“Mở bung” cửa ngõ bằng cao tốc, đường vành đai
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - năm 2020 được xem là mốc quan trọng, hoàn thành nhiều công trình xóa điểm nghẽn trước mắt cũng như gấp rút thực hiện các thủ tục để kiến nghị đẩy nhanh nhiều dự án lớn mang tính chiến lược. Trong đó, gấp rút hoàn thành các thủ tục cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 2. Với tuyến đường Vành đai 2, TPHCM sẽ ưu tiên thực hiện và quyết tâm khép kín từ nay đến năm 2025. Với 3 đoạn còn lại (khoảng 11km) của đường Vành đai 2 hiện vẫn ngổn ngang, UBND TPHCM đã chỉ đạo lập, thông qua chủ trương đầu tư công, sử dụng ngân sách để gấp rút đầu tư. Dự kiến tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TPHCM giữa tháng 7.2020, thành phố trình để HĐND thông qua.
Riêng dự án Vành đai 3, Vành đai 4 là các tuyến kết nối vùng, thuộc trách nhiệm đầu tư của ngân sách Trung ương và Bộ GTVT là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý. Tuy nhiên, đến nay Vành đai 3 mới làm được một đoạn ngắn 16km/tổng số 90km, còn Vành đai 4 (khoảng 190km) hiện vẫn chưa triển khai. Do vậy mới đây, UBND TPHCM kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án đường Vành đai 3 và 4 với tổng mức đầu tư hơn 154.000 tỉ đồng kết nối vùng, giảm ùn tắc.
Về các tuyến đường cao tốc, hiện chỉ có 2 đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, song cả 2 đều trong tình trạng quá tải. Còn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang trong giai đoạn thi công. Một tuyến cao tốc khác là TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh) cũng đang được thành phố quan tâm và sẽ trình Hội đồng Nhân dân TPHCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp giữa tháng 7 này. Cao tốc TPHCM - Mộc Bài được xây dựng sẽ giảm tải cho tuyến Quốc lộ 22 - vốn đang độc đạo nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Dự án khi hoàn thành còn gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông cho cả khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, tỉnh Tây Ninh cùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc này sẽ được tập trung thực hiện đưa vào khai thác trước năm 2025…
Tiền đâu để làm?
Theo ông Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - trong bối cảnh hiện nay, TPHCM không còn cách nào khác là phải dồn lực ưu tiên hoàn thành ngay các dự án mở rộng các tuyến quốc lộ hướng tâm, các tuyến cao tốc đã quy hoạch, đồng thời khép kín hệ thống đường vành đai. Mạng lưới đường xương sống, kết nối liên vùng hoàn thiện thì giao thông nội đô sẽ tự thông thoáng hơn, các chính sách giãn dân, xây dựng đô thị đa trung tâm cũng dễ dàng thực hiện. “Để đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và tăng sự kết nối, TPHCM cần sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ Trung ương cùng các bộ - ngành liên quan. Trong đó, Trung ương cần tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM để thành phố có nguồn vốn đẩy nhanh các tuyến vành đai, cao tốc theo quy hoạch” - ông Cương nói.
Còn tiến sĩ Trần Quang Thắng nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến giao thông khu vực TPHCM chưa thể đầu tư phát triển đúng với quy hoạch là do nguồn lực tài chính của thành phố không đủ khả năng để phát triển nhanh hạ tầng giao thông. Việc TPHCM đang xây dựng đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách là cần thiết. Nếu có ngân sách chủ động, TPHCM sẽ sớm triển khai đường sắt đô thị 2, 3, 4; các đường vành đai kết nối với các cao tốc, kết nối với các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm, kết nối sân bay Long Thành...
Khai thác quỹ đất hai bên công trình để tăng nguồn vốn
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia nghiên cứu về giao thông - đô thị cho rằng, lâu nay các dự án giao thông thường đặt câu hỏi là nguồn vốn đâu, nhưng thực tế chúng ta chưa khai thác hết được nguồn vốn từ quỹ đất dọc tuyến đường đi qua. Ông Sơn cho rằng, TPHCM cần quy hoạch tổng thể tại dự án cần kêu gọi đầu tư. Chẳng hạn, thành phố kêu gọi đầu tư vào một con đường, thành phố nên lập quy hoạch chi tiết và tiến hành giải phóng mặt bằng rộng hơn quỹ đất hai bên đường. Sau đó, tổ chức đấu giá khu đất cho nhà đầu tư. Điều này giúp nhà đầu tư tính toán được lợi nhuận có được, đồng thời giúp nhà nước thu được nhiều tiền hơn về cho ngân sách. Để làm được việc này, theo ông Sơn thành phố không nên giao dự án này cho một mình Sở GTVT mà phải xây dựng các quy hoạch chi tiết tại khu vực dự án hạ tầng giao thông cần kêu gọi đầu tư với sự tham gia của nhiều sở, ngành như: Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng cùng sự điều hành giám sát của một lãnh đạo thành phố.