Tình trạng ùn tắc kéo dài tại khu vực cầu vượt Ngã Tư Sở do lưu lượng lớn phương tiện giao thông từ nhiều nhánh đường (trong đó có tuyến vành đai 2 trên cao vừa đưa vào khai thác) cùng lúc đổ dồn vào một khu vực ngã tư còn kéo theo tình trạng ách tắc kéo dài ở các ngã tư tiếp theo như ngã tư Láng - Láng Hạ hay Láng - Nguyễn Chí Thanh.
Theo anh Nguyễn Duy Thiệu (sống tại phố Khương Trung, Hà Nội), phương án tổ chức giao thông này chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí, còn gây áp lực lớn hơn lên cho tuyến giao thông đường Láng. Thông thường, anh đi từ nhà đến chỗ làm (số 5 đường Trường Chinh) chỉ mất khoảng 30 phút vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, từ lúc tổ chức giao thông lại, các phương tiện từ phố Tây Sơn đổ sang đường Láng quay đầu chuyển hướng, thời gian đi làm của anh Thiệu lên đến gần tiếng đồng hồ.
Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội - ông Cao Văn Hiệp - cho hay, thời lượng đèn tín hiệu cần được điều chỉnh theo hướng ưu tiên dòng phương tiện từ đường Vành đai 2 đi qua để tốc độ lưu thông phương tiện nhanh hơn. Sau khi thông xe, đường Vành đai 2 trên cao Hà Nội cấm các phương tiện: Xe môtô, xe máy, xe thô sơ, người đi bộ. Tại nút giao Ngã Tư Sở sẽ thí điểm cấm các phương tiện trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng qua nút giao.
Các phương tiện lưu thông theo hướng từ Tây Sơn rẽ phải liên tục ra đường Láng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng để đi thẳng ra Trường Chinh hoặc rẽ phải liên tục ra Nguyễn Trãi. Đồng thời, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phục vụ pha đèn hướng Tây Sơn rẽ trái đi thẳng (21 giây đèn xanh) điều tiết cho 3 hướng giao thông còn lại.
Còn ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho hay, nguyên nhân gây ùn tắc tại Ngã Tư Sở hiện nay là do lượng xe từ đường Vành đai 2 quá đông đổ xuống nhiều, sau đó xung đột trực tiếp với lượng xe tại nút giao dẫn đến ùn tắc.
Ngoài ra, đường Vành đai 2 trên cao mới thông xe với một đoạn ngắn trên đường Trường Chinh nên khi lưu lượng xe từ đường Giải Phóng, Đại La đi lên thoát nhanh xuống Ngã Tư Sở thì ùn tắc là đương nhiên.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam - ông Doãn Minh Tâm - cho rằng, nguyên nhân gây ùn tắc tại Ngã Tư Sở hiện nay là do lượng xe từ đường Vành đai 2 đổ xuống nhiều, sau đó xung đột trực tiếp với lượng xe tại nút giao dẫn đến ùn tắc.
Theo TS Doãn Minh Tâm, phương án nào cũng khó khả thi, chỉ khi thông tuyến hoàn toàn từ Ngã Tư Sở xuống đến cầu Vĩnh Tuy khi đó mới hạn chế được ùn tắc. Vì hiện nay, chúng ta mới chỉ thông xe được gần một nửa, mật độ xe ôtô đông, lên đường trên cao, rồi vẫn phải xuống dưới thấp, nhập vào đi cũng xe máy thì khó tránh khỏi ùn tắc như hiện nay.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - ông Vũ Văn Viện - cho biết, Sở GTVT Hà Nội sẽ chú trọng phương án phân luồng từ xa kết hợp với lực lượng giải quyết giao thông tại chỗ. Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội, sẽ tiếp tục đánh giá ưu, nhược điểm của phương án tổ chức giao thông hiện nay để có phương án điều chỉnh hợp lý nhất, phát huy tối đa hiệu quả điều kiện hạ tầng giao thông hiện có.
