Hàng trăm SV ĐH Điện lực bị nghi được nâng điểm, cấp khống bằng tốt nghiệp

Long Nguyễn - Đình Trường |

Trong khi những tố cáo về đường dây can thiệp nhằm nâng điểm thi kết thúc học phần còn chưa được giải quyết thì mới đây, Trường ĐH Điện lực lại "dính" vào một nghi vấn gian lận khác. Lần này, các bằng chứng chỉ ra nghi vấn ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường, đã ký công nhận tốt nghiệp cho nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn. Trong đó, có sinh viên thậm chí còn không có điểm đầu vào.

Lùm xùm đường dây nâng điểm

Tháng 7.2019, Báo Lao Động tiếp nhận thông tin tố cáo cùng nhiều bằng chứng về tình trạng tiêu cực một cách có hệ thống trong công tác đào tạo tại khoa Điều khiển và Tự động hóa, là khoa lớn và nổi tiếng bậc nhất của Trường Đại học Điện lực (số 235 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).

Theo đó, hàng trăm bài thi kết thúc học phần học kỳ I, năm học 2018 - 2019 của sinh viên Khoa Điều khiển và Tự động hóa đều chứa các ký hiệu lạ. Sau đó, những bài thi này đều đồng loạt được nâng điểm một cách khó hiểu.

Đơn tố cáo cho thấy, hàng trăm bài thi kết thúc học phần đã bị can thiệp trái phép
Đơn tố cáo cho thấy, hàng trăm bài thi kết thúc học phần đã bị can thiệp trái phép. Ảnh: LN-ĐT.

Cụ thể, theo đơn tố cáo, có ít nhất 13 túi bài thi bị phát hiện tình trạng sinh viên cố tình dùng các cách thức khác nhau để đánh dấu, viết lên các ký hiệu lạ như sử dụng đồng thời một số cụm từ in hoa, phía dưới chữ "BÀI LÀM" bao gồm: "BÀI THI MÔN: DTCS", "C1", C2", "LTĐKTĐ2-3TC"... Hoặc thậm chí là chép lại toàn bộ nội dung đề thi vào mặt đầu tiên của trang giấy để nhận dạng - một hành động hiếm khi xảy ra với cách thi cử theo kiểu phát cho mỗi người một đề hiện nay.

Những túi bài này thuộc các môn: Truyền động điện, Điện tử công nghiệp, Điện tử công suất, Lý thuyết và điều khiển tự động,...

Theo tố cáo, có ít nhất 3 giảng viên thuộc khoa Điều khiển và Tự động hóa đã tham gia vào đường dây tiêu cực. Những người này đã cố tình hướng dẫn sinh viên cách thức viết ký hiệu vào bài thi rồi sau đó từ những đặc điểm nhận dạng dị thường, đã can thiệp thô bạo vào quá trình chấm thi hòng nâng điểm khống cho sinh viên.

Hai trong số rất nhiều bài thi có dấu hiệu lạ và được nâng điểm
Hai trong số rất nhiều bài thi có dấu hiệu lạ và nghi được nâng điểm. Ảnh: LN-ĐT.

Chỉ tính riêng trong 1 túi bài thi của môn Lý thuyết điều khiển tự động 2, đã ghi nhận tới 34 trường hợp được nâng ít nhất từ 0,5 tới 5 điểm. Như trường hợp số phách 601149 được nâng từ 3 điểm lên 7 điểm, số phách 601154 được nâng từ 1 điểm lên 6 điểm,...

"Tập thể cán bộ giảng viên chúng tôi mong muốn các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc phải bị xử lý một cách nghiêm minh. Đồng thời trả lại sự trong sạch, công bằng cho môi trường giáo dục tại Trường ĐH Điện Lực" - nguồn tố cáo nêu quan điểm.

Vậy nhưng theo tìm hiểu của PV, mặc dù vụ việc đã lùm xùm và nổi tiếng khắp toàn trường suốt từ tháng 2.2019 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa một cá nhân nào tại khoa Điều khiển và Tự động hóa phải chịu trách nhiệm.

