Chiều 9.9, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, PV Báo Lao Động đặt câu hỏi về làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc đã khiến các cơ sở y tế rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, quá tải và người gánh chịu là bệnh nhân.
Trước tình hình đó, Thành phố dự kiến sẽ dành gói ngân sách hơn 250 tỉ đồng để hỗ trợ nhân viên y tế từ 5 đến 10 triệu đồng theo đặc thù công việc. Xin thành phố cho biết trong đợt này có bao nhiêu cán bộ, nhân viên y tế được hỗ trợ; thời gian hỗ trợ bao nhiêu lâu sẽ xong. Ngoài việc hỗ trợ bằng tiền, thành phố có thêm hình thức hỗ trợ nào khác hay không?
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của thành phố, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Tài chính và Sở Lao động Thương binh - xã hội thực hiện việc xin ý kiến các đơn vị liên quan. Trên cơ sở đó, Sở Y tế đã có tờ trình gửi UBND để trình HĐND TP ban hành nghị quyết hỗ trợ nhân viên y tế.
Phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội.
Về mức hỗ trợ: Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng ngành y tế Thủ đô là chính sách mới, đặc thù của Thành phố nhằm động viên kịp thời đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội.
Mức chi liên Sở: Y tế - Tài chính – Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tham khảo trên một số mức chi hỗ trợ một lần tại thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến góp ý của các Sở, các Ban HĐND Thành phố, ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố tại cuộc họp ngày 28.7.2022.
Các mức hỗ trợ được đề xuất theo mức độ công việc và cho từng vị trí trực tiếp làm chuyên môn y tế và không trực tiếp làm chuyên môn y tế bao gồm: Mức 1 là 10.000.000 đồng/người (tham khảo mức chi hỗ trợ một lần đối với người làm trực tiếp tại Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 24/8/2021 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh); Mức 2 là 7.000.000 đồng/người (bằng 70% mức 1); Mức 3 là 5.000.000 đồng (bằng khoảng 70% mức 2). Cụ thể như sau:
1, Các Bệnh viện, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm:
- Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm): Mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/người.
- Người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính): Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
2, Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm pháp y, Trung tâm Tư vấn dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục dân số Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm:
- Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm): Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
- Người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính): Mức hỗ trợ: 5.000.000 đồng/người.
3, Cơ quan văn phòng Sở Y tế:
- Các Phòng: Nghiệp vụ Y, Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Sở Y tế: Mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/người.
- Phòng: Nghiệp vụ Dược, Tổ chức cán bộ, Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Thanh tra Sở: Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
4, Phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã: Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
5, Viên chức, lao động hợp đồng có chuyên môn y tế làm công tác y tế tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công số II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội, các Cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Mức hỗ trợ: 5.000.000 đồng/người.
Dự kiến kinh phí hỗ trợ: 257,8 tỉ đồng từ ngân sách cấp thành phố.
Cũng theo ông Cương, Nghị quyết dự kiến được trình HĐND Thành phố thông qua vào kỳ họp thứ 9 ngày 12.9.2022. Thời gian thực hiện kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.