Lai lịch “tù mù” của SB Vina
Ngày 14.4, Báo Lao Động khởi đăng loạt bài về những bất thường trong công văn xin cấp phép nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna của Vimedimex.
Theo đó, tại công văn số 37/2021/CV-VMD ngày 17.2.2021 mà Vimedimex gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế có đề cập tới Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina (SB Vina) với vai trò là bên bán, được Moderna ủy quyền phân phối vaccine COVID-19 của hãng này tại Việt Nam. Nhưng theo tìm hiểu của PV, SB Vina vẫn chưa tròn 1 tuổi và cũng không đăng ký ngành nghề kinh doanh chính liên quan tới lĩnh vực dược phẩm mà là vận tải hành khách hàng không.
Từ đây, nghi ngại về tiềm lực thực sự của SB Vina được đặt ra. Bởi lẽ, kinh doanh dược cần được Bộ Y tế cấp chứng nhận đủ điều kiện, với các quy định hết sức ngặt nghèo.
Nhưng càng bất ngờ hơn nữa, khi tìm hiểu sâu về 4 lần thay đổi đăng ký kinh doanh của SB Vina trong gần 1 năm thành lập, PV phát hiện khi mới thành lập (tháng 3.2020), SB Vina có tên là Công ty TNHH Vận tải Hàng không Newlife Air, vốn điều lệ đăng ký là 136,8 tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Anh nắm 95% cổ phần và ông Nguyễn Ngọc Trung nắm 5% còn lại.
Tới tháng 8.2020, Newlife Air đổi tên thành SB Vina, ông Nguyễn Văn Anh tăng vốn từ 95% lên 99%; 1% còn lại do bà Ngô Minh Nguyệt là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của SB Vina nắm giữ.
Tới ngày 8.1.2021 thì ông Nguyễn Văn Anh chuyển nhượng toàn bộ 99% cổ phần của SB Vina cho ông Nguyễn Văn Mạnh.
Ông Nguyễn Văn Anh liên quan mật thiết và là cổ đông lớn tại nhiều doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Newlife, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bigbuy24h Việt Nam, Công ty Cổ phần Gold Game Việt Nam.
Trong đó, Bigbuy24h Việt Nam là doanh nghiệp tai tiếng khi cuối năm 2020, nhiều cơ quan báo chí trong nước liên tục thông tin về việc nhóm lãnh đạo BigBuy24h đã sử dụng mô hình hoàn tiền để lôi kéo và có dấu hiệu chiếm đoạt 500 tỉ đồng của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, tháng 3.2020, Newlife Group tổ chức lễ ký kết sáp nhập với Quỹ đầu tư SB Capital Management INC (Mỹ), đồng thời trao chứng nhận sở hữu cổ phần GoldGame cho các cổ đông tại Việt Nam. Thương vụ được công bố có giá trị lên tới 1 tỉ USD. Ngày 16.3.2020, Bigbuy24h Việt Nam cũng tổ chức lễ ký kết sáp nhập với SB Capital Management INC.
Phải nói thêm, thương vụ tỉ USD với SB Capital Management INC mà doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Anh công bố cũng vướng vô vàn thị phi, nhiều cơ quan báo chí đã đặt nghi án lừa đảo về thương vụ này.
Tập đoàn SB Capital Management cũng là cái tên được Vimedimex nhắc tới trong Công văn số 37/2021/CV-VMD ngày 17.2.2021 mà Vimedimex gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế xin cấp phép nhập khẩu vaccine COVID-19 Moderna.
Tại công văn này, Vimedimex khẳng định: Tập đoàn Moderna có văn bản ủy quyền cho Tập đoàn SB Capital Management đàm phán, thảo luận và trao đổi bằng bất kỳ phương thức nào khác với các người mua tiềm năng tại Châu Á liên quan đến vaccine COVID-19 Moderna. Đồng thời, ủy quyền thêm cho Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina và Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex, thay mặt Tập đoàn Moderna thực hiện các vấn đề về vaccine COVID-19 Moderna tại Việt Nam.
Vimedimex: Nợ phải trả gấp 23 lần vốn chủ sở hữu
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Vimedimex, tại ngày 31.12.2020, tổng tài sản của doanh nghiệp này ở mức 8.292 tỉ đồng - được hình thành từ 95,83% nợ phải trả (7.947 tỉ đồng) và hơn 343 tỉ đồng vốn chủ sở hữu.
Theo khảo sát của Lao Động, trên cả 2 sàn HOSE và HNX, có khoảng 70 doanh nghiệp có nợ phải trả lớn hơn vốn chủ sở hữu (hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 1 lần). Tuy nhiên, nợ phải trả gấp hơn 23 lần vốn chủ sở hữu như Vimedimex là hi hữu.
Với hệ số này, Vimedimex trở thành một trong những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ cao nhất trên sàn chứng khoán. Về nguyên tắc, tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu càng cao thì doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ.