TPHCM: Xây cầu vượt chống kẹt xe chỉ là giải pháp tạm thời
Tại TPHCM, cách đây hơn 10 năm, một đơn vị nghiên cứu toàn bộ khu vực nút giao thông Hàng Xanh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã đề xuất xây dựng nhiều cầu vượt, hầm chui hoàn chỉnh giải quyết căn cơ tình hình kẹt xe tại đây. Nhưng do quy mô đền bù giải tỏa rất lớn nên Sở GTVT TPHCM đã dừng thực hiện đề án mở rộng nút giao thông Hàng Xanh và chỉ xây cầu vượt thép để giải quyết ùn tắc giao thông tại đây trong vài năm.
Trong khi đó, mặc dù cầu vượt thép đã được đưa vào hoạt động, nhưng tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) vẫn bị ùn tắc vào những giờ cao điểm và những ngày lễ, Tết. Việc xây dựng một cầu vượt thép trị giá đến 240 tỉ đồng chỉ để giúp cho luồng xe lưu thông vào sân bay dễ dàng nhưng lại không giúp cải thiện giao thông trong khu vực.
Thực tế, lượng xe đi trên Trường Sơn vào sân bay chỉ khoảng 15%, trong khi 85% còn lại là lưu thông trên Trường Sơn để vào Hồng Hà ra Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại từ trong sân bay ra thì tình hình vẫn như cũ, thậm chí là xung đột, ùn tắc nhiều hơn bởi lượng xe vào sân bay nhanh hơn thì lại đi ra nhanh hơn, xung đột với dòng xe từ Bạch Đằng vào Trường Sơn về Lăng Cha Cả. Còn giai đoạn 2 của dự án là xây dựng hầm chui qua đường Trường Sơn theo hướng từ cửa ra nhà ga quốc nội đi sang đường Hồng Hà chưa biết khi nào mới triển khai.
Có thể nói, việc xây dựng các cầu vượt thép ngã tư Hàng Xanh, cầu vượt thép Hoàng Hoa Thám, cầu vượt thép trước sân bay Tân Sơn Nhất... cũng chỉ là những công trình tạm thời giải quyết ùn tắc giao thông trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, theo quy hoạch các công trình đầu tư xây dựng các nút giao thông hoàn chỉnh này đòi hỏi vốn đầu tư lớn vì có quy mô đền bù giải tỏa rất lớn.
Sau nhiều năm đầu tư mở rộng làn đường, xây nhiều cầu vượt, làm một số tuyến đường mới... tình hình kẹt xe tại TPHCM tưởng đã được khắc phục nhưng thực tế không phải vậy. Để giải quyết các điểm kẹt xe tại các nút giao thông, TPHCM đã đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt bằng thép tại các điểm này.
Tại ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), một cầu vượt bằng thép được xây dựng để tạm giải quyết kẹt xe trầm trọng ở “điểm đen giao thông này” vào năm 2013. Nhưng chỉ được một thời gian, kẹt xe giờ cao điểm vẫn xảy ra ở ngã tư này. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là cầu vượt choán hết phần đường Cộng Hòa ở ngã tư, trong khi đường Hoàng Hoa Thám đến bây giờ vẫn chưa được mở rộng dù có dự án được Sở GTVT TPHCM phê duyệt từ năm 2017.
Tương tự, cầu vượt ngã tư Hàng Xanh (thông xe tháng 1.2013) chỉ có thể giải quyết ùn tắc giao thông tạm thời. Hiện nay vào giờ cao điểm chiều, lượng xe máy lưu thông qua giao lộ này rất lớn, nhất là số xe chạy trên đường Điện Biên Phủ hướng từ quận 1 đến ngã 4 rẽ trái vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để về quốc lộ 13, và hướng ngược lại từ cầu Sài Gòn đến ngã 4 rẽ trái vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh về cầu Thị Nghè. Những phương tiện rẽ trái này đã xung đột trực tiếp với các xe đi thẳng trên đường.