Hành trình gian nan của những phóng viên "cầm máu cho rừng"

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Đem theo ít thức ăn khô, nước uống và phương tiện tác nghiệp, tôi và 1 đồng nghiệp cải trang thành người của dự án điện gió đi khảo sát cột đo gió. Nguồn tin chỉ đường quá sơ sài, nên sau nhiều lần lạc đường và 5 giờ lội bộ từ đồi này sang đồi khác, chúng tôi chạm mặt hàng loạt cây rừng bị cưa xẻ, đốn hạ nằm ngổn ngang giữa rừng tự nhiên ở xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

“Đường vào hiện trường đơn giản”, cứ đi là… lạc

Huyện miền núi Đakrông cách trung tâm tỉnh Quảng Trị 40km, người dân sinh sống phần lớn là đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô. Nơi này còn khá nhiều rừng tự nhiên, nên tình trạng phá rừng không hiếm.

Từ nguồn tin có vụ phá rừng nghiêm trọng, UBND tỉnh Quảng Trị không hề hay biết vì cấp dưới chưa báo cáo, nên chúng tôi lập tức lên đường. “Địa điểm phá rừng ở… giữa rừng. Cứ vào bản Làng Cát trên, xuống suối rồi theo đường mòn và lốp ôtô tải, đi thẳng là đến” – nguồn tin chỉ dẫn.

Xác định hiện trường phá rừng thuộc bản Làng Cát và Pa Tầng ở xã Đakông (huyện Đakrông), chúng tôi vào đây, tìm thuê người dẫn đường, nhưng ai cũng lắc đầu từ chối. Sau 2 lần đến bản Làng Cát, gặp mưa lớn, đường trơn phải quay về, chúng tôi tiếp tục nghe ngóng thời tiết, rồi quay trở lại.

Đường vào hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: HT.
Đường vào hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: HT.

5h sáng rời trung tâm tỉnh Quảng Trị, hơn 6h có mặt ở bản Làng Cát với thức ăn, nước uống và phương tiện, đến 7h thì tôi và 1 nam đồng nghiệp bắt đầu men theo suối Cu Dong để tìm đoạn đường hằn lốp bánh ôtô tải.

2 ngày không mưa, nước suối chỉ nửa bánh xe môtô, nên di chuyển không mấy khó khăn. Qua khỏi suối Cu Dong, đến suối Pa Chồ thì đường bắt đầu khó đi vì đối mặt với toàn đồi núi cao.

Lê lết đến được chân con dốc mà người bản địa gọi là “Mạ Ơi”, xe môtô không di chuyển được nữa. Bỏ lại xe môtô ngay khóm tre ở chân dốc, chúng tôi cuốc bộ theo đường mòn. Dọc đường đi, thi thoảng gặp vài người làm nương rẫy hoặc chăn trâu, một số địa điểm có nhà sàn cũ không người ở, vì người dân đã dời làng ra gần Quốc lộ 9.

Bắt đầu từ đây, đường độc đạo chia thành nhiều ngã rẽ. Nhớ lời nguồn tin, rằng “đường vào hiện trường đơn giản, cứ theo đường mòn có lốp bánh xe” là đến, nhưng ở đây hướng nào cũng có vết bánh xe, nên chúng tôi phải phán đoán, rồi chấp nhận chọn ngẫu nhiên. Vì lạc đường mấy lần, nên đến trưa chúng tôi mới tiếp cận đến gần đồi Cò A Chuài - nơi được cho giáp với đồi Le Pút, là hiện trường vụ phá rừng.

Để hạn chế việc sai đường, chúng tôi phải chọn vị trí cao, rồi trèo lên 1 cây cao nữa để định vị. Khi xác định được một đám màu vàng trơ trọi giữa thảm rừng xanh, chúng tôi mạnh dạn di chuyển, và bắt đầu ghi nhận các cây rừng đường kính khoảng 40-60cm ở hai bên đường đi bị đốn hạ.

Cây rừng bị đốn hạ nằm la liệt giữa rừng tự nhiên. Ảnh: HT.
Cây rừng bị đốn hạ nằm la liệt giữa rừng tự nhiên. Ảnh: HT.

Tiếp tục đi theo đường mòn, chúng tôi tìm được vị trí phá rừng nghiêm trọng kéo dài từ tọa độ E00562498 N01838018 đến E00562756 N01837673.

Ở đây, rừng tự nhiên 2 bên đường bị đốn hạ la liệt, có nơi, những thân cây có đường kính từ khoảng 50cm đến 80cm bị cắt phần gốc, cưa xẻ.

Có nơi, cây lớn, cây bé bị đốn hạ còn nguyên trạng nằm xếp chồng lên nhau. Giữa trưa nắng, lội dọc hết các khoảnh rừng để bấm tọa độ từng vị trí, chúng tôi xót xa ghi nhận có hơn 10ha rừng tự nhiên bị đốn hạ trắng.

Nắm thông tin vụ phá rừng… trên báo

Từ các tọa độ ghi nhận được, chúng tôi xác định hiện trường vụ phá rừng nằm trong tiểu khu 699 và 708. Cơ quan chức năng đầu tiên mà chúng tôi đến làm việc, là UBND xã Đakrông.

