Hoạt động hết công suất
Ghi nhận của PV Lao Động, những ngày qua nắng nóng lên tới đỉnh điểm, có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C. Không khí oi bức, nóng nực khiến nhiều người dân tìm đến các bể bơi, khu vui chơi dưới nước giải nhiệt.

Theo thống kê, hiện thành phố có khoảng 130 bể bơi lớn, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, số lượng này vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng mùa nắng nóng.
Tại công viên nước Hồ Tây (quận Tây Hồ), bể bơi Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng), bể bơi Công viên Tuổi Trẻ (quận Hai Bà Trưng), bể bốn mùa Khăn Quàng Đỏ (quận Ba Đình)… đều thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Thậm chí, tại các giờ cao điểm từ 16h-18h, tình trạng quá tải tại các bể bơi thường xuyên xảy ra.
Mức giá hiện tại theo khảo sát đối với bể bơi ngoài trời, giá vé dao động trung bình từ 50.000 - 90.000 đồng/vé người lớn, vé trẻ em dao động từ 30.000 - 70.000 đồng/vé.
Đối với những bể bơi trong nhà, giá vé người lớn dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/vé, vé trẻ em từ 40.000 - 70.000 đồng/vé.
Ngoài ra, nhiều bể bơi cung cấp dịch vụ vé tháng với giá dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các bể còn đẩy mạnh dịch vụ dạy bơi, cung cấp các khóa bơi hè ngắn hạn dành cho mọi lứa tuổi, với chi phí từ 2 - 4 triệu đồng/khóa. Các khóa học đều được cam kết “An toàn, vui vẻ, học đến khi nào bơi được”.
Anh Tiến Đạt - chủ bể bơi Tiến Đạt (ở đường Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) - cho biết, vào giờ cao điểm từ 16-18 giờ, bể bơi luôn trong tình trạng quá tải.
“Bể bơi chia thành 3 ca, 1 ca buổi sáng và 2 ca buổi chiều, giờ nào cũng có khách vào bơi. Nếu mua vé theo tháng, khách hàng sẽ có các ưu đãi như: giảm giá, tặng thêm buổi bơi... Do vậy, lượng khách đến bơi và học bơi tăng vọt, gấp 2-3 lần so với năm ngoái” - anh Đạt chia sẻ.
Cẩn trọng lây nhiễm bệnh
Thường xuyên bơi tại các bể ngoài trời, chị Nguyễn Thị Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Mặc dù đóng vé theo tháng nhưng vào giờ cao điểm hay cuối tuần bể rất đông, tôi chỉ có thể ngâm mình cho mát chứ không còn không gian để có thể bơi lội. Nước bể lại bẩn đục, có cảm giác bị ngứa da”.
Tương tự, chị Mai Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thời tiết nắng nóng, gia đình tôi cho 2 con nhỏ đi bơi tại công viên nước. Tưởng rằng sẽ giúp các con vận động, nhưng sau khi bơi về thấy con đỏ và ngứa mắt. Đưa con đi khám, bác sĩ nói con bị đau mắt đỏ có thể do nhiễm khuẩn từ việc tắm ở bể bơi”.

Theo bác sĩ Lâm Văn Cấp (Bệnh viện Da liễu Hà Nội), bể bơi là nơi công cộng, có rất nhiều người thuộc mọi lứa tuổi tham gia bơi lội. Vì vậy, dù được khử trùng bằng hóa chất chlorine nhưng bể bơi công cộng vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ một số bệnh truyền nhiễm.
“Các loại vi khuẩn, ký sinh trùng tồn tại trong nước như vi khuẩn đường ruột E. Coli, ký sinh trùng Cryptosporidium sp, ký sinh trùng Giardia lamblia… có thể khiến người bơi có nguy cơ mắc phải một số bệnh như viêm tai mũi họng, đau mắt viêm kết mạc, viêm da tiếp xúc dị ứng, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa…” - bác sĩ Cấp chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Cấp, để đảm bảo vệ sinh, người dân nên chọn bể bơi có mật độ người dùng ít, có lắp hệ thống lọc nước tự động 24/24.
Bên cạnh đó, khi bơi người dân nên trang bị đầy đủ mắt kính, nút bịt tai. Sau khi bơi nên tắm lại bằng nước sạch, xà phòng và nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý. Đặc biệt, những người mắc các bệnh ngoài da, tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn...), bị hen phế quản, viêm xoang, huyết áp, tim mạch... thì không nên đi bơi tại những bể bơi công cộng.