung tự tác” cũng dễ dẫn tới hiện tượng hư hỏng ngay sau khi vận hành. Liên quan tới vấn đề nền đất yếu, chuyên gia này khẳng định nền đất yếu là một yếu tố nhưng không thể đổ tại nguyên nhân này bởi khi thiết kế, thi công các đơn vị liên quan đã phải tính đến và phải có công nghệ, kỹ thuật để xử lý.
Vấn đề giám sát công trình khi đưa vào khai thác cũng được chính Thứ trưởng Bộ GTVT đưa ra khi thị sát thực tế trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Thứ trưởng Thọ phê bình nghiêm khắc chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát, quản lý đường đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong vận hành quản lý khai thác và cho rằng, lẽ ra khi có hiện tượng phải xử lý kịp thời thì vết nứt đã không có hư hại lan rộng. Ban đầu chỉ là các vết nhỏ, gặp nước mưa đọng lại kết hợp lưu lượng xe qua lại nhiều, lớp nhựa đường mất liên kết dẫn đến bong tróc và phá hoại rất nhanh, tạo dư luận không tốt.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhận định, hỏng hóc trên cao tốc này là do không đảm bảo chất lượng nhưng nguyên nhân do chất lượng vật tư vật liệu không đảm bảo, do kỹ thuật, hay phương pháp thi công không đúng thì cần phải kiểm tra, xác minh kỹ mới kết luận cụ thể được.
Theo Bộ GTVT, hiện Việt Nam có hơn 800km đường cao tốc đang vận hành; 400 km đang xây dựng và khoảng 2 năm nữa sẽ hoàn thành. Còn theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km bao gồm tuyến Bắc - Nam (2 tuyến/3.083km), hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc (14 tuyến/1.368km), hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên (3 tuyến/264km), hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam (7 tuyến/983km), hệ thống đường vành đai cao tốc tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (5 tuyến/713km).