Chỉ có riêng trường hợp ông Vũ Văn Định - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, là đơn vị chịu trách nhiệm bảo quản các bài thi, thì phải làm giải trình và sau đó không được tái bổ nhiệm vì bị cho là đã để những người tố cáo sao chụp lại các bài thi bị sửa điểm.

Không trúng tuyển, vẫn tốt nghiệp?

Ngoài những lùm xùm liên quan việc nâng điểm học phần cho sinh viên, PV Báo Lao Động còn tiếp nhận thêm thông tin về nghi vấn ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Đại học Điện lực đã ký cấp bằng tốt nghiệp cho nhiều sinh viên không đạt chuẩn trong đợt ra trường hồi tháng 3.2019.

Những sinh viên này chủ yếu thuộc khóa D9 (vào trường năm 2014) và một số thuộc khóa D8 (vào trường năm 2013) nhưng thiếu một loạt các điều kiện như: Không có quyết định đào tạo, điểm thi dưới điểm trúng tuyển hay thậm chí không có cả điểm thi đầu vào nhưng vẫn được theo học và ra trường "trót lọt".

PV Báo Lao Động nhận được bản danh sách hơn 100 trường hợp được cho là thiếu điều kiện nhưng vẫn được cấp bằng tốt nghiệp.

Trực tiếp tra cứu trên các cơ sở dữ liệu còn lưu trữ, PV cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp có tên trong danh sách tốt nghiệp nhưng không hề có tên trong danh sách trúng tuyển.

Quyết định thành lập Tổ rà soát xét tốt nghiệp của Đại học Điện lực
Quyết định thành lập Tổ rà soát xét tốt nghiệp của Đại học Điện lực. Ảnh: LN-ĐT.

Vấn đề ở chỗ, bản thân ông Trương Huy Hoàng có lẽ do đã lường được việc này nên trước thời điểm xét tốt nghiệp, đã quyết định thành lập Tổ rà soát gồm 6 cán bộ để kiểm tra lại toàn bộ quá trình học tập của gần 1.000 sinh viên.

Trao đổi với PV, một nhân sự thuộc Tổ rà soát năm 2019 xác nhận thông tin nêu trên. Theo người này, từ 2 năm trở lại đây, một năm 2 lần, trường ĐH Điện lực đều tiến hành rà soát  các sinh viên đến thời điểm tốt nghiệp.

Mỗi lần như vậy, Tổ đều phát hiện nhiều trường hợp thiếu điều kiện, chủ yếu tập trung ở nhóm vấn đề về điểm đầu vào thấp hơn điểm xét tuyển.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Trương Nam Hưng - Phó Hiệu trưởng Phụ trách đào tạo Đại học Điện lực xác nhận đang có những ồn ào xung quanh việc tốt nghiệp của sinh viên vào tháng 3 vừa qua.

Ông Hưng cho biết, trước đó, vào ngày 12.2.2019, Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng đã cho thành lập Tổ rà soát hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp Đại học khóa D9 Hệ kỹ sư, gồm 6 cán bộ. Tuy nhiên, kết quả rà soát không được công bố công khai trong toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường. 

PV rất khó khăn để có thể trao đổi trực tiếp với ông Trương Huy Hoàng
PV rất khó khăn để có thể trao đổi trực tiếp với ông Trương Huy Hoàng. Ảnh: LN-ĐT.

Để làm rõ thông tin liên quan đến những bê bối đang diễn ra tại Đại học Điện lực, PV đã nhiều lần đặt lịch làm việc với ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Hoàng vẫn chưa có bất cứ hồi âm nào.

Theo nguồn tin riêng của Lao Động, tại buổi xét tốt nghiệp diễn ra vào ngày 8.3.2019, đại diện tổ rà soát báo cáo có hàng loạt các trường hợp sinh viên thiếu điều kiện.

