Đừng để các đô thị thành bãi đỗ xe khổng lồ
Theo TS Nguyễn Ngọc Long - Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, bản chất của vấn đề là phải giải quyết giao thông công cộng, còn tất cả các giải pháp chỉ là xử lý tạm thời khi các phương tiện giao thông cá nhân ngày càng phát triển như hiện nay thì rất khó. Cùng với đó, việc quy hoạch các khu đô thị trong khu vực nội thành ngày càng nhiều đã tập trung nhiều cư dân, đây là việc làm lỗi thời và đi ngược với quy luật và tất yếu sẽ gây ách tắc giao thông.
Hiện chúng ta đang mạnh ai nấy làm, cụ thể cứ xây dựng các khu đô thị xong tắc nghẽn chỗ nào thì xây dựng cầu vượt, đường trên cao do đó sẽ tạo ra ùn ứ tại các nút cổ chai khi không được đầu tư đồng bộ. Đây là hình thức “giật gấu vá vai” xử lý giải pháp tình thế.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố như: Lê Văn Lương, Giải Phóng, Cầu Giấy… thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc vào các khung giờ cao điểm. Để giải quyết vấn đề này cần phải có hạ tầng, phải phát triển được giao thông công cộng để phục vụ nhân dân…
Theo các chuyên gia, giao thông công cộng phải đáp ứng được trên 50% thì mới giảm được ách tắc giao thông. Trong khi đó, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Vận tải hành khách đô thị vẫn chủ yếu phụ thuộc vào giao thông cá nhân, trong đó chủ yếu là xe máy (gần 80% chuyến đi).
Theo ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Fulbright VN, nguồn lực của TPHCM có hạn, nếu tiếp tục sử dụng để cơi nới đường, xây thêm cầu vượt thì sẽ không còn đủ để làm giao thông công cộng (GTCC). Ông Du cho rằng, nếu không xem phát triển GTCC là một ưu tiên và giải pháp căn cơ thì khả năng trong 5 - 10 năm tới, TPHCM sẽ trở thành một “bãi đậu xe khổng lồ” như Manila, Jakarta hiện nay.
“Giải pháp mở đường - xây cầu không thể tạo đột phá trong việc chống kẹt xe. Trên thế giới chưa có một siêu đô thị nào với 10 triệu dân mà lại không có hệ thống giao thông công cộng công suất lớn, đảm đương ít nhất một nửa nhu cầu đi lại của người dân như TPHCM” - ông Du nói.
Theo thống kê, mỗi năm TPHCM đổ hàng chục tỉ đồng mở đường, xây cầu vượt nhưng tình trạng ùn tắc giao thông không những không thuyên giảm mà ngày càng lan rộng và trở nên trầm trọng. Đơn cử, trong 3 năm qua, kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông của TPHCM mỗi năm “trình làng” hàng trăm dự án giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị.
TPHCM biến thành một công trường với những “lô cốt”, rào chắn, các dự án được trông chờ, kỳ vọng nhưng sau khi hoàn thành, vẫn hoàn ùn tắc. Chỉ tính khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, từ năm 2016, các cơ quan có thẩm quyền đã đề xuất 22 dự án, trong đó một số dự án đã được triển khai và đi vào sử dụng nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Phát triển giao thông công cộng là mấu chốt
Theo TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - xây cầu vượt không thể được gọi là giải pháp cho giao thông, mà chỉ là một trong những thành phần của dự án. Tại các ngã tư, khi xảy ra kẹt xe, TPHCM cho xây cầu vượt. Khi đó, ngã tư này được giải quyết nhưng điểm kẹt sẽ dời đến ngã tư kế tiếp. Điểm kẹt không hết mà chỉ “chạy qua chạy lại”, không lẽ ngã tư nào cũng cho xây cầu vượt? Cuối cùng TPHCM chỉ càng tốn thêm nhiều chi phí để chạy theo đuôi xử lý vấn đề do tầm nhìn quy hoạch ngắn, hạn hẹp.
Đường trên cao cùng hệ thống giao thông công cộng, đường vành đai, đường xuyên tâm là khung hạ tầng thiết yếu, hạ tầng chiến lược phải làm bằng được và đáng ra TPHCM đã phải làm từ 10 - 15 năm trước.