Ông Hồ Thanh – Chủ tịch UBND xã Đakrông cho hay, người đồng bào thiểu số ở thôn Làng Cát là đồng bào thiểu số, sống bằng nghề nông, nên đã phá rừng để làm rẫy.

Tôi đặt câu hỏi, ở hiện trường, các cây gỗ lớn phần lớn đã bị cưa xẻ, vận chuyển đi hết, vậy mục đích phá rừng có phải lấy đất làm rẫy?

Ông Hồ Thanh trả lời rằng, xã có phối hợp với kiểm lâm, bắt một số vụ vận chuyển gỗ lậu từ khu vực phá rừng ra, nhưng gỗ dùng để làm nhà?

Còn tại Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, ông Trần Đại Đức – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện nói rằng, vụ phá rừng được phát hiện bắt đầu từ ngày 5.4, đến ngày 12.4 thì thống kê cơ bản các diện tích rừng bị phá. Nhưng ông Đức xin phép không cung cấp diện tích rừng bị phá, vì hiện đang điều tra.

Rừng tự nhiên bị đốn hạ trắng. Ảnh: HT.
Rừng tự nhiên bị đốn hạ trắng. Ảnh: HT.

Tìm hiểu ở UBND huyện Đakrông, chúng tôi thu thập được nguồn tin, rừng bị phá ở tiểu khu 699 và 708, 100% rừng tự nhiên phục hồi, trong đó 1 phần thuộc quản lý của xã Đakrông, 1 phần thuộc quản lý của các hộ dân bản Làng Cát và 1 phần thuộc quản lý của cộng đồng bản Pa Tầng (xã Đakrông) với tổng diện tích bị xâm hại 26ha, trong đó 18ha bị phá trắng.

Khi phát hiện vụ phá rừng, kiểm lâm đã báo cáo với các đơn vị liên quan, phối hợp với chính quyền xã, lực lượng công an và ban quản lý rừng cộng đồng ở thôn Làng Cát đến hiện trường để thu thập thông tin, tiến hành điều tra vì có dấu hiệu hình sự.

Khi những thông tin nói trên xuất hiện trên mặt báo, UBND tỉnh Quảng Trị ra văn bản hỏa tốc, đề nghị UBND huyện Đakrông xác minh các thông tin báo nêu, và đặt câu hỏi: Tại sao vụ phá rừng nghiêm trọng, được phát hiện từ đầu tháng 4.2022 nhưng UBND tỉnh Quảng Trị không được báo cáo.

Tiếp đó, Bộ NNPTNT cũng ra văn bản, đề nghị xác minh, xử lý nghiêm vụ phá rừng mà Báo Lao Động đã phản ánh.

Cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra vụ phá rừng sau phản ánh của Báo Lao Động. Ảnh: HT.
Cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra vụ phá rừng sau phản ánh của Báo Lao Động. Ảnh: HT.

Được biết, sau khi báo nêu và UBND tỉnh Quảng Trị có chỉ đạo, lực lượng công an, kiểm lâm, viện kiểm sát đã phối hợp vào cuộc điều tra.

Bước đầu, có 7 đối tượng đã khai nhận việc phá một số diện tích rừng. Cơ quan chức năng cũng đã lập 1 chốt kiểm soát trên tuyến đường dẫn vào hiện trường vụ phá rừng.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các đơn vị tăng cường công tác bảo vệ rừng, điều tra, xác minh làm rõ hành vi, đối tượng vi phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng để xử lý nghiêm.

HƯNG THƠ
TIN LIÊN QUAN

Tiếp tục xảy ra tình trạng phá rừng tự nhiên ở Quảng Trị

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Chưa xử lý xong vụ phá rừng nghiêm trọng phát hiện hồi tháng 4.2022 ở xã Đakrông, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) thì ở địa phương này tiếp tục xảy ra vụ phá rừng khác.

Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị giải trình vì sao chậm báo cáo vụ phá rừng

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, việc chậm báo cáo vụ phá rừng nghiêm trọng mà Báo Lao Động phản ánh cho UBND tỉnh Quảng Trị, trách nhiệm thuộc về UBND huyện Đakrông và Hạt Kiểm lâm Đakrông.

Khởi tố vụ án phá rừng trong khu bảo vệ nghiêm ngặt ở Quảng Trị

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan kiểm lâm đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra vụ khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 645 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Tiếp tục xảy ra tình trạng phá rừng tự nhiên ở Quảng Trị

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Chưa xử lý xong vụ phá rừng nghiêm trọng phát hiện hồi tháng 4.2022 ở xã Đakrông, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) thì ở địa phương này tiếp tục xảy ra vụ phá rừng khác.

Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị giải trình vì sao chậm báo cáo vụ phá rừng

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, việc chậm báo cáo vụ phá rừng nghiêm trọng mà Báo Lao Động phản ánh cho UBND tỉnh Quảng Trị, trách nhiệm thuộc về UBND huyện Đakrông và Hạt Kiểm lâm Đakrông.

Khởi tố vụ án phá rừng trong khu bảo vệ nghiêm ngặt ở Quảng Trị

HƯNG THƠ |

Quảng Trị - Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan kiểm lâm đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra vụ khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 645 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).