Ngoài ra, hệ số thanh toán ngắn hạn của Vimedimex rất thấp, chỉ ở mức 0,04. Khi hệ số thanh toán ngắn hạn càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Tình trạng lệ thuộc vốn vay của VMD cũng đã kéo dài chục năm, từ 2010 đến nay.
Chính trong Bản cáo bạch năm 2010 và 2011, VMD cũng thừa nhận rằng “Công ty phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tín dụng trả chậm của nhà cung cấp, nếu trường hợp công ty không bán được hàng sẽ không thể thanh toán được khoản phải trả, gây rủi ro vỡ nợ”.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Bộ Y tế phải làm rõ và xử lý hết sức nghiêm khắc
Liên quan đến loạt bài “Bất thường trong công văn xin cấp phép nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19” do Báo Lao Động phản ánh, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc.
Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện nay Chính phủ đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho người dân. Việc này cần phải thực hiện theo quy trình hết sức chặt chẽ, an toàn và tránh gây lãng phí.
Việc khuyến khích, kêu gọi, động viên các nguồn lực tham gia vào việc nhập khẩu vaccine COVID-19 là cần thiết, nhưng đồng thời cũng phải quản lý rất chặt chẽ, tránh việc các đơn vị, tổ chức lợi dụng nhu cầu cần vaccine hiện nay để làm ăn gian dối, nhằm trục lợi.
“Những tổ chức, đơn vị nào giả mạo hồ sơ, giấy tờ để xin nhập khẩu vaccine cần phải được Bộ Y tế làm rõ và xử lý hết sức nghiêm khắc”- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Bộ Y tế càng im lặng càng làm nghi ngờ có lợi ích nhóm
Sau khi theo dõi loạt bài trên Báo Lao Động, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho biết, ông vô cùng bức xúc trước việc im lặng của cơ quan chức năng và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Theo đại biểu Hòa, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân. Vì vậy, việc có vaccine phòng ngừa là vấn đề cấp bách, yêu cầu rất quan trọng với người dân cả nước. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện khách quan, minh bạch.
“Tôi nghĩ rằng nhập vaccine là cần thiết, ngoài việc tích cực tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trong nước, để có đủ vaccine tiêm chủng cho người dân. Nhưng việc nhập khẩu vaccine phải được thực hiện thận trọng. Ngân sách là tiền thuế của nhân dân, cho nên Bộ Y tế phải hết sức công tâm khi giao cho các doanh nghiệp nhập vaccine về Việt Nam.
Tiền lệ của ngành Y tế đã xảy ra rồi, đã có người vào tù vì nâng khống giá vật tư y tế, nhập thuốc giả từ bên ngoài về. Mà thuốc, vaccine dùng để cứu người, nên không cho phép xảy ra sai sót; quy trình cấp phép, nhập khẩu phải được làm hết sức chặt chẽ, cần thiết phải được đấu thầu công khai, minh bạch.
Lựa chọn đơn vị được nhập khẩu vaccine cũng phải là đơn vị có uy tín trong lĩnh vực y tế. Như trong phản ánh của Báo Lao Động, đơn vị mà doanh nghiệp nói là được tập đoàn quốc tế ủy quyền để phân phối vaccine tại Việt Nam là đơn vị sinh sau đẻ muộn, chưa được thôi nôi, mà ngành nghề kinh doanh chính lại không phải thuộc lĩnh vực y tế. Nếu đúng là như vậy thì rõ ràng là có dấu hiệu rất bất bình thường, không khéo là lợi ích nhóm của cơ quan, đơn vị, tổ chức nào đó móc nối với những người có trách nhiệm trong Bộ Y tế để nhập những loại vaccine về tiêm cho người dân. Không khéo vaccine lại thành miếng mồi béo bở cho những tổ chức, cá nhân nhằm trục lợi.
Đây là vấn đề lớn, rất hệ trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân cả nước. Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị Bộ Y tế phải vào cuộc xác minh, làm rõ” - Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Cũng theo đại biểu Hòa, liên quan đến lĩnh vực nhập khẩu thuốc, vật tư y tế, vaccine, nếu xảy ra bất thường trong một khâu nào đó thôi, thì cơ quan y tế lãnh đủ, cũng là thiệt hại đến sinh mạng, sức khỏe của người dân.
Đại biểu Hòa cũng cho rằng, khi Báo Lao Động phát hiện vấn đề, gửi nội dung đề nghị cung cấp, làm rõ thông tin, mà cơ quan chức năng lại “lặng thinh”, đơn vị liên quan không phối hợp làm rõ thông tin thì càng làm người dân nghi ngờ về việc có bất thường trong vụ việc.
“Tôi đề nghị Bộ Y tế cần làm rõ có hay không việc cá nhân, tổ chức nào của đơn vị có câu kết với đơn vị bên ngoài trong việc nhập khẩu thiết bị y tế, thuốc điều trị cho người dân, trong đó có vaccine.
Phải có chỉ đạo rõ ràng, trả lời cụ thể, phân minh về thông tin Báo Lao Động phản ánh. Nếu càng im lặng thì càng làm người dân nghi ngờ có sự mập mờ, lợi ích nhóm” - Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.