Xâm phạm nghiêm trọng an toàn hồ đập
Báo Lao Động đã có bài phản ánh "Nhiều hồ thuỷ lợi nhỏ trước nguy cơ bị xâm hại" về tình trạng nhiều hồ thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang bị lấn chiếm, nguy cơ biến dạng, ô nhiễm môi trường bởi những biến tướng trong quá trình thuê sử dụng mặt nước.
Theo Ban quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh có khoảng 138 hồ thuỷ lợi nhỏ đang có dịch vụ cho câu cá có trả phí.
Trên thực tế, sau khi ký thuê mặt nước với mục đích nuôi trồng thuỷ sản những chủ thuê đều tự ý chuyển đổi thành kinh doanh các dịch vụ câu cá. Những biến tướng trong sử dụng, quản lý hồ đập thuỷ lợi cũng từ đây mà ra.
Để có được "mặt bằng" thuận lợi cho việc kinh doanh dịch vụ câu, các chủ thuê sẽ cho san gạt, lấp đất đá xuống một phần hồ để xây dựng lán trại điều hành, nhà chứa thiết bị, cung cấp dịch vụ.
Ghi nhận trực tiếp tại một số hồ trên địa bàn TP Tuyên Quang cho thấy, các hồ đều có hệ thống đường đi, chỗ ngồi cho người câu. Một số hồ như Cây Hồng, Thuyền Tha của xã Kim Phú đường bao quanh hồ còn được lu lèn, rải đá khá kiên cố.
Những công trình này đều được san gạt, xây dựng trên chính hành lang an toàn hồ đập, một phần đất đá được đổ thẳng xuống đã khiến diện tích hồ bị thu hẹp, khả năng trữ nước giảm sút. Nguy cơ các hồ thuỷ lợi bị biến dạng, xâm lấn hiện hữu.
Cá biệt như hồ Ao Tiên (xã Kim Phú) còn bị đắp đập ngăn làm đôi để giữ mặt nước phục vụ cho kinh doanh dịch vụ câu cá. Việc này đã khiến một phần hồ còn lại gần như trong tình trạng không có nước.
Giá dịch vị câu được niêm yết công khai tại các hồ thường từ 250-400 nghìn cho 7-12 tiếng câu. Trung bình 1 ngày, mỗi hồ có thể đón 20-30 khách, doanh thu là không hề nhỏ. Tuy vậy, các dịch vụ đều là tự phát, địa phương không thu được bất kỳ khoản thuế nào.
Chưa kể, với số lượng hàng chục người mỗi ngày kéo theo lượng lớn rác thải nhựa do người câu mang tới được xả thẳng xuống lòng hồ, ven bờ.
Am hiểu pháp luật hạn chế hay vì lợi ích nào khác?
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Sỹ - Giám đốc Ban quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi (QLKT CTTL) Tuyên Quang thừa nhận có tình trạng trên tại phần nhiều các hồ thuỷ lợi nhỏ trên địa bàn. Tuy nhiên việc xử lý lâu nay gặp nhiều khó khăn.
Theo phân cấp, Ban QLKT CTTL cấp xã trực tiếp quản lý các hồ thuỷ lợi trên địa bàn và có quyền ký với tổ chức, cá nhân thuê lại mặt nước chỉ để nuôi trồng thuỷ sản.
Theo bà Sỹ, hiện tại Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh dịch vụ câu cá trên các hồ thuỷ lợi bởi chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể về việc này.
Bà Sỹ thông tin thêm: "Cái khó của Ban chỉ là đơn vị hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, quản lý sử dụng trực tiếp vẫn là các Ban cấp xã. Tuy vậy, năng lực chuyên môn và am hiểu pháp luật của các ban cơ sở còn rất hạn chế".
Chỉ riêng từ đầu năm 2021 Ban QLKT CTTL Tuyên Quang đã phát hiện và có văn bản kiến nghị chính quyền địa phương xử lý 4 vụ vi phạm về lấn chiếm, gây mất an toàn hồ đập.
Chủ yếu trong số này là tự ý lấn chiếm, xây dựng các công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ trên hồ. Tuy vậy để làm mạnh tay hay triệt để là không dễ bởi những tồn tại do lịch sử để lại.
Ông Dương Đức Bình, Trưởng Ban QLKT CTTL Phú Lâm thừa nhận, biết người thuê làm sai hợp đồng, có dấu hiệu lấn chiếm nhưng vì nể nang người địa phương và cũng chưa xảy ra vấn đề nghiêm trọng nên chưa xử lý.
Tuy vậy ông Bình khẳng định: "Nếu có ý kiến, chúng tôi hoàn toàn có thể yêu cầu các chủ hồ dừng dịch vụ câu, hoàn trả mặt bằng, thậm chí chấm dứt hợp đồng".
Luật Thuỷ lợi 2017 và các văn bản dưới luật có liên quan đều quy định rất cụ thể việc kinh doanh các dịch vụ phải được chấp thuận của cơ quan Nhà nước. Những hành vi lấn chiếm, ảnh hưởng tới an toàn hồ đập đều phải xử lý nghiêm.
Nhưng rõ ràng việc hiểu và thực thi đúng các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành, bảo vệ công trình thuỷ lợi ở địa phương là vấn đề cần được nhìn nhận.