“Xây thêm cầu vượt, hầm chui chỉ có thể giảm áp lực trong thời gian ngắn và mang tính cục bộ. Việc xây dựng các tuyến đường trên cao, đường xuyên tâm là vô cùng cấp bách nhưng dường như lại đang bị bỏ quên” - ông Cương nói.
Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, để giải quyết ùn tắc giao thông, hàng loạt dự án như đường trên cao, các tuyến quốc lộ, khép kín Vành đai 2 được sở đề xuất UBND TPHCM cân đối vốn triển khai ngay trong năm 2021. Trong đó chú trọng xây dựng 2 tuyến đường trên cao bao gồm: Tuyến số 1 (từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Điện Biên Phủ - cầu Thủ Thiêm 1) dài khoảng 9,5km và tuyến trên cao số 5 (từ Trạm 2 đi theo QL1 đến An Sương) dài khoảng 21,5 km.
Bên cạnh dự án đường trên cao, các dự án cấp bách khác được đề xuất như khép kín đường vành đai 2, xây dựng xong cụm giao thông sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cải tạo mở rộng các trục giao thông hướng tâm gồm QL13 (kết nối với Bình Dương, Bình Phước, Tây nguyên)…
Theo ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM), đến nay TPHCM vẫn còn 22 điểm ùn tắc, tập trung ở khu vực cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm và cửa ngõ. Dù thời gian qua TPHCM đã tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng không thể theo kịp tốc độ phát triển dân số, xe cá nhân.
Ông Hải cho biết, UBND TPHCM mới đây đã phê duyệt đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM”. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tổng kinh phí dự kiến 391.000 đồng để thực hiện các dự án phát triển giao thông công cộng. TPHCM đặt chỉ tiêu cụ thể vào năm 2025 vận tải công cộng sẽ đáp ứng được 15% nhu cầu giao thông đô thị, đến năm 2030, con số này là 25%.
Để đạt được mục tiêu trên, TPHCM đề ra các giải pháp chủ đạo là tăng cường đầu tư các dự án giao thông công cộng có khối lượng lớn như metro, xe buýt nhanh, đường sắt trên cao... Còn giải pháp kiểm soát xe cá nhân tập trung hai vấn đề: Về kinh tế gồm thu phí ôtô, phí ô nhiễm môi trường; về giải pháp hành chính là hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm.
Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thu phí ôtô vào trung tâm TPHCM. Từ 2021 tới 2030 phân vùng hạn chế hoạt động của xe hai bánh phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ hệ thống vận tải hành khách công cộng. Với các giải pháp đồng bộ mà TPHCM đang triển khai, trong thời gian tới bộ mặt giao thông công cộng sẽ thay đổi và tạo sự thuận tiện cho người dân khi đi lại.
Cụ thể, hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành cuối năm 2021, metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến đưa vào khai thác năm 2026. Các tuyến khác cũng đang triển khai đầu tư. Song song đó, trong lộ trình đề án nêu ra sẽ có sự xuất hiện của các tuyến BRT (xe buýt nhanh), trong đó tuyến số 1 lộ trình Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ dự kiến hoàn thành cuối năm 2023, rồi làn ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu.
* Thống kê cho thấy, trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện nay có trên 6,6 triệu phương tiện giao thông đường bộ; trong đó có khoảng 0,6 triệu ôtô các loại và 5,9 triệu xe máy. Thực tế này dẫn tới quá tải hệ thống đường bộ, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp.
* Hiện TPHCM có tới 8,1 triệu xe cá nhân (8 triệu xe máy, 756.000 ôtô). Thời gian qua, lượng xe máy tăng tới 6%/năm nhưng ôtô tăng tới 11%/năm, gấp nhiều lần tăng trưởng đường bộ.
Ý kiến bạn đọc Lao Động: Qua nhiều đời Chủ tịch Hà Nội, vẫn chưa chuyển được trường ĐH khỏi nội đô
Sau khi Báo Lao Động đăng tải tuyến bài “Giao thông hỗn loạn, tê liệt vì thiếu đồng bộ tại Hà Nội và TPHCM”, rất nhiều ý kiến của bạn đọc đã gửi đến Báo Lao Động cùng phân tích nguyên nhân gây ra ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng ở Hà Nội, đồng thời bày tỏ nhiều ý kiến gửi tới Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - ông Chu Ngọc Anh.