Trong bài báo trước, chúng tôi đã nêu việc trâu, bò nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam có tổ chức và được triển khai qua đường cặp kênh cửa khẩu Trâm Dồ (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An).
Số trâu, bò nhập lậu này sau khi vào Việt Nam thành công sẽ được cấp "Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh" và "Biên bản niêm phong phương tiện vận chuyển, chứa đựng động vật, sản phẩm động vật" có đóng dấu của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp.
Việc cấp "Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh" được thực hiện theo quy trình: Thương lái sau khi nhập trâu, bò lậu về Việt Nam chỉ cần nhắn tin báo số lượng trâu, bò cần vận chuyển đi tiêu thụ, số biển kiểm soát của xe tải, tên chủ hàng, địa chỉ giao dịch,... Sau đó, sẽ có người đến giao "Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh" đóng dấu Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp.
Theo thương lái, để có được mỗi giấy chứng nhận kiểm dịch động vật này, họ phải chi tiền triệu. Trong quá trình điều tra, phóng viên Báo Lao Động cũng phát hiện có 1 đối tượng chuyên đến giao "Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh" và "Biên bản niêm phong phương tiện vận chuyển, chứa đựng động vật, sản phẩm động vật" có đóng dấu của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp. Sau khi giao 2 giấy này cho tài xế, đối tượng này tự niêm phong xe tải chở số trâu, bò lậu.
Trước đó, ngày 10.10, Báo Lao Động đăng bài điều tra "Hành trình trâu, bò lậu "vượt biên" từ Campuchia về Việt Nam", phản ánh tại khu vực biên giới huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) giáp với Campuchia, tình trạng buôn lậu trâu, bò qua biên giới diễn ra có tổ chức và quy mô lớn.
Theo đó, qua hơn 1 tháng thâm nhập điều tra, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã làm rõ hành trình hàng trăm con trâu, bò lậu vượt sông từ Campuchia để vào Việt Nam mỗi đêm. Hoạt động này được diễn ra từ 22h hôm trước đến 2h sáng hôm sau.
Vào thời điểm này, bất kỳ ai không có liên quan đến việc tổ chức cho trâu, bò vượt biên, không được xuất hiện tại những điểm đã được chỉ định làm nơi tập kết. Sau khi trâu, bò lậu qua Việt Nam, sẽ có nhiều xe tải lớn (mỗi xe vận chuyển khoảng 20 con trâu, bò) đến để đưa số trâu, bò nhập lậu này đưa đi tiêu thụ.
Sau khi Báo Lao Động phản ánh, tỉnh Long An đã họp với cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề báo phản ánh.