Tuy nhiên, ông Trương Huy Hoàng vẫn ký quyết định cho những trường hợp này được tốt nghiệp bình thường.

"Khi đó đã có những kiến nghị cần phải xem xét lại nhưng thầy Hoàng nói đây là "hợp đồng dân sự" giữa nhà trường với người dân, rằng sinh viên đã đóng tiền và học tại trường mấy năm rồi không thể không cho ra được" - nguồn tin cho biết.

Cũng liên quan đến những tiêu cực trong đào tạo tại ĐH Điện lực, được biết, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đang thụ lý vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc chạy điểm môn học và thi tốt nghiệp.

Theo đó, chị Đ.T.H.G. (SN 1997) và chị L.T.Th. (SN 1997) đã tố giác hành vi của Hoàng Văn Nghị (sinh viên lớp D9H1) và Trịnh Minh Tuấn (giáo viên khoa Kỹ thuật điện) đã nhận tiền để xin điểm qua môn và thi tốt nghiệp ra trường cho 28 sinh viên tại Đại học Điện lực.

Hiện ông Trịnh Minh Tuấn đã có đơn xin thôi việc.

Long Nguyễn - Đình Trường
TIN LIÊN QUAN

Vụ "chống trượt" tại ĐH Công Nghiệp: Bộ Công Thương yêu cầu kiểm điểm

Nhóm PV Lao Động |

Sau loạt bài phóng sự điều tra của Báo Lao Động điện tử, Bộ Công Thương đã lập tổ xác minh sai phạm tại khoa Ngoại ngữ- Đại học Công nghiệp Hà Nội và đã có kết luận.

Liên bộ thanh tra vụ tiền tỉ "chống trượt" đầu ra ngoại ngữ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội

Nhóm PV Lao Động |

Sau loạt bài "Tiền tỉ chống trượt đầu ra ngoại ngữ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội" đăng tải trên Báo Lao Động, liên bộ Công Thương, Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc, thành lập đoàn thanh tra để xác minh, trên tinh thần xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có sai phạm.

Clip: Thâm nhập lớp học ngoại ngữ Đại học Công nghiệp, lật tẩy chiêu trò "chống trượt" bằng tiền

Nhóm PV Lao Động |

Khóa học "chống trượt" đầu ra ngoại ngữ thường kéo dài 6 buổi, các sinh viên sẽ được cung cấp và cho học thuộc một bộ đề thi mà theo thừa nhận, giống từ 70 đến 80% đề thi thực tế. Thậm chí các giảng viên còn cam kết sẽ nhắc bài trong phòng thi.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Vụ "chống trượt" tại ĐH Công Nghiệp: Bộ Công Thương yêu cầu kiểm điểm

Nhóm PV Lao Động |

Sau loạt bài phóng sự điều tra của Báo Lao Động điện tử, Bộ Công Thương đã lập tổ xác minh sai phạm tại khoa Ngoại ngữ- Đại học Công nghiệp Hà Nội và đã có kết luận.

Liên bộ thanh tra vụ tiền tỉ "chống trượt" đầu ra ngoại ngữ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội

Nhóm PV Lao Động |

Sau loạt bài "Tiền tỉ chống trượt đầu ra ngoại ngữ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội" đăng tải trên Báo Lao Động, liên bộ Công Thương, Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc, thành lập đoàn thanh tra để xác minh, trên tinh thần xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có sai phạm.

Clip: Thâm nhập lớp học ngoại ngữ Đại học Công nghiệp, lật tẩy chiêu trò "chống trượt" bằng tiền

Nhóm PV Lao Động |

Khóa học "chống trượt" đầu ra ngoại ngữ thường kéo dài 6 buổi, các sinh viên sẽ được cung cấp và cho học thuộc một bộ đề thi mà theo thừa nhận, giống từ 70 đến 80% đề thi thực tế. Thậm chí các giảng viên còn cam kết sẽ nhắc bài trong phòng thi.