Hàng lậu, hàng giả lộng hành
Theo tìm hiểu của Lao Động, Đội Quản lý thị trường số 7 - Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Hà Nội kiểm tra, phát hiện tại hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Cương (ngõ 300B đường Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) gần 20.000 mỹ phẩm các loại có dấu hiệu nhập lậu.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 19.497 sản phẩm mỹ phẩm các loại như kem dưỡng da, mặt nạ thải độc, dầu gội, dầu xả… do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, số hàng hóa vi phạm trị giá hơn 380 triệu đồng. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 26.12, Đội Quản lý thị trường số 25 - Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh tại xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) phát hiện, hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.
Hà Nội ngăn chặn hàng lậu, hàng giả xâm nhập thị trường
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội, trong năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ, xử lý hành chính 26.535 vụ, khởi tố 163 vụ đối với 192 đối tượng đã bị khởi tố hình sự, thu nộp ngân sách Nhà nước 4.307 tỉ 744 triệu đồng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 dịp cận Tết Nguyên đán 2024, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại vẫn phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Chia sẻ về những thủ đoạn vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội - thông tin, tình trạng buôn hàng lậu, hàng giả đang diễn ra phức tạp ở nhiều quận, huyện và hầu hết các tuyến lưu chuyển hàng hóa dịp cận Tết.
Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường cất giấu hàng lậu, hàng giả lẫn trong hàng hóa thông thường hoặc đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nhận định, điều đáng lo ngại là các đường dây buôn lậu mọc lên liên tục, đường dây này bị triệt phá lại xuất hiện đường dây khác với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện hơn. Các đối tượng buôn lậu thường tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, khu chung cư cao cấp.
Nhiều đối tượng còn lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa, việc giao hàng sẽ thông qua doanh nghiệp vận chuyển trung gian nên lực lượng chức năng khó xác định vị trí kho hàng để kiểm tra, xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đã yêu cầu, trong thời gian tới lực lượng chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thị trường, kịp thời đề xuất xử lý những vấn đề gây bất ổn, đảm bảo cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong các dịp lễ, Tết.
Đặc biệt, trong cao điểm dịp Tết Giáp Thìn 2024, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiếp tục diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Để góp phần bình ổn thị trường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Ban chỉ đạo các quận huyện cần đề xuất các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.
Đồng thời rà soát khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để từng người dân trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, mua bán hàng vi